TIN TỨC & SỰ KIỆN
Viện Trần Nhân Tông và sự tôn vinh cho một giá trị lớn lao
Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu diễn văn kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Trần Nhân Tông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày.

 

 

Kính thưa các vị khách quý!

Một viện nghiên cứu ra đời và hoạt động trong lòng của đại học, sứ mệnh quan trọng nhất của nó là một đơn vị nghiên cứu chủ lực cho một lĩnh vực nghiên cứu mới hoặc nghiên cứu trọng yếu nào đó. Thông thường lĩnh vực nghiên cứu của viện đó thể hiện trong tên gọi của viện. Viện Trần Nhân Tông là một trường hợp đặc biệt. Trần Nhân Tông học trở thành một lĩnh vực học thuật mới chỉ nằm trên ý tưởng và do viện đề xuất, còn thực tế, Viện Trần Nhân Tông nghiên cứu một loại tinh thần, một loại giá trị, một loại văn hóa, đó là TRÍ TUỆ để con người có được sự an lạc và lòng TỪ BI, để con người yêu thương và tha thứ. Tinh thần và giá trị đó là tinh hoa của Phật học, của Phật phái Trúc Lâm, của văn hóa truyền thống Việt Nam. Viện Trần Nhân Tông mang tên NGÀI là mang tên và tôn vinh cho một giá trị lớn lao. Đây là một vinh dự, là trách nhiệm và là sứ mệnh.

Việc thành lập viện đởi khởi động từ năm 2012, dưới sự chỉ đạo của GS. Mai Trọng Nhuận, khi đó đương là giám đốc ĐHQGHN. Qua quá trình thuyết minh và chuẩn bị, ngày 1 tháng 9 năm 2016, khi đã hội đủ các yếu tố, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc thành lập Viện thể hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với việc nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa truyền thống với tinh thần đến hiện đại từ truyền thống. Nó thể hiện một sự quan tâm tới việc kiến tạo tinh thần con người Việt Nam hiện tại và tương lai. Ngày 22 tháng 12, lễ ra mắt và công bố quyết định thành lập Viện được long trọng tổ chức tại hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày ấy ghi vào lịch sử hình thành và phát triển của Viện một dấu ấn linh thiêng. Hành trình kiến tạo Viện bắt đầu. Viện bắt đầu có trụ sở tại nhà C1T (tòa Thư viện) khu 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy Hà Nội, có khu làm việc tại ngõ Lưu Hữu Phước, Mỹ Đình 2, có khu làm việc tại Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, có trụ sở chuẩn bị khởi công xây dựng trên khu vực diện tích hơn 20ha trên núi Hòa Quang, Hòa Lạc và một vài cơ sở khác đang được chuẩn bị giao đất để kiến thiết.

Viện Trần Nhân Tông bắt tay xây dựng mọi thứ. Cái đầu tiên cần xác lập đó là chủ thuyết phát triển, là nhận thức rõ việc cần làm, là đường đi cần dấn thân, là thấy hết thuận lợi và thách thức. Về việc này, sau 5 năm nhìn lại, thấy dường như Viện đã nhận thức đúng và chọn hướng đi phù hợp. Hội đồng khoa học của Viện đã sớm được thành lập, chiến lược cũng đã được soạn thảo và ban hành ngay từ những thời gian đầu vận hành Viện.  Giá trị cốt lõi và khẩu hiện hành động của Viện được lựa chọn là:

Khoa học và minh triết,

Sáng tạo cùng nhân văn.

Vì phồn vinh đất nước,

Rạng tỏa đạo vua Trần.

Sau 5 năm xây dựng và phát triển, tính tới thời điểm tháng 11 năm 2021, Viện có gần 30 người làm việc, có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 10 tiến sĩ. Viện được chia thành 4 phòng chức năng và 3 phòng chuyên môn, một văn phòng dự án.  

Viện Trần Nhân Tông là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ về Phật học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam. Chương trình được xây dựng trên cơ sở vừa tham khảo rộng rãi nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học trên thế giới nhằm tăng cường tính chất và trình độ quốc tế, vừa khai thác một cách sâu sắc, có trọng tâm, trọng điểm những thành tựu trí tuệ - văn hóa, những thành tựu nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam, với trục nội dung cốt lõi và xuyên suốt là hệ thống tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam nhằm đảm bảo cho chương trình có tính chất dân tộc đặc sắc, đáp ứng thiết thực nhu cầu xã hội. Cho đến nay, Viện đã tiến hành tuyển sinh được 4 khóa đào tạo với tổng số 14 nghiên cứu sinh.

 Viện Trần Nhân cũng đã phê duyệt và triển khai tổ chức thực hiện nhiều chương trình ngắn hạn, bồi dưỡng đã triển khai như: Bồi dưỡng kiến thức Phật học, Hán Nôm Phật học, Dịch học ứng dụng. Một số chương trình đang xây dựng chuẩn bị triển khai như: Quản trị tự viện Phật giáo ở Việt Nam, Trải nghiệm hành trạng các Tổ sư Thiền tông Phật giáo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt, Công tác xã hội Phật giáo. Trong thời gian tới, Viện tiếp tục xây dựng các chương trình: Tiếng Phạn Phật học, Tiếng Pali Phật học, Tiếng Anh Phật học, cùng nhiều chương trình khác nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

 Kể từ khi thành lập, Viện Trần Nhân Tông đã triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ KH&CN lớn bao gồm:  Dự án KH&CN do Thủ tướng Chính phủ giao “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông”, hiện nay Dự án đang được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đối với nhiệm vụ KH&CN các cấp khác, Viện đã thực hiện và hoàn thành 04 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN và 09 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, đang trong quá trình triển khai 03 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN và 06 đề tài cấp cơ sở, dự kiến hoàn thành và nghiệm thu trong năm 2022.

 Viện đã tổ chức thành công 06 hội thảo lớn cùng nhiều tọa đàm và thuyết trình khoa học do những học giả có uy tín, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn chủ trì.

Trong 5 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Viện luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động xuất bản, công bố. Viện đã chủ trì xuất bản 05 Kỷ yếu Hội thảo khoa học, chủ trì soạn 09 sách chuyên khảo và tham gia biên soạn 11 sách chuyên khảo trong và ngoài nước. Cán bộ và nghiên cứu sinh của Viện đã công bố được 07 bài báo quốc tế (trong đó có 02 bài thuộc hệ thống Scopus), 04 chương sách xuất bản tại nước ngoài.

 “Quỹ Văn hóa Trúc Lâm” thuộc Viện bước đầu phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và xuất bản.

 Viện đã thiết lập quan hệ được với nhiều đối tác nước ngoài như: Nhật Bản (Đại học Shukutoku); Ấn Độ (Đại học Jawaharlal Nehru); Đức (Đại học Giessen), Mỹ (Đại học South Carolina). Đài Loan Trung Hoa, Thái Lan (Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Viện nghiên cứu Phật học Quốc tế);

Viện đã thiết lập được quan hệ với nhiều đối tác trong nước như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Cần Thơ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Viện cũng xây dựng được mối quan hệ với nhiều trường đại học, đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, có năng lực huy động lực lượng cán bộ, các nhà khoa học chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, tham gia vào các hoạt động chuyên môn của Viện. 

Hoạt động hợp tác với các địa phương được mở rộng, cụ thể hóa bằng việc mở ra các khả năng phối hợp trong việc xây dựng các công trình khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu với các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình...

Viện cũng chú trọng thúc đẩy mối quan hệ và đã huy động được sự ủng hộ từ phía các cơ quan tổ chức doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như xuất bản sách, tổ chức hội thảo khoa học và đặc biệt là trong việc triển khai Dự án KH&CN do Thủ tướng Chính phủ giao “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông”.

 Điểm thành công nhất trong công cuộc xây dựng viện Trần Nhân Tông trong thời gian 5 năm qua, là Viện đã dần khẳng định được uy tín học thuật, bắt đầu có ảnh hưởng tốt đối với hệ thống nghiên cứu về Phật học trong nước và bắt đầu có ảnh hưởng và lan tỏa trên thế giới, bắt đầu được biết đến với tư cách một viện nghiên cứu xuất sắc về Phật học và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trong thời gian sắp tới, Viện xác định mục tiêu tiếp tục tận dụng cơ hội thuận lợi theo đà kiến tạo khởi nghiệp ban đầu đã có, có sự phát triển bứt phá trên phương diện nguồn nhân lực khoa học, cơ sở vật chất và các nghiên cứu khoa học. Việc vừa phát triển nhân lực tại chỗ vừa thu hút các học giả trong và ngoài nước tới làm việc. Đây là nhiệm vụ lớn, là thách thức đối với Viện trong thời gian sắp tới. Việc triển khai xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc sẽ tạo diện mạo mới, không gian mới, tinh thần mới cho toàn Viện. Đây là quyết tâm chiến lược của Viện. Ngoài ra việc xây dựng cơ sở tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang... các cơ sở tại các tỉnh thành khác cũng là những hướng đi hết sức cần thiết. Việc xác lập các văn phòng đại diện và cơ sở của Viện tại nước ngoài sẽ là nhiệm vụ quan trọng đầy thử thách nhưng là việc lớn cân làm để thực hiện sứ mệnh của Viện. Thực hiện được điều này, Viện sẽ tự lột xác để lớn lên vươn ra thế giới. Mong Chính Phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Ngoại giao, ĐHQGHN... và các doanh nghiệp ủng hộ và đồng hành với chủ trương này. Về hoạt động khoa học, Viện sẽ đặc biệt đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu hướng tới giải quyết một số vấn đề học thuật mang tính hàn lâm của Phật giáo Trúc Lâm và lịch sử Phật giáo Việt Nam, triển khai các đề tài nghiên cứu về Phật giáo đương đại... Thực hiện tốt Dự án Kinh điển Phương Đông, phần đấu tới thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập viện vào năm 2026 sẽ xuất bản xong 150 tập sách theo kế hoạch.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Viện hôm nay, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, tới sự ủng hộ đặc biệt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của ĐHQGHN, cảm ơn sự đồng hành của các nhà tu hành, những học giả, cảm ơn sự hỗ trợ của những doanh nhân và những người bạn cùng quan tâm và cùng chí hướng đã chung tay cùng Viện từ những ngày đầu khởi lập tới nay.

Nhiệm vụ phía trước còn nhiều, khát vọng lớn còn đang thôi thúc toàn viện, tôi mong toàn thể cán bộ nhân viên của Viện ra sức nỗ lực, cố gắng phấn đấu, thực hiện thật tốt các công việc với tinh thần dấn thân.

Tôi tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ thành công. 

Xin dâng lên anh linh Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sự thành kính và lòng biết ơn. Viện sẽ làm hết sức để rạng danh của NGÀI.

Trân trọng cảm ơn!

 Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông, Nguyễn Kim Sơn
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ