TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin các đơn vị 14:59:25 Ngày 14/06/2021 GMT+7
Đào tạo Sư phạm được kỳ vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ
Nhận định về dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội – cho rằng, đây là một trong các văn bản được các cơ sở đào tạo giáo viên rất kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ việc đào tạo giáo viên, giúp các trường ĐH đào tạo giáo viên tăng cường tự chủ và nâng cao chất lượng.

Hỗ trợ tài chính tính đúng, tính đủ cho đào tạo sư phạm

- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Ông nhận định như thế nào về những nội dung trong Dự thảo?

Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các trường đào tạo giáo viên và miễn học phí cho sinh viên các ngành sư phạm. Chính sách này có mục đích thu hút thí sinh giỏi vào học các ngành sư phạm và đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo giáo viên của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi triển khai cũng có những hạn chế cần khắc phục, ví dụ: Chưa thực sự thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào các ngành sư phạm như kỳ vọng; sự bao cấp cùng hạn chế về ngân sách nhà nước khiến mức kinh phí hỗ trợ thường thấp hơn mức “đầu tư” cần thiết để đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng. Hơn thế, ngân sách cấp theo năm tài chính (cấp đầu năm), còn sinh viên tuyển sinh theo năm học (giữa năm) cũng dẫn đến những bất cập trong tính toán kế hoạch.

Việc hỗ trợ sư phạm tính theo quy mô tuyển sinh, khi quy mô tăng sẽ làm tăng tổng kinh phí hỗ trợ, ảnh hưởng đến cân đối chung. Ngược lại, khi quy mô đào tạo tăng, nhưng ngân sách hỗ trợ ổn định không tăng, thậm chí giảm (do ngân sách khó khăn), hệ quả là kinh phí đào tạo trung bình cho một sinh viên giảm đi, ... Bên cạnh đó, việc cấp ngân sách hỗ trợ sư phạm trực tiếp cho các trường cũng phần nào làm giảm sự chủ động trong việc tìm kiếm thu hút sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm.

Chính vì vậy, khi thảo luận về Luật Giáo dục, rất nhiều ý kiến kêu gọi bỏ cơ chế cấp ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các trường mà thay vào đó là Nhà nước cấp cho sinh viên voucher hỗ trợ tài chính tính đúng, tính đủ cho đào tạo sư phạm. Sinh viên đăng ký học ngành sư phạm sẽ dùng nguồn này nộp học phí một cách song phẳng và bình đẳng như các sinh viên ngành khác.

Do đó, Nghị định này là một trong các văn bản được các cơ sở đào tạo giáo viên rất kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ việc đào tạo giáo viên, góp phần giúp các trường ĐH đào tạo giáo viên tăng cường tự chủ và nâng cao chất lượng.

GS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải đổi mới mạnh mẽ

- Theo ông, nếu được thông qua, đi vào cuộc sống, những chính sách mới tại Nghị định sẽ tác động như thế nào đến đào tạo sư phạm nói chung, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nói riêng?

Khi phải đóng học phí, với tinh thần của người “sử dụng dich vụ”, chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ đòi hỏi nhiều hơn với các trường đào tạo giáo viên, từ chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Mối quan hệ giữa Nhà trường với sinh viên chuyển từ quan hệ xin – cho, sang quan hệ đối tác bình đẳng.

Việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người học cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đào tạo giáo viên để thu hút được sinh viên giỏi. Nó cũng tạo một mặt bằng pháp lý để cạnh tranh bình đẳng hơn giữa trường công, trường tư trong đào tạo giáo viên. Như vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội cũng đang có sự chuẩn bị tích cực cho sự thay đổi này trong chính sách về tài chính cho đào tạo sư phạm. Trường hiện đào giáo viên từ bậc mầm non, tiểu học, đến THPT. Nhà trường xác định rõ là để thu hút sinh viên giỏi vào các ngành sư phạm cần có chương trình hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và các điều kiện hỗ trợ tốt.

Ví dụ, trường đã có những điều chỉnh quan trọng về chương trình đào tạo, dựa vào 3 trụ cột chính: chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Việc rèn kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được xem là một hoạt động thường xuyên, liên tục kéo dài suốt thời gian đào tạo chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi một hoặc vài học phần.

Với những điều chỉnh như vậy, đội ngũ giảng viên có trình độ và các điều kiện hỗ trợ tốt, chúng tôi tin tưởng sẽ đào tạo ra những giáo viên giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ và chuẩn bị tốt về đạo đức nghễ nghiệp.

5 góp ý cho dự thảo Nghị định

- Ông có những góp ý nào góp ý cho dự thảo từ thực tiễn đào tạo sư phạm của nhà trường?

Từ thực tiễn đào tạo giáo viên ở Việt Nam, tôi thấy dự thảo này còn có một số nội dung có thể được điều chỉnh thêm.

Thứ nhất là về phạm vi áp dụng, Nghị định này chưa bao quát nhóm là các học viên thạc sĩ liên quan đế nghề sư phạm (như lý luận và phương pháp giảng dạy, giáo dục mầm non, tiểu học, đánh giá giáo dục,...), những người đi học để sau đại học các ngành này để đi dạy. Họ có thể từ các ngành ĐH sư phạm (tốt nghiệp, nhưng chưa đi làm ngay), hoặc từ các ngành khoa học cơ bản học lên với mục đích làm trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ hai là về cơ chế đặt hàng. Đây là điểm cần cân nhắc lại thật kỹ. Trong Điều 3, Khoản 2 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng…”. Với quy định này và theo logic tại Điều 2 thì dường UBND tỉnh sẽ chỉ đặt hàng cho các trường công lập và các cơ quan giáo dục của tỉnh? Vậy ai sẽ đặt hàng cho các cơ quan bộ ngành Trung ương, các trường tư thục, trường quốc tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam?

Nếu để UBND các tỉnh tự do lựa chọn đăt hàng với hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên trong toàn quốc cũng có những khó khăn, vì tỉnh khó có đủ các thông tin đầy đủ về chất lượng của các trường. Nhưng, đồng thời nếu không có cơ chế giám sát sẽ có hướng cục bộ, chỉ đặt hàng với các trường địa phương cho dù chất lượng có thể không các các trường hàng đầu.

Việc phân định theo địa lý, ví dụ ấn định UBND tỉnh A đặt hàng cho trường B nào đó lại trái nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc đấu thầu, nếu xem đây là một “gói” dịch vụ đào tạo. Vì vậy, theo tôi, UBND tỉnh chỉ nên xác định nhu cầu thực, Bộ GD&ĐT tổng hợp và phân chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo năng lực và chất lượng. Khi tuyển dung giáo viên thì tuyển dụng mở, cạnh tranh.

Thứ ba là quy định về bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đào tạo. Việc quy định điều kiện “thời gian công tác trong ngành giáo dục gấp đôi thời gian đào tạo” cũng cần phải tính đến việc đào tạo theo mô hình tín chỉ, sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn hoặc muộn hơn. Như vậy sẽ không công bằng, bởi vì học phí HSSV sẽ đóng theo tín chỉ, cho nên dù học nhanh, hay chậm thì tổng học phí sẽ như nhau, nhưng thời gian “hoàn trả” lại khác nhau. Theo tôi, nên quy định theo thời gian đào tạo chuẩn cho trình độ cử nhân đã được quy định trong luật, ví dụ là 4 năm.

Thời điểm áp dụng cũng nên loại trừ với các sinh viên sư phạm, sau khi học xong, đáp ứng được các yêu cầu đi học tiếp trình độ thạc sĩ về giảng dạy. Thông thường có khoảng gần 10% sinh viên sư phạm sẽ học tiếp ngay bậc thạc sĩ ngay trong năm tốt nghiệp. Nếu quy định thời hạn tính hoàn trả kinh phí hỗ trợ là “2 năm sau tốt nghiệp” ĐH trong Nghị định này sẽ hạn chế khả năng đi học cao của nhiều bạn sinh viên, trong khi điều này lại rất cần thiết để dạy ở những trường top đầu. Vì vậy, nên qui định “2 năm sau tốt nghiệp ĐH, hoặc tốt nghiệp thạc sĩ về giảng dạy (lý luận & phương pháp, giáo dục mầm non, tiểu học, đánh giá giáo dục,...)...” sẽ phải hoàn trả lại kinh phí hỗ trợ.

Cũng cần lưu ý một thực tế là do những lý do khách quan, sinh viên chủ động tìm kiếm, nhưng các tỉnh chưa hoặc không tuyển dụng trong khoảng thời gian đó (dù có nhu cầu). Những trường hợp này không phải lỗi của sinh viên, cho nên có thể kéo dài thời gian tìm kiếm việc làm.

Thứ tư là cơ quan cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận làm việc trong ngành giáo dục. Các trường đào tạo giáo viên là đào tạo cho cả hệ thống giáo dục quốc dân. Nó bao gồm các trường công, trường tư và trường quốc tế, giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, thậm chí cả những cơ sở giáo dục trực tuyến. Vì vậy, Khoản 1, 2 Điều 2 nên mở rộng, áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, kể cả công lập và dân lập, các cơ quan quản lý về giáo dục, các cơ quan nghiên cứu về giáo dục.

Thứ năm là về mức hỗ trợ. Học phí các chương trình đạo tạo hiện nay khá đa dạng. Đặc biệt là các chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23 có mức học phí cao hơn quy định về học phí trong Nghị định 86. Vì vậy, mức hỗ trợ học phí phí không nên bỏ quy định “…không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.” trong Điều 5, Khoản 1. Ngoài ra, không nên “cào bằng” mức hỗ trợ sinh hoạt phí đồng hạng 3,63 triệu cho cả quá trình học, mà nên có phân loại theo kết quả học lập. Hạn mức hỗ trợ nên quy định theo bội số của lương cơ bản: ví dụ, mức 1 bằng mức lương cơ bản, mức 2 bằng hai lần lương cơ bản, mức 3 - ba lần lương cơ bản.

- Xin cảm ơn ông!

 Kim Anh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ