Tất cả các kết nối góp phần phát triển ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ, gắn kết nội tại chặt chẽ, vừa tạo ra sức mạnh tổng hợp, với trí tuệ liên ngành, liên lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm độc đáo, những giá trị tri thức khác biệt, tham gia giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia, đồng thời thúc đẩy các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc phát huy thế mạnh chuyên môn để phát triển đơn vị. Công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã có sự đổi mới, gắn với chuyển đổi số, các quy định quản lý được điều chỉnh theo hướng quản trị số, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan. Công tác quản lý và tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ đã được số hóa từ việc xét duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quản lý các hệ thống phòng thí nghiệm, xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm. Hiện ĐHQGHN có hơn 4300 cán bộ trong có khoảng 2300 cán bộ khoa học với 73 giáo sư, 365 phó giáo sư và hơn 1300 cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên. Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu (58%), trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều nhà khoa học đạt đến trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn. Các tập thể khoa học mạnh có trình độ quốc tế được hình thành, với gần 100 nhóm nghiên cứu cấp đơn vị và 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Hệ thống phòng thí nghiệm được quy hoạch với tổng số 216 phòng thí nghiệm (22 phòng thí nghiệm thực hành cơ sở, 143 phòng thí nghiệm chuyên đề va 41 phòng thí nghiệm mục tiêu), trong đó, có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN; 10 phòng thí nghiệm hợp tác doanh nghiệp và 10 phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế, vượt chỉ tiêu Đại hội V. Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm lớn, liên ngành đã và đang được tăng cường, đặc biệt là chiến lược phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên hợp, liên ngành - Khu 22,9ha tại Hòa Lạc để đổi mới việc tổ chức nghiên cứu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tạo ra các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và các sản phẩm khoa học và công nghệ ứng dụng trong thực tiễn, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ. ĐHQGHN đã thể hiện tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiêm vụ quốc gia, hàng chục công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Các nhà khoa học của ĐHQGHN được Đảng, Nhà nước giao chủ trì hoặc tham gia giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu quốc gia. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học của ĐHQGHN là thành viên, có đóng góp tích cực trong các Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. ĐHQGHN đã tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đề xuất xây dựng các chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, điển hình như: tham gia chủ trì đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tham gia đề xuất, xây dựng: Nhiệm vụ nghiên cứu chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển đất nước 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển đất nước 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. ĐHQGHN đã tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học lớn tầm quốc gia và đề xuất các nhiệm vụ, chương trình khoa học lớn. Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã mang lại hiệu quả thực tiễn, giải quyết được nhiều vấn đề sinh kế, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh… cho các tỉnh Vùng Tây Bắc. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã tham gia thực hiện khoảng 60% nội dung của Đề án Quốc sử và đã hoàn thành. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” bắt đầu khởi động triển khai từ năm 2018, với sản phẩm là Bộ sách đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam - thư tịch cung cấp thông tin toàn diện và hệ thống về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. ĐHQGHN đã tham gia sáng lập và là thành viên chủ chốt triển khai có hiệu quả Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” là hệ sinh thái số có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam, đến nay, ĐHQGHN đã tham gia tạo lập các bộ dữ liệu tại phân hệ Dữ liệu mở của itrithuc.vn. Dự án do Thủ tướng Chính phủ giao “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông” do ĐHQGHN chủ trì, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, mang giá trị dân tộc và nhân văn sâu sắc. Dự án phát triển Trung tâm tư liệu Việt Nam học bắt đầu khởi động từ năm 2020, sau khi Trung tâm được thành lập sẽ là đơn vị tích hợp phục vụ hỗ trợ và nghiên cứu, hướng đến nguồn dữ liệu về Việt Nam, tham gia hỗ trợ kiến tạo quốc gia thông minh. Ngoài ra các nhiệm vụ khoa học lớn trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu biển đảo, vi sinh vật và công nghệ sinh học cũng đã được triển khai. Đại diện nhóm nhà khoa học soạn thảo bộ Quốc chí, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp mặt các nhà khoa học tham gia 5 đề án lớn. Các nhóm sản phẩm khoa học và công nghệ của ĐHQGHN được định hướng và quy hoạch theo bốn nhóm lĩnh vực chính. Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tích cực tham gia vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà nước; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chính sách, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam. Khoa học tự nhiên và y dược tiếp tục phát triển mạnh, tiếp cận trình độ quốc tế, đóng góp 60% công bố quốc tế của ĐHQGHN; nhiều nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên có đóng góp rất quan trọng bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, với nhiều công nghệ lõi và sản phẩm công nghệ được phát triển thành công và được chuyển giao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 29, ĐHQGHN đã chú trọng triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực mà ĐHQGHN có thế mạnh là khoa học giáo dục và khoa học quản lý . Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục được giao nhiệm vụ chủ trì, đã có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh và các trường phổ thông trong cả nước, đặc biệt liên quan đến mô hình, phương thức, quản lý đào tạo và đổi mới phương pháp dạy học. Trong lĩnh vực khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống trong đào tạo cán bộ nghiên cưu va lanh đao, quan ly, cac chuyên gia phân tích va hoạch định chính sách, đã triển khai nhiều nghiên cứu và chuyển giao cho các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương các luận cứ lý thuyết và thực tiễn, phục vụ hoạch định, thực thi chính sách và nâng cao năng lực quản lý trong nhiều lĩnh vực. Các hoạt động đổi mới sáng tạo đạt được những kết quả nổi bật. Từ năm 2015 đến nay, theo Bảng xếp hạng Scimago, chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của ĐHQGHN luôn đứng hàng đầu Việt Nam, nhiều năm đứng trong nhóm 500 thế giới. Giai đoạn 2015 -2019, toàn ĐHQGHN có 65 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, gấp 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước, bình quân hàng năm có 13 phát minh, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, vượt chỉ tiêu Đại hội V; 38 giải pháp khoa học và công nghệ, trong đó riêng năm 2019 là 11 giải pháp, vượt chỉ tiêu Đại hội V; 35 sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao hoặc thương mại hóa, vượt chỉ tiêu Đại hội V. Số sách chuyên khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài được xuất bản trong cả nhiệm kỳ là 400 đầu sách, trung bình 80 đầu sách/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội V; số chuyên khảo tiếng Anh được xuất bản trong cả nhiệm kỳ là 45 đầu sách, trung bình 09 đầu sách/năm, đạt 90% chỉ tiêu Đại hội V. Hệ thống tạp chí khoa học được kiện toàn và phát triển, xuât bản 09 chuyên san thuộc các lĩnh vực. Đặc biệt, Chuyên san Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến là ấn phẩm khoa học hợp tác giữa ĐHQGHN với Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) chính thức được SCOPUS chấp nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung (năm 2017). Năm 2019, tạp chí này trở thành tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam vào danh mục SCIE uy tín hàng đầu thế giới và có chỉ số ảnh hưởng cao; năm 2020, được SCImago xếp trong danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Hiện nay, ĐHQGHN đang triển khai xây dựng Chuyên san Các vấn đề phát triển đương đại đạt chuẩn quốc tế. Công bố quốc tế gia tăng mạnh, góp phần quan trọng trong việc quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu của cán bộ và nâng cao vị thế học thuật của ĐHQGHN trên trường quốc tế. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 29, Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ đạo xây dựng và phát triển hoạt động công bố quốc tế ở ĐHQGHN. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã công bố 3.602 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/SCOPUS, chiếm 10% tổng số bài báo ISI/ SCOPUS của cả nước, trong đó 01 công trình khoa học về khoa học xã hội được đăng trên tạp chí Nature, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Bình quân hàng năm có 720 bài, đạt 120% chỉ tiêu Đại hội V; riêng năm 2019 có 919 bài, gấp 100 lần so với năm 1993 (giai đoạn mới thành lập ĐHQGHN) và gấp 1,72 lần so với năm 2015. Chỉ số trích dẫn trung bình mỗi bài báo của ĐHQGHN đã vượt qua được ngưỡng trung bình, 5,2 lần so với 4,8 lần/bài báo của châu Á; nhiều bài báo có số lần trích dẫn cao (từ 50 đến 500 lần). Số lượng giải thưởng khoa học được trao cho các nhà khoa học của ĐHQGHN, tính từ năm 2015 đến năm 2019 là 45 giải thưởng, bình quân mỗi năm có trên 09 giải thưởng, đạt 90% chỉ tiêu Đại hội V, trong đó có các giải thưởng lớn, uy tín trong nước và quốc tế; nếu tính chung trong 25 năm qua, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã được trao tặng 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 Giải thưởng Nhà nước, 03 Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo được tăng cường Một số chính sách được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho các chủ trì đề tài, dự án đưa nghiên cứu sinh, học viên cao học và cả sinh viên vào các hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo của người học. Nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học được hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài, đã góp phần nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và thậm chí cả khóa luận tốt nghiệp. Hằng năm, có hàng nghìn báo cáo khoa học của sinh viên tham gia hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên các cấp, trong có hàng chục công trình xuất sắc được trao Giải thưởng cấp ĐHQGHN và cấp Bộ. Nhiều công trình được công bố trên các tạp chí uy tín của quốc gia và quốc tế. Nhiều công trình có hướng tiếp cận mới và bám sát thực tiễn, bước đầu tạo ra những sản phẩm công nghệ, sản phẩm ứng dụng. Phong trào khởi nghiệp dựa trên các nghiên cứu sáng tạo đạt kết quả tốt, với các mô hình hoạt động chuyển giao tri thức; phát triển đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết nhà khoa học, các phòng thí nghiệm, các đơn vị với các doanh nghiệp, cựu sinh viên, các quỹ đầu tư, đã hỗ trợ để giảng viên, nhà khoa học, sinh viên có cơ hội tìm kiếm cơ hội ươm tạo và phát triển khởi nghiệp. Năm 2017, theo nghiên cứu của Cổng thanh toán trực tuyến iPrice thì ĐHQGHN là đơn vị dẫn đầu về số lượng nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động khởi nghiệp. >>>>> Các tin bài liên quan: - Đẩy mạnh đào tạo tài năng tại ĐHQGHN dưới góc nhìn thực tiễn - Một công trình nghiên cứu cũng như xây dựng một ngôi nhà - Khẳng định vị thế của đại học nghiên cứu hàng đầu - Chiếc thìa chống rung: sản phẩm hỗ trợ người mắc bệnh run tay - Hiện tượng nở trên vành ma trận - ĐHQGHN và Bộ Khoa học và Công nghệ: Hoạt động khoa học gắn chặt với thực tiễn - Chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản phẩm KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc - Khoa học công nghệ tiên phong trong phát triển AI - Trí tuệ nhân tạo: từ giáo dục đến ứng dụng - Nhóm SISLAB Vietnam đạt giải Nhất tại IEEE SEACAS Hackathon 2019 - Thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên giành học bổng vào ĐH hàng đầu nước Pháp - Bí quyết học Hóa của chàng trai vàng Olympic Hóa quốc tế 2020 |