Điểm bỏ phiếu tại Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang-Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ảnh VGP Cuộc bầu cử thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta, tính nhân dân sâu sắc của Nhà nước ta thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân với Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước phải ra sức chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử, nhất là thực hiện tốt quyền của công dân, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Kỳ 1: Dấu mốc đặc biệt khi đất nước bước vào giai đoạn ‘cất cánh’ Vào thời điểm đất nước đã đủ thế và lực để có thể bứt phá, vươn lên mạnh mẽ thì Quốc hội phải xứng tầm với khát vọng của dân tộc. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội lần này có ý nghĩa đặc biệt, ghi dấu mốc của thời kỳ chúng ta đưa đất nước bước vào giai đoạn “cất cánh”. Đó là chia sẻ của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với Báo Điện tử Chính phủ về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp diễn ra. GS.TSKH Vũ Minh Giang: Bầu cử Quốc hội khóa XV là dấu mốc đặc biệt khi đất nước bước vào giai đoạn "cất cánh" Những mốc son lịch sử GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, trong đời sống chính trị của bất kỳ quốc gia nào, bầu cử đại biểu Quốc hội luôn giữ vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, ở nước ta, mỗi dịp tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, nguyện vọng của người dân được gửi gắm vào một cơ quan quyền lực cao nhất, đó là Quốc hội. GS.TSKH Vũ Minh Giang điểm lại những cột mốc quan trọng trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội các thời kỳ kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập vào năm 1945 đến nay. Đầu tiên phải kể đến kỳ bầu cử lịch sử, có tính bước ngoặt là Tổng tuyển cử năm 1946. Đó là thời kỳ mà chúng ta giành được chính quyền sau gần 1 thế kỷ mất quyền độc lập và việc bầu cử Quốc hội chính là sự khẳng định tính chính danh cho chính quyền ấy trước quốc dân đồng bào và với thế giới. Chính vì vậy, mặc dù trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có uy tín rất cao mà Người vẫn quyết định phải tổ chức bằng mọi giá cuộc Tổng tuyển cử ngay đầu năm 1946. Ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Tổng tuyển cử là khẳng định chính quyền cách mạng là của dân, do dân và vì dân. William S. Turley, một Giáo sư chính trị học có tên tuổi ở Hoa Kỳ, trong cuốn sách “Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam dưới góc nhìn so sánh” (Vietnamese Communism in Comparative Perspective), đã nhận định: Trong số các đảng cộng sản cầm quyền thì Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cầm quyền mà tính hợp hiến, hợp pháp, tính chính danh không một đảng nào có thể so sánh được. Đến khi đất nước thống nhất, cuộc đại tổng tuyển cử trên quy mô cả nước mang ý nghĩa quan trọng, tạo ra một Quốc hội thống nhất và bầu ra một Chính phủ thống nhất trên quy mô toàn quốc. “Sau một thời gian phấn khởi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta cũng có một nốt trầm trong lịch sử, đó là khủng hoảng kinh tế, nhiều tiêu chí phát triển suy thoái. Khi đó, chúng ta đã có một quyết định dũng cảm đó là Đổi mới. Đại hội Đảng lần thứ VI tiến hành theo tinh thần đó và Quốc hội sau Đại hội VI xuất hiện nhiều gương mặt tài năng mới. Đó là một dấu mốc quan trọng”, GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ về một số kỳ bầu cử Quốc hội có tính bước ngoặt. Cử tri và các tầng lớp nhân dân trông chờ những đại biểu Quốc hội được bầu ra có đủ tầm, đủ tài, đủ đức để có thể đưa đất nước đi lên. Ảnh VGP Vai trò quan trọng trong giai đoạn đất nước ‘cất cánh’ Với cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, đây cũng là một kỳ bầu cử có ý nghĩa đặc biệt. Kỳ bầu cử được tiến hành sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đại hội được giới nghiên cứu đánh giá là đi vào lịch sử khi chuyển giai đoạn phát triển của đất nước từ khời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất tất cả các thế và lực đã tích lũy được để có thể phát triển đột phá theo cách gọi mà báo chí hay dùng là ‘cất cánh’. “Vai trò của Quốc hội là tìm chọn, chuẩn y và bầu ra những gương mặt xứng tầm để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ lịch sử hết sức quan trọng ấy. Quốc hội không chỉ đóng vai trò hoạch định chính sách, bổ sung điều luật hay ban hành những quy chế ở tầm quốc gia, mà còn là cơ quan giám sát hữu hiệu và sắc bén. Trong bối cảnh ấy, những đại biểu Quốc hội được chọn trong kỳ bầu cử này cũng sẽ có những đòi hỏi đặc biệt hơn. Mỗi một kỳ bầu cử đều có ý nghĩa quan trọng và đợt bầu cử Quốc hội khóa XV sẽ đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đất nước đã tạo đủ thế và lực để thực hiện khát vọng của cả dân tộc là hướng đất nước trở thành một quốc gia phồn vinh”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nói. Với tất cả những điều đã phân tích, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, không chỉ riêng ông mà tất cả người dân đang trông chờ những quyết sách lớn ở tầm quốc gia sẽ được Quốc hội thông qua, trông chờ vào những gương mặt mà Quốc hội bầu ra, đủ tầm, đủ tài, đủ đức để có thể đưa đất nước đi lên. Riêng về mặt cá nhân, GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ, ông không chỉ kỳ vọng vào những thành công to lớn đặc sắc của Quốc hội sắp được bầu ra mà còn có niềm tin sâu sắc vào những kết quả khả quan sẽ đạt được trong thời gian tới. “Ngoài những người lãnh đạo Quốc hội trực tiếp như Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban thì các thành viên Chính phủ như Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng hay thủ trưởng cơ quan ngang bộ đều có những vị trí trong Quốc hội. Trách nhiệm của họ là phải thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất được nhân dân giao phó, ủy thác. Những gương mặt đó phải có trình độ cao, có tâm huyết và đặc biệt là có phẩm chất đạo đức, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Nhìn vào những gương mặt thành viên Chính phủ được bầu, phê chuẩn trong kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, tôi thấy đều là những gương mặt đáng tin cậy mà nhân dân có thể đặt lòng tin của mình một cách xứng đáng. Đặc biệt, điều có thể thấy rất rõ ở những gương mặt này là khát vọng cống hiến, tận tâm, trách nhiệm, sẵn sàng cùng với toàn dân đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới”. GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận xét. “Bầu cử Quốc hội khóa XV thành công cũng chính là thời cơ để chúng ta thực hiện một cách tương đối trọn vẹn lời hứa với toàn dân khi chúng ta giành được chính quyền, ghi lên Quốc hiệu 3 tiêu ngữ: Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc. Bây giờ chúng ta đang nói tới việc thực hiện khát vọng là đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Tăng trưởng về mặt kinh tế, đem lại GDP cao, đấy mới là cải thiện mức sống, cuộc sống hạnh phúc phải đáp ứng nhiều nội dung khác. Chúng ta đã đến lúc phải thực hiện một cách trọn vẹn những cam kết của chính quyền với nhân dân”, GS.TSKH Vũ Minh Giang kỳ vọng. (Còn nữa) >>> Tin bài liên quan: - Tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Triển khai tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để Ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân - Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân - Giám đốc ĐHQGHN được Quốc hội Khóa XIV phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn được tín nhiệm giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV - Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn được cử tri nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV - Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trúng cử Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII |