TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin các đơn vị 11:03:51 Ngày 13/12/2021 GMT+7
Pháp luật về vận động hành lang trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
Nhận thức về vận động hành lang ở Việt Nam hiện nay còn khá hạn chế và chưa được thừa nhận một cách chính thức, đôi khi, vận động hành lang vẫn bị coi là vấn đề nhạy cảm.

Ngày 27/11/2021, Khoa Luật, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về vận động hành lang trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” bằng hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Hội thảo do Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tài trợ và đồng hành.

Sự kiện thu hút sự tham dự của gần 270 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, các nhà hoạt động xã hội.

Chủ nhiệm Khoa Luật Nguyễn Thị Quế Anh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQGHN Nguyễn Thị Quế Anh cho biết, về pháp luật, vận động hành lang không được ghi nhận cụ thể trong pháp luật, vì thế chưa thừa nhận đầy đủ quyền tham gia của các tổ chức cá nhân trong vận động chính sách công, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu kiểm soát trong hoạt động này. Hội thảo mong muốn góp phần thay đổi nhận thức xã hội về hoạt động vận động hành lang, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, những người làm thực tiễn pháp luật chia sẻ, thảo luận về các vấn đề hướng tới việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về vận động hành lang ở Việt Nam. Hội thảo cũng làm rõ về những vấn đề lý luận và kinh nghiệm pháp luật quốc tế về vận động hành lang, trên cơ sở đó liên hệ với thực tiễn, bối cảnh ở Việt Nam để rút ra được những giá trị tham khảo và kinh nghiệm.

Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận các nội dung xoay quanh chủ đề của Hội thảo: Tổng quan về vận động hành lang, pháp luật về vận động hành lang; Pháp luật về vận động hành lang tại một số quốc gia như Mỹ, Đức; Xây dựng pháp luật vận động hành lang tại Việt Nam nhìn từ các khía cạnh chính sách công, lĩnh vực lập pháp, chính sách pháp luật…

Các chuyên gia nhận định, vận động hành lang là tất yếu trong mọi xã hội đã được thừa nhận và điều chỉnh ở nhiều quốc gia, mục đích là để đưa hoạt động tất yếu này vào khuôn khổ quản lý, bảo đảm nó diễn ra một cách công khai, minh bạch và liêm chính. Vì thế, việc luật hóa vận động hành lang ở Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần phải thảo luận, nghiên cứu trong thời gian tới như: Trong bối cảnh của Việt Nam, có thể luật hóa hoạt động vận động hành lang không? Các kinh nghiệm quốc tế có thể được chia sẻ, học hỏi và áp dụng như thế nào trong bối cảnh của Việt Nam? Hoàn thiện cơ chế pháp lý hiện hành của Việt Nam như thế nào? Cần phải minh bạch hóa hoạt động vận động hành lang như thế nào? Các yêu cầu, nội dung và các điều kiện bảo đảm cho pháp luật về vận động hành lang trong thời gian tới như thế nào?

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các kết luận và kiến nghị sau:

Thứ nhất, Hội thảo đã cho thấy nhu cầu xây dựng pháp luật về vận động hành lang trên cả 2 phương diện thực tiễn và lý luận pháp luật;

Thứ hai, thực tế cho thấy vận động hành lang có tồn tại ở cả cơ sở chính trị, hiến định, pháp lý nhưng tản mạn. Nhiệm vụ của chúng ta là tập hợp, thống nhất lại;

Thứ ba, thực tiễn vận động hành lang hay vận động chính sách đã có, đã tồn tại nhưng cần làm rõ và hiểu rõ;

Thứ tư, cần có lộ trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vận động hành lang nhằm đưa hoạt động trên vào khung khổ pháp luật, phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế tối đa hoạt động này vì lợi ích nhóm;

Thứ năm, kiến nghị các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vẫn đề này hướng tới xây dựng một dự án luật trong tương lai.

Đồng thời, kiến nghị Khoa Luật tiếp tục tổ chức các hoạt động liên quan đến chủ đề này để làm rõ hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về vận động hành lang/vận động chính sách nhằm tạo sự đồng thuận và nhận thức về các khía cạnh tích cực về hoạt động này.

 Minh Giang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ