TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Phổ biến pháp luật 16:10:49 Ngày 20/01/2022 GMT+7
Một số văn bản mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trong nửa đầu tháng 01 năm 2022, Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động trong Đại học Quốc gia Hà Nội ở các lĩnh vực: Hành chính, kiểm định chất lượng, đào tạo, tổ chức cán bộ. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:

1. Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP cụ thể: Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 về Hình thức xử phạt và mức phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục; sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 5 về Vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 6 về vi phạm quy định về cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận thực hiện dịch vụ giáo dục; sửa đổi, bổ sung Điều 7 về vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục; sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 về vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh; sửa đổi, bổ sung tên của Điều 19 về vi phạm quy định về thực hiện liên kết giáo dục, liên kết đào tạo với nước ngoài; sửa đổi, bổ sung Điều 20 về vi phạm quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; sửa đổi, bổ sung Điều 35 về thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 36 về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 37 về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; sửa đổi, bổ sung Điều 38 về thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; sửa đổi, bổ sung Điều 39 về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.   .

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng quy định của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP để xử lý trừ trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại Nghị định này. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan để giải quyết.

>>> Xem toàn văn: Nghị định số 127/2021/NĐ-CP

2. Quyết định số 78/QĐ-Ttg ngày 14 tháng 01 năm 2022 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”

Theo nội dung Quyết định, mục tiêu của Chương trình là Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 – 2025: 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình bảo đảm chất lượng và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài; 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; 70% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ hai; 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài, 100% số chương trình đào tạo giáo viên các trình độ đạt tiêu chuẩn chất lượng; 100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế; 50% tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thoả thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau; có ít nhất 750 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% kiểm định viên được bồi dưỡng chuyên sâu về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong đó có 5% kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế; 90% công chức và 70% viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo làm việc ở các vị trí về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; trong đó có 20% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Quyết định số 78/QĐ-Ttg

3. Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học

Thông tư này được áp dụng đối với trường dự bị đại học; cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng đào tạo ngành Giáo dục Mầm non; các tổ chức và cá nhân có liên quan. Đồng thời thông tư có nội dung quy định về: Phương thức tuyển sinh, đối tượng và điều kiện tuyển sinh; đề án tuyển sinh; tổ chức tuyển sinh và triệu tập thí sinh trúng tuyển; chương trình bồi dưỡng dự bị đại học; kiểm tra định kỳ, thi cuối khóa, điểm tổng kết môn học; đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh; công nhận học sinh hoàn thành dự bị đại học; xét chuyển học sinh hoàn thành dự bị đại học vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; bảo lưu kết quả tuyển sinh và lưu ban; trách nhiệm của trường dự bị đại học và cơ sở đào tạo; chế độ báo cáo và lưu trữ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2022 và thay thế Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học; cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT

4. Thông tư 48/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và liên tịch ban hành về chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên

Theo nội dung thông tư có 05 văn bản quy phạm pháp luật được bãi bỏ toàn bộ, cụ thể: Thông tư liên tịch số 09/2000/TT-LT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 11 tháng 4 năm 2000 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 239/1999/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi khoản a Điều 1 của Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2012 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với học sinh, sinh viên trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 - 2021.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Thông tư 48/2021/TT-BGDĐT

5. Thông tư số 47/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong lĩnh vực giáo dục

Theo nội dung thông tư có 05 văn bản quy phạm pháp luật được bãi bỏ toàn bộ, cụ thể: Thông tư số 31/TT ngày 4 tháng 11 năm 1989 của Bộ Giáo dục Hướng dẫn thực hiện chế độ chi tiêu cho các hoạt động thực hành, thực tập sư phạm ngoài trường của các trường sư phạm; Thông tư số 22/TT ngày 12 tháng 11 năm 1992 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng sau đại học ở trong nước; Quyết định số 10/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 02 tháng 4 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định tiếp khách nước ngoài của Lãnh đạo Bộ; Thông tư số 25/2003/TT-BGDĐT ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện mua sắm thiết bị dạy học phục vụ việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Thông tư số 15/2012/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về Tiêu chuẩn đánh giá trung tâm giáo dục thường xuyên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 47/2021/TT-BGDĐT

6. Thông tư số 46/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp

Theo nội dung thông tư có 07 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về giáo dục đại học được bãi bỏ toàn bộ, cụ thể: Thông tư số 01/2009/TT-BGDĐT ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Giáo dục chính trị, mã số 62.14.10.09 vào ngành Khoa học giáo dục mã số 62.14 trong Danh mục chuyên ngành đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 44/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 15/2011/TT-BGDĐT ngày 09 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học ban hành kèm theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 32/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Kỹ thuật công nghiệp, mã số 62.14.10.08 vào ngành Khoa học giáo dục mã số 62.14 trong Danh mục chuyên ngành đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 44/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học; Thông tư số 12/2018/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; Thông tư số 43/2011/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 5 năm 2009 ban hành Điều lệ trường cao đẳng và Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm 2008 quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; Quyết định số 54/2007/QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung chuyên ngành Quản lý đất đai vào khối ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản, mã số 60.62 trong Danh mục chuyên ngành đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 44/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 46/2021/TT-BGDĐT

7. Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế bình chọn “Nhà giáo tiêu biểu của năm”

Theo nội dung của quyết định việc bình chọn “Nhà giáo tiêu biểu của năm” được thực hiện hằng năm nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nội dung văn bản cũng quy định cụ thể: Đối tượng bình chọn; số lượng đề cử tham gia bình chọn hằng năm; số lượng “Nhà giáo tiêu biểu của năm” được bình chọn và khen thưởng; nguyên tắc đề cử, bình chọn; tiêu chuẩn đề cử, bình chọn; quy trình đề cử, bình chọn; hồ sơ đề nghị bình chọn.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2021.

>>> Xem toàn văn: Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT

 VNU Media - Ban Thanh tra và Pháp chế
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ