TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Phổ biến pháp luật 00:00:00 Ngày 21/10/2021 GMT+7
Một số văn bản mới của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ
Trong nửa đầu tháng 10 năm 2021, Thủ tướng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội ở các lĩnh vực: Kế hoạch tài chính, đào tạo, thanh tra và pháp chế. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:

1. Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022

Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg quy định chi tiết định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Được vận dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016 - 2020 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2021.

>>> Xem toàn văn Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg

2. Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 10 năm 2021 về việc ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài gồm: mục đích, nguyên tắc; hình thức thi; chứng chỉ; đơn vị tổ chức thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Và được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 11 năm 2021.

>>> Xem toàn văn Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT

3. Thông tư số 83/2021/TT-BTC ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc quản lý kinh phí thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông

Thông tư số 83/2021/TT-BTC  hướng dẫn về: Nguồn kinh phí tập huấn, bồi dưỡng, nguyên tắc quản lý kinh phí, nội dung chi tập huấn, bồi dưỡng, mức chi tập huấn, bồi dưỡng đối với các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tới việc tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 11 năm 2021.

>>> Xem toàn văn Thông tư số 83/2021/TT-BTC

4. Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình tiếp công dân

Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công dân cụ thể về: Mục đích của việc tiếp công dân; việc từ chối tiếp công dân; xác định nhân thân của người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh; xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý; tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân; trách nhiệm của Ban tiếp công dân, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp công dân và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan; theo dõi, quản lý việc tiếp công dân. Thông tư được áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến trình bày trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2021, đồng thời thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 04/2021/TT-TTCP

5. Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh

Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định cụ thể về: Nguyên tắc xử lý đơn; tiếp nhận đơn; phân loại đơn; xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết; xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết; xử lý đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền có họ tên, chữ ký của nhiều người; xử lý giấy tờ, tài liệu gốc gửi kèm theo đơn khiếu nại; xử lý đơn khiếu nại đối với quyết định hành chính có khả năng gây hậu quả khó khắc phục; xử lý đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết; xử lý đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết; xử lý đơn tố cáo đối với đảng viên; xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xử lý thông tin có nội dung tố cáo; giữ bí mật thông tin và bảo vệ người tố cáo; xử lý đơn kiến nghị, phản ánh; xử lý đơn có nhiều nội dung khác nhau; xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án; xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác của Nhà nước; xử lý đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức tôn giáo; xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị, tổ chức khác; xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh về những vụ việc có tính chất phức tạp; quản lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Thông tư được áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xử lý đơn và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021, đồng thời thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.

>>> Xem toàn văn Thông tư 05/2021/TT-TTCP

6. Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra

Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định cụ thể về: Thành phần Đoàn thanh tra; đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra; tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra; các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra; thay đổi thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu để chuẩn bị thanh tra; ban hành Quyết định thanh tra; xây dựng, phê duyệt, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo về việc công bố Quyết định thanh tra; công bố Quyết định thanh tra; địa điểm, thời gian làm việc của Đoàn thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; mẫu văn bản thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra; xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra; sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra; gia hạn thời hạn thanh tra; chế độ báo cáo, sổ nhật ký Đoàn thanh tra; kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra; trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra; nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; tổ chức việc giám sát; nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; báo cáo kết quả giám sát; xử lý kết quả giám sát; giám sát của Thủ trưởng Cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; hồ sơ giám sát; báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; ban hành, công khai kết luận thanh tra, quản lý sử dụng hồ sơ thanh tra; xử lý hành vi vi phạm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra. Thông tư được áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người được giao nắm tình hình, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021. Các văn bản gồm: Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra và quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư số 06/2021/TT-TTCP có hiệu lực.

>>> Xem toàn văn Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

7. Thông tư số 07/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Thông tư số 07/2021/TT-TTCP quy định cụ thể về: Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ; thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra bộ; thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra tỉnh; thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra sở; thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra huyện; thẩm quyền xem xét, xác minh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại; nội dung thanh tra trách nhiệm về tố cáo; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thông tư được áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021. Các văn bản gồm: Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13 tháng 7 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thông tư số 04/2013/TT-TTCP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại; thông tư số 05/2013/TT-TTCP ngày 29 tháng7 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo và thông tư số 08/2014/TT-TTCP ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra hết hiệu lực kể từ ngày thông tư số 07/2021/TT-TTCP.

>>> Xem toàn văn Thông tư số 07/2021/TT-TTCP

 VNU Media - Ban Thanh tra và Pháp chế
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ