TIN TỨC & SỰ KIỆN
Cải cách hành chính phù hợp với quá trình chuyển đổi số tại ĐHQGHN
Tham luận của Văn phòng ĐHQGHN trình bày tại Đại hội đại biểu lần thứ VI, Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngày nay, Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, là nền tảng của kinh tế tri thức, động lực quan trọng trong chuyển đổi số. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo ra sự thay đổi và hình thành các xu hướng mới về phương pháp giảng dạy, học tập như: thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), học trực tuyến quy mô lớn - MOOCs (Massive Open Online Courses), lớp học xuyên quốc gia. Thêm vào đó, chuyển đổi số thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong quản trị, quản lý, giảng dạy và nghiên cứu của các trường đại học để phù hợp với bối cảnh, đối tượng học tập hiện nay. Ở Việt Nam, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo luôn là nhiệm vụ quan trọng trong các chiến lược, chính sách của Đảng, Chính phủ. Từ Đại hội Đảng VIII đến nay, “giáo dục và đào tạo” luôn được coi là “quốc sách hàng đầu” và luôn được lồng ghép trong các chiến lược, chính sách phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong các chiến lược, chính sách của Đảng, Chính phủ về chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số (thông qua các văn bản: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ chính trị, Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và gần đây nhất là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ...) đều xác định “phát triển nguồn nhân lực” là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục vụ cho các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và các ngành, nghề, lĩnh vực. Để xây dựng, phát triển Chính phủ số trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, Chính phủ đã đặt ra nhiều chỉ tiêu đến năm 2025, trong đó có một số chỉ tiêu như: (1) 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; (2) 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; (3) 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ1… Đồng thời, Chính phủ cũng xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ,

(1)Nguồn: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“.

Thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), triển khai ứng dụng CNTT phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với CCHC để đổi mới lề lối, phương thức làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và trong đó không thể thiếu Đại học Quốc gia Hà Nội.Từ xu thế phát triển, định hướng của Đảng, Chính phủ, có thể thấy, chuyển đổi số ở trường đại học là những vấn đề mà trường đại học cần phải thay đổi nhìn từ phía người học để đáp ứng nhu cầu của mô hình đại học số trong quá trình phát triển của CMCN 4.0. Đại học số hóa được hiểu là hầu hết mọi hoạt động của đại học đều được thực hiện trên môi trường số. Các nguồn tài nguyên học tập như hệ thống bài giảng, giáo trình, thư viện, hệ thống quản lý đào tạo, các công trình và kết quả nghiên cứu, các nguồn thông tin dữ liệu đều được số hóa. Tương tự, các hoạt động có liên quan như hỗ trợ sinh viên, dịch vụ về hạ tầng, chuyển giao công nghệ, xúc tiến việc làm,...

cũng đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Để thực hiện số hóa, trước tiên cần chuẩn hóa hệ thống văn bản pháp lý, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiếp đến là chuẩn hóa, đơn giản hóa danh mục, quy trình, biểu mẫu giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính, báo cáo thống kê... - Đây chính là các nhiệm vụ của công tác CCHC. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong các năm qua ĐHQGHN đã đẩy mạnh CCHC trên tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành, đào tạo, nghiên cứu từ ĐHQGHN đến đơn vị thành viên, trực thuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định như:

-           Điều chỉnh, sắp xếp tổ chức trong ĐHQGHN từ 43 đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc còn 35 đơn vị; ban hành, sửa đổi hệ thống văn bản quản lý điều hành do ĐHQGHN cho phù hợp với các văn bản quy định của Nhà nước, tạo sự phát triển ổn định; rà soát cắt giảm (10-15% thủ tục) và đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý TTHC. Công tác rà soát, đôn đốc thực hiện các văn bản quản và xử lý thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc được quan tâm làm tốt, trong đó việc xử lý thông tin thuộc hệ thống thông tin cấp một chính xác, khách quan, trung thực và thông suốt 2 chiều. Các hoạt động nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được quan tâm, triển khai thông qua các lớp đào tạo kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm giao lưu trao đổi kinh nghiệm.

-           Công tác hiện đại hóa nền hành chính được quan tâm đẩy mạnh tại ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc: Trang thiết bị làm việc được hiện đại hóa; cơ sở hạ tầng, ứng dụng được Văn phòng ĐHQGHN (Trung tâm ứng dụng CNTT) tham mưu, triển khai và phát huy hiệu quả, cụ thể:

+          Đã ban hành, triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng CNTT, danh mục mã định danh đơn vị thành viên, trực thuộc và đơn vị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của ĐHQGHN phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện tử; Triển khai thủ tục đăng ký, cấp chữ ký số phục vụ ký, gửi, nhận văn bản điện tử qua mạng…

+          Xây dựng, vận hành: Cổng thông tin của ĐHQGHN, Cổng thông tin cán bộ, Cổng thông tin Tuyển sinh, Đào tạo và thu hút sinh viên quốc tế; phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung, tích hợp: phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm eOffice, CSDL quản lý và điều hành, CSDL học thuật, CSDL tin tức; giải pháp họp và học trực tuyến trên các nền tảng: MS TEAM, G-Suite, Zoom,... tạo lập gần 10.000 tài khoản VNUnet/năm cho toàn thể sinh viên, học viên sau đại học, cho phép truy cập internet, email và các dịch vụ thư viện, đào tạo; phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia - Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phần mềm chấm thi trắc nghiệm cho 63 tỉnh thành trong cả nước...

+          Xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ, hệ thống cáp quang kết nối toàn ĐHQGHN (VNUnet); đảm bảo kỹ thuật hạ tầng, an ninh bảo mật cho hệ thống CNTT của ĐHQGHN hoạt động ổn định 24/24 đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong quản trị, đào tạo, nghiên cứu.

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết các mặt công tác những năm qua cho thấy, công tác tham mưu xây dựng và triển khai các kế hoạch về CCHC, về ứng dụng, phát triển CNTT trong ĐHQGHN chưa kịp thời, đồng bộ và chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, ĐHQGHN đang chủ động tích cực hội nhập, thích ứng nhanh bằng việc nắm bắt công nghệ để chuyển đổi số, hướng đến xây dựng đại học số. ĐHQGHN có nhiều tiềm năng và điều kiện để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT hỗ trợ, thúc đẩy CCHC, chuyển đổi số, góp phần xây dựng hệ thống hành chính, quản trị đại học hiện đại, hiệu quả theo hướng “Kết nối - Chuyên nghiệp - Kiến tạo” phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ. Theo đó, Công tác CCHC và ứng dụng CNTT của ĐHQGHN phải được tiến hành trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ ĐHQGHN, tiếp tục xác định CCHC là khâu đột phá, nhưng có sự thay đổi căn bản về nhiệm vụ trọng tâm triển khai ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với CCHC nhằm hiện đại hóa công tác điều hành, quản trị, hỗ trợ kiến tạo, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, đảm bảo an toàn thông tin, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ĐHQGHN trong hệ thống hành chính điện tử và chuyển đổi số của quốc gia. Với quan điểm, mục tiêu trên, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới như sau:

Một là: Hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định quản lý điều hành các cấp trong ĐHQGHN, nâng cao tính tự chủ và đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch: (1) về công tác CCHC của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2025, (2) về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển đại học số theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo gắn kết chặt chẽ công tác CCHC và ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số tại ĐHQGHN.

Hai là: Rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa danh mục, quy trình, biểu mẫu TTHC, Báo cáo định kỳ; Triển khai các giải pháp kỹ thuật:

-           Nâng cấp, hình thành Cổng thông tin tích hợp ĐHQGHN, tích hợp các cổng thành phần của đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc trên nền tảng web và di động; triển khai cung cấp thủ tục trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ đơn vị, cán bộ, người học. Cổng thông tin sẽ tích hợp phần mềm eOffice, ứng dụng quản trị nội bộ, dùng chung thống nhất (lưu trữ, nhân sự, tài chính,…) qua cơ chế đăng nhập một lần phục vụ công tác quản lý, điều hành trên môi trường mạng.

-           Triển khai đưa vào sử dụng Gmail thay thế hệ thống Email nội bộ; triển khai, vận hành, sử dụng có hiệu quả phần mềm eOffice mới sau nâng cấp trong toàn ĐHQGHN đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành qua mạng, ký số văn bản điện tử và kết nối, liên thông văn bản hành chính điện tử trong ĐHQGHN, liên thông với hệ thống quản lý hành chính điện tử của Chính phủ, Bộ, ban, ngành, địa phương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

-           Hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối, chia sẻ dữ liệu, ký số - xác thực điện tử và thực hiện tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu, thông tin, báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các cấp trong ĐHQGHN; tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Chính phủ, Bộ, ban, ngành, địa phương theo thời gian thực.

-           Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trực tuyến theo xu hướng tất yếu trên nền tảng công nghệ Cloud riêng của ĐHQGHN theo mô hình quản lý tập trung.

Ba là: Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của ĐHQGHN một cách an toàn, bảo mật, linh hoạt, ổn định và hiệu quả. Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp là yêu cầu tất yếu, trước mắt là tại khối điều hành cao nhất của ĐHQGHN; trong đó, Văn phòng ĐHQGHN là đơn vị đi tiên phong triển khai thực hiện. Trung tâm ứng dụng CNTT thuộc Văn phòng với vai trò đơn vị đầu mối triển khai ƯDCNTT trong toàn ĐHQGHN, trong thời gian tới, cần được kiện toàn, sắp xếp lại cho phù hợp và đảm bảo đủ nguồn lực để tham mưu, tư vấn cho Ban Giám đốc ĐHQGHN các chiến lược, kế hoạch về CCHC gắn kết với xây dựng, phát triển đại học số, cũng như đảm nhận vai trò quản trị, vận hành hệ thống hạ tầng, ứng dụng CNTT sau này. Ngoài ra, Văn phòng ĐHQGHN xin kiến nghị:

-           Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN xem xét: ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai CCHC gắn với quá trình chuyển đổi số trong ĐHQGHN. Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác/các Tiểu ban để lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC gắn kết với chuyển đổi số trong ĐHQGHN.

-           Các Ban chức năng, các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN: thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai trong các hoạt động/nhiệm vụ chuyên môn theo lĩnh vực công tác đã được phân công.

 Trúc Lam
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ