Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham quan triển lãm các sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu, chế tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Sáng 14-4, tại khu đô thị đại học Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đại học FPT.
Cùng đi với Thủ tướng Phạm Minh Chính có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Đề xuất xây dựng Trung tâm hỗ trợ thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia
Báo cáo Thủ tướng, ông Lê Quân - giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay mỗi năm Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến thiết kế vi mạch.
Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội tốt nghiệp các chương trình này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Ông Quân đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn còn nhiều dư địa hấp dẫn và tiềm năng, tuy nhiên đi cùng với đó là những khó khăn và thách thức cho những ai muốn chinh phục ngành trọng yếu này.
Hiện tại, hoạt động nghiên cứu và đào tạo về công nghệ thiết kế vi mạch trong nước chưa được triển khai một cách có hệ thống, chưa có định hướng chiến lược rõ ràng.
Lực lượng nghiên cứu, đào tạo mỏng và phân tán, thiếu sự đồng bộ trong đầu tư công cụ hỗ trợ thiết kế và trang thiết bị làm giảm cơ hội tiếp cận công nghệ mới.
Đây là lĩnh vực công nghệ đòi hỏi sự kết hợp liên ngành (điện tử, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin), đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và sự tổ chức nghiên cứu, đào tạo bài bản.
Để nhanh chóng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tích hợp thì việc đầu tư hình thành Trung tâm hỗ trợ thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia (IC Design House) là hết sức cấp thiết.
Đại học Quốc gia Hà Nội phải có khát vọng lớn hơn nữa
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hôm nay đến Hòa Lạc để hướng đến đột phá về nhân lực.
Việc xây dựng trung tâm vi mạch là một hướng đi đúng vì hiện nay, mỗi năm Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo được hơn 1.000 sinh viên liên quan đến ngành này, 10 năm qua đào tạo được hơn 12.000 kỹ sư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: NGUYÊN BẢO
"Tôi muốn nhấn mạnh thêm đào tạo nhân lực ứng dụng, nhất là những ngành mà xu thế phát triển trên thế giới, các ngành phát triển sao nhanh mà bền vững. Đào tạo nhân lực của chúng ta đi sau nhưng phải về trước, muốn thế phải đi đúng hướng.
Đó là đi vào những ngành có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của đất nước, đồng thời đi thẳng vào những ngành thế giới đang hướng đến như chuyển đổi số, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tri thức, phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái", Thủ tướng cho hay.
Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, Thủ tướng đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy bề dày lịch sử và những thành tựu đạt được.
Không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển đồng thời khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, khoa học cơ bản - khoa học ứng dụng. Nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt là phát triển nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương đường lối, phát triển kinh tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc phòng…
Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết các vấn đề lớn, điểm nghẽn vướng mắc cả về lý luận thực tiễn từ cấp địa phương - quốc gia - quốc tế.
Thứ tư là thể hiện khát vọng vươn lên. Đại học Quốc gia Hà Nội có bề dày lịch sử, có con người, có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có khát vọng lớn hơn, đi theo khát vọng của đất nước, truyền cảm hứng cho các cơ sở đào tạo về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, theo sự phát triển của đất nước và xu thế của thời đại.
Đào tạo nhân lực vừa tập trung đào tạo có tính chất bao trùm, phổ cập, toàn diện xuyên suốt vừa tập trung có trọng tâm trọng điểm để phát triển các ngành mới nổi như đã nói ở trên. Nhưng không quên nhiệm vụ không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường vì phát triển.
Thứ năm, huy động sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Sớm hoàn thành xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc thành khu đô thị xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình 5 trong 1. Sứ mệnh này rất quan trọng, đề nghị tăng cường hợp tác công - tư trong đào tạo.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ |