1. Mở đầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn Thế giới với sự phát triển của khoa học và công nghệ làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với tất cả các quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27 tháng 9 năm 2019 về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết thể hiện rõ mục tiêu trong thời gian tới của nước ta là phải “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.” Nghị quyết đã chỉ ra tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh chủ trương về đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 52-NQ/TW cũng đã chỉ ra các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới quốc gia: cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ tốt của thế giới; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Nghị quyết nhấn mạnh chính sách phát triển nguồn nhân lực là phải rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Đặc biệt, đối với chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên cần tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo; ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: Công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh. Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi mạnh mẽ các phương thức hoạt động, sản xuất, và kết nối trên phạm vi toàn Thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra “Covid-19 là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam” và chỉ đạo phải chúng ta cùng đoàn kết, quyết tâm, cùng lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VIII về tổ chức của các Đại học Quốc gia, ngày 01 tháng 02 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2001/NĐ-CP về việc xây dựng "Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao". Trong những năm qua, bên cạnh việc tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học thành viên sẵn có, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng bước tạo dựng các tiền đề cần thiết cho việc hình thành thêm các trường đại học thành viên mới để hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực. Mô hình đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính tự chủ cao của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được hình thành và phát triển. ĐHQGHN có đội ngũ cán bộ khoa học có học vị tiến sĩ và có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ khá cao trong số các cơ sở giáo dục đại học của cả nước. Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội là tiếp tục phát huy các thành tựu, khắc phục các hạn chế, bám sát các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội phù hợp với vai trò, vị thế và tình hình cụ thể của mình trong bối cảnh phát triển của đất nước. Trường ĐHCN là trường thành viên của ĐHQGHN được thụ hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù của ĐHQGHN theo Luật Giáo dục Đại học và Nghị định của Chính phủ. Sau 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống, Nhà trường đã tạo dựng được uy tín và vị thế trong nước và quốc tế; có đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao; môi trường giáo dục chuẩn mực, chất lượng cao; môi trường nghiên cứu tích cực với số lượng sản phẩm khoa học, công nghệ ngày càng tăng; môi trường làm việc trẻ, cởi mở, năng động dễ thích nghi với các hoạt động đổi mới, tiên phong. Nhiệm kỳ tới sẽ là giai đoạn thử thách đối với toàn Đảng bộ và Nhà trường khi phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Hòa Lạc; thách thức trong công tác tuyển sinh trước xu thế tự chủ đại học và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các trường đại học trong nước và quốc tế; nhu cầu cấp thiết bổ sung số lượng lớn đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao với cơ chế đãi ngộ phù hợp và môi trường học thuật hấp dẫn; triển khai sắp xếp, điều chỉnh, tái cấu trúc bộ máy quản trị đại học tinh gọn, hiệu quả, năng suất lao động cao,... Đại hội Đảng bộ lần thứ IV của Trường Đại học Công nghệ nhận thấy nhiệm kỳ 2020-2025 có vai trò quyết định trong việc khẳng định vai trò, vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục nước nhà. Đại hội đã khẳng định khẩu hiệu hành động của Nhà trường là “Đổi mới - Sáng tạo - Tiên phong - Chất lượng cao”; Đổi mới để phát triển, đổi mới từ trong nhận thức tới hành động, đổi mới từ lãnh đạo tới cán bộ, sinh viên; Sáng tạo vừa là bản chất vừa là mục tiêu của khoa học ứng dụng và công nghệ. Trường ĐHCN phát triển môi trường tự do sáng tạo và luôn khuyến khích, ủng hộ sự sáng tạo, lấy sáng tạo là yếu tố sống còn để tạo nên những thành tựu nổi bật, khẳng định vị thế trong nhóm các trường đại học kỹ thuật, công nghệ hàng đầu của Việt Nam, tiên phong luôn song hành cùng sáng tạo. Trường ĐHCN luôn tiên phong đi đầu trong việc nắm bắt xu thế mới, tiếp cận chuẩn mực khu vực và quốc tế, chất lượng cao không chỉ là đặc trưng mà còn là sứ mệnh cao cả, cũng vừa là phương châm, vừa là mục tiêu trong mọi hoạt động của Nhà trường. 2. Phát triển các lĩnh vực công nghệ mới tại Trường ĐHCN Trường ĐHCN hiện nay đang đào tạo 17 chương trình đại học, 12 chương trình cao học và 8 chương trình tiến sĩ. Các chương trình đào tạo đại học và cao học đã được phân tầng từ năm 2016 theo qui định của ĐHQGHN. Ở bậc đại học, Nhà trường có 11 chương trình đào tạo chuẩn, 01 chương trình đào tạo chất lượng cao theo mô hình của ĐHQGHN và 05 chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Giám đốc ĐHQGHN về phát triển và hoàn thiện cơ cấu các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, Trường ĐHCN đã triển khai phát triển và mở mới một số lĩnh vực mới phù hợp với nhu cầu xã hội, tiên phong phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. a. Phát triển lĩnh vực Năng lượng Sau 30 năm phát triển đất nước theo sự nghiệp Đổi mới, Việt Nam đang có đà tăng trưởng kinh tế tốt, nhưng cũng kéo theo nhu cầu về năng lượng ngày một cao. Tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tăng ở mức gấp đôi (12%/năm) so với tỷ lệ tăng trưởng GDP (~6%). Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 1%. Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2004 do đó nếu không có sự phát triển đột biến trong lĩnh vực này thì Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng trong giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng, khả năng đáp ứng năng lượng cho nhu cầu phát triển trong nước ngày càng khó khăn. Trước tình hình đó Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra Nghị quyết quan trọng về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” với định hướng phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo - các nguồn năng lượng mà Việt Nam chúng ta chiếm ưu thế. Hằng năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng với mức chiếu nắng trung bình khoảng 50 kCal/cm2, tương đương với tiềm năng khoảng 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Năng lượng gió có thể đạt công suất phát điện khoảng 800-1.400kWh/m2/năm trên đất liền, từ 500-1000 kWh/m2/năm tại các khu vực bờ biển, Tây Nguyên và phía Nam. Năng lượng sinh khối quy đổi cũng vào khoảng 43-46 triệu tấn dầu trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp. Các dữ liệu này cho thấy việc khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng xanh) trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên ở nước ta là hoàn toàn khả thi và góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về năng lượng. ĐHQGHN đã xác định từ rất sớm việc phát triển lĩnh vực này, cụ thể là thông qua việc thành lập Trung tâm Nano – Năng lượng năm 2011 qua đó tập hợp các cán bộ nghiên cứu, giảng viên của 2 đơn vị là Trường ĐH KHTN và Trường ĐHCN tham gia phát triển lĩnh vực này. Trong giai đoạn vừa qua, ĐHQGHN đã đầu tư các dự án có qui mô lớn liên quan như Dự án tăng trưởng Xanh… để tạo dựng môi trường nghiên cứu và đào tạo. Thực hiện chỉ đạo của ĐHQGHN và kế thừa các bước phát triển trên, Trường ĐHCN đã xây dựng chương trình đào tạo Kỹ sư kỹ thuật Năng lượng và tuyển sinh từ năm 2016. Tại Trường ĐHCN đã hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về năng lượng tái tạo như về Năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt tại Khoa VLKT&CNNN, về năng lượng sóng biển và năng lượng gió tại Khoa CHKT&TĐH. Ngoài hợp tác với các nhà khoa học thuộc Trường ĐH KHTN, Trường ĐHCN còn tích cực hợp tác với các đối tác như Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (IMI) và Viện Cơ học. Trong khuôn khổ các hợp tác này, nhà khoa học của 3 đơn vị là Trường ĐH KHTN, Trường ĐHCN và IMI đã thực hiện đề tài hợp tác quốc tế tiếp nhận công nghệ chế tạo máy phát điện gió tiên tiến từ CHLB Đức. Trường ĐHCN cũng đang phối hợp với ĐH Năng lượng Moscow để xúc tiến phát triển chương trình liên kết về Kỹ thuật năng lượng. Trường ĐHCN đã thành lập Bộ môn Kỹ thuật Năng lượng tại Khoa VLKT&CNNN là đầu mối học thuật của lĩnh vực này. b. Phát triển lĩnh vực Công nghệ Hàng không Vũ trụ Công nghệ Hàng không Vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao đặc thù không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt trong an ninh quốc phòng mà còn được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong kinh tế xã hội và đi vào cuộc sống hàng ngày. Làm chủ các công nghệ thuộc lĩnh vực này không chỉ quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng mà còn là một thế mạnh thể hiện vị thế và năng lực cạnh tranh quốc gia. ĐHQGHN đã tham gia tích cực vào phát triển các kỹ thuật, công nghệ liên quan qua đó từng bước hình thành lĩnh vực công nghệ Hàng không vũ trụ. Có thể kể đến, trong giai đoạn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, các nhà khoa học thuộc Khoa Vật lý đã tham gia các chương trình cải tiến khí tài cho bộ đội tên lửa góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ tại miền Bắc. Trong giai đoạn 2004 – 2014 tại Trường ĐHCN đã triển khai một số hoạt động nghiên cứu, đào tạo liên quan như thành lập Bộ môn Công nghệ Vũ trụ tại Khoa CHKT& TĐH. Bộ môn hoạt động với sự liên kết chặt chẽ với 2 đơn vị là Viện Công nghệ Vũ trụ và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Trường ĐHCN đã triển khai một số đề tài cấp nhà nước trong Chương trình khoa học công nghệ Vũ trụ. Năm 2011, Trường ĐHCN đã thành lập Trung tâm Công nghệ liên ngành Giám sát hiện trường (GSHT) triển khai các công nghệ giám sát qua ảnh vệ tinh và qua các thiết bị bay không người lái. Trung tâm GSHT đã phối hợp cùng các nhà khoa học của Trường ĐHKHTN (các lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường) thực hiện các đề tài như giám sát chất lượng không khí, giám sát cảnh báo cháy rừng và tham gia một số nhiệm vụ trong Chương trình Tây Bắc, hình thành các nghiên cứu và sản phẩm công nghệ liên ngành, liên đơn vị. Trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực HKVT có bước phát triển đột phá thông qua hợp tác đặc biệt giữa ĐHQGHN và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel. Qua hợp tác này, năm 2017, Trường ĐHCN đã thành lập Viện Công nghệ HK-VT là đơn vị đầu mối để triển khai nghiên cứu, đào tạo và hợp tác về hàng không vũ trụ. Trường ĐHCN đã xây dựng chương trình đào tạo Kỹ sư công nghệ HK-VT và tuyển sinh từ năm 2018. Ngoài hợp tác chiến lược với Viettel và các hợp tác truyền thống như với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trường ĐHCN đang mở rộng các hợp tác như với Tập đoàn FLC cho sinh viên thực tập về kỹ thuật hàng không, hợp tác với Học viện Hàng không Moscow xây dựng chương trình liên kết đào tạo kỹ sư hàng không vũ trụ. c. Phát triển lĩnh vực công nghệ Nông nghiệp Trong thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp của nước ta đã đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Từ một nước còn phải nhập khẩu lương thực cứu đói những năm 1980, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp quan trọng của thế giới: xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cao su và một số mặt hàng thuỷ sản có số lượng đứng đầu thế giới. Hiện nay, khu vực kinh tế nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP và là nguồn thu nhập chính của khoảng 50% dân số Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và để đảm bảo phát triển bền vững, yêu cầu của việc tăng trưởng theo chiều sâu, chú trọng đến chất lượng của tăng trưởng được đặt ra ngày càng cấp thiết. Yêu cầu phát triển đặt ra cho ngành nông nghiệp phải duy trì và phục hồi đà tăng trưởng, phát triển bền vững, hài hòa giữa ba mục tiêu “kinh tế, xã hội và môi trường”. Ngành nông nghiệp cần chú trọng vào các yếu tố để kích thích sự tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bên vững, thích ứng được với bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng. Để ứng dụng các công nghệ cao kể trên trong nông nghiệp cho công cuộc xây dựng nền nông nghiệp thông minh cần có nguồn nhân lực dồi dào với trình độ chuyên môn cao cả về nông nghiệp và công nghệ, đồng thời hiểu biết về thị trường Việt Nam, cũng như thị trường thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay các trường đại học và học viện ở Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư nông nghiệp và kỹ sư công nghệ, chứ chưa đào tạo kỹ sư/cử nhân, thạc sĩ Công nghệ nông nghiệp tiên tiến - người có hiểu biết cả về công nghệ, nông nghiệp và quản lý. Chính vì vậy, việc thành lập “Khoa Công nghệ nông nghiệp” với chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ Công nghệ nông nghiệp tiên tiến đáp ứng nền nông nghiệp công nghệ cao trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vô cùng cần thiết. Bên cạnh chức năng đào tạo, Khoa Công nghệ nông nghiệp sẽ nghiên cứu phát triển các công nghệ trong nông nghiệp, đưa thành tựu của công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, cơ điện tử, công nghệ vật liệu, công nghệ nano, công nghệ sinh học,… vào trong các lĩnh vực khác nhau của ngành nông nghiệp giúp điều chỉnh những hệ thống, quy trình có sẵn của nước ngoài sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam hoặc tạo ra những quy trình sản xuất nông nghiệp mới hoàn toàn dựa trên những xu hướng mới của thế giới. Khoa Công nghệ Nông nghiệp đã phát huy được hỗ trợ và hợp tác của nhiều đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Vi sinh vậy và Công nghệ sinh học, Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu của cả nước như VinEco, Hiệp hội Nông nghiệp kỹ thuật số,... d. Phát triển lĩnh vực kỹ thuật Robot Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo (AI), Robotics là các ngành xương sống trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với công nghệ thông tin và truyền thông, các ngành này sẽ góp phần hoàn thiện công nghệ phục vụ các nhu cầu cá thể của tầng cá nhân, từng gia đình, cho đến từng doanh nghiệp, từng quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra quyết liệt. Nhu cầu nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực Robotics tài Việt Nam ngày càng nhiều do nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2018, ngành đào tạo kỹ thuật Robotics tại Trường ĐHCN được thành lập, ngành này là sự liên kết chặt chẽ của ba ngành liên quan bao gồm Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính, và Cơ điện tử và tự động hóa. Ngành kỹ thuật Robotics đã tận dụng thế mạnh vốn có của Nhà trường cũng như thế mạnh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN, các đối tác quốc tế. Trường ĐHCN đã hợp tác và nhận chuyển giao chương trình đảo tạo robot từ Trường Đại học Công nghệ Chiba (CIT), Nhật Bản, một cơ sở uy tín hàng đầu về lĩnh vực này. Từ năm 2014 đến 2019, đã có gần 20 lượt giảng viên, cán bộ, gần 40 lượt sinh viên Trường ĐHCN được tài trợ sang thực tập tại CIT. 2 trường cũng đã phối hợp tổ chức 02 hội thảo về công nghệ robot tại ĐHQGHN và một số khóa học do chuyên gia của CIT sang giảng dạy. Hội thảo đã kết nối được nhiều cơ sở đào tạo cũng như doanh nghiệp về lĩnh vực này tham gia. Qua hợp tác đó Trường ĐHCN đã tiên phong trong cả nước xây dựng thành công chương trình Kỹ sư kỹ thuật robot, tuyển sinh từ năm 2018. Trường ĐHCN cũng đã thành lập Bộ môn Kỹ thuật robot tại Khoa ĐTVT là một đầu mối triển khai nghiên cứu đào tạo. Một số sản phẩm công nghệ liên quan đến lĩnh vực robot đã được phát triển và có tiếng vang ban đầu, góp phần khẳng định vị thế của Trường ĐHCN và ĐHQGHN trong lĩnh vực tiên tiến này. Bên cạnh đó, phát huy tiềm lực liên ngành trong Trường ĐHCN và các hợp tác với các đối tác như Viện Cơ học, Viện máy và dụng cụ công nghiệp,… Trường ĐHCN đã xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa và tuyển sinh từ năm 2019. Chương trình là sự tiếp nối các thành công của mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp đồng thời gia tăng vị thế và sự cạnh tranh của Trường ĐHCN trong lĩnh vực công nghệ cao quan trọng này. e. Phát triển lĩnh vực Xây dựng – Giao thông Sau gần 30 năm kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển đòi hỏi phải đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng như xa lộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, và đầu tư vào hỗn hợp năng lượng hiệu quả như các nhà máy thủy điện, chạy than và khí đốt… Trong thập niên vừa qua tổng đầu tư hạ tầng ở Việt Nam đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua khỏi các nền kinh tế Đông Á vốn nổi tiếng về mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao. Kết quả từ tỉ lệ đầu tư cao của Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng quy mô và khối lượng cơ sở hạ tầng, góp phần vào sự thành công về tăng trưởng và phát triển của đất nước. Trong 2 thập kỷ đã qua, Việt Nam có rất nhiều những công trình xây dựng và giao thông hiện đại phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân, tiêu biểu như: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đại lộ Thăng Long, Đường Vành đai 3 Hà Nội, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cao tốc TPHCM-Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương, đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM,... Phát huy thế mạnh của Nhà trường về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ điện tử, cơ học kỹ thuật và tự động hóa,... cũng như các kiến thức về môi trường và phát triển bền vững của các cơ sở khác trong toàn ĐHQGHN, tháng 5 năm 2018, Trường ĐHCN đã ra quyết định thành lập Bộ môn Xây dựng giao thông, trực thuộc trường. Chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật Xây dựng đã bắt đầu tuyển sinh vào năm 2018. Chương trình này cũng đã thu hút được quan tâm hợp tác và đầu tư của nhiều đối tác trong và ngoài nước như Trường Đại học Kanto Gakuin, Nhật Bản, Đại học Tokyo, Nhật bản, Đại học Melbourne, Australia, Viện Công binh, Công ty CONINCO, Công ty FECON, Hội Cơ học Việt Nam. Bên cạnh chương trình Công nghệ Xây dựng, một số một số trường đại học và các chuyên gia Nhật Bản đã tham gia hỗ trợ triển khai và vận hành chuyên ngành Kỹ thuật Hạ tầng tại Trường Đại học Việt Nhật. Để phát triển lĩnh vực này, ĐHQGHN đã đầu xây dựng Phòng thí nghiệm Vật liệu tiên tiến chống chịu điều kiện khắc nghiệt. 3. Kết luận Được sự ủng hộ về mặt chủ trương, kế hoạch đầu tư phát triển về cơ sở vật chất và trang thiết bị, cũng như kết nối trong và ngoài nước, Trường ĐHCN đã phát triển một số lĩnh vực đào tạo mới, góp phần hoàn thiện cơ cấu đào tạo và phát huy được thế mạnh của Nhà trường, tăng cường tính liên ngành trong ĐHQGHN đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo đều được chuẩn bị công phu, bài bản, và đều là các lĩnh vực công nghệ cao, có tính liên ngành, định hướng sản phẩm phục vụ xã hội, do đó các chương trình này đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư của xã hội. Bên cạnh các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống, các lĩnh vực mới mở của trường ĐHCN đã góp phần xác lập vị thế tiên phong của ĐHQGHN trong nghiên cứu và đào tạo. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong thời gian tới cơ cấu ngành nghề và các chương trình đào tạo sẽ tiếp tục cần được chuyển đổi mạnh mẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nhấn mạnh vai trò của kết nối và cá thể hóa trong thiết kế, sản xuất và dịch vụ. Do đó, các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo cần được thiết kế và vận hành với tư duy mở, hội nhập, liên ngành đáp ứng được yêu cầu học tập cho từng cá thể. Trong những năm tới, Trường ĐHCN đặt trọng tâm: (1) xây dựng và củng cố hệ thống đảm bảo chất lượng là yếu tố cốt lõi tạo nên sự phát triển bền vững của Nhà trường trong bối cảnh quy mô về số lượng chương trình đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh tăng, đặc biệt là các ngành đào tạo mới mở; đẩy mạnh đổi mới các hoạt động giảng dạy theo hướng sáng tạo, tăng khả năng thích ứng của sinh viên với thị trường lao động; đẩy mạnh công tác tuyển sinh và quảng bá tuyển sinh, tăng cường kết nối nhà tuyển dụng, hỗ trợ sinh viên, tăng khả năng thích ứng của sinh viên với thị trường lao động, và (2) nâng cao chất lượng và số lượng các công bố khoa học quốc tế, các phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích; tăng cường số lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng và chuyển giao; tăng cường số lượng các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, phát triển các nhóm nghiên cứu và hướng nghiên cứu trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhà trường sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo xây dựng, và phát huy sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực; nắm bắt cơ hội, chủ động thích ứng, vượt qua thách thức trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua các khó khăn và tận dụng các lợi thế đại dịch covid-19 phát triển Nhà trường trở thành trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo với mô hình nhà trường chuẩn mực, phát triển bền vững, sức cạnh tranh cao, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu tiên tiến của châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế. |