VNU Logo

ĐHQGHN đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu, sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Ngày 19/7/2025, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu tại tọa đàm.

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Bích Yến, chuyên gia cao cấp Tập đoàn SOITEC (CH Pháp), Chủ tịch danh dự Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến; Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Trương Ngọc Kiểm; Phó Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Nguyễn Hà Nam, Viện trưởng Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến Nguyễn Trần Thuật; Viện trưởng Viện Công nghệ lượng tử Nguyễn Quốc Hưng; lãnh đạo Viện Công nghệ Thông tin cùng đông đảo các nhà khoa học, khách mời, nghiên cứu sinh và sinh viên.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh quyết tâm của ĐHQGHN trong việc đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực then chốt của khoa học & công nghệ trong thời đại chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt chú trọng đến kết nối 3 nhà (nhà nước – trường đại học – doanh nghiệp) để thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp bán dẫn và vật liệu tiên tiến, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước. Phó Giám đốc cảm ơn Chuyên gia Nguyễn Bích Yến đã dành nhiều thời gian tham gia các sự kiện trong chuỗi hoạt động triển khai Chương trình trong tháng 7/2025, mong muốn chuyên gia tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trong ĐHQGHN hoàn thiện chiến lược, chương trình đào tạo và nghiên cứu về chip bán dẫn, kết nối với đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy hợp hợp nghiên cứu và đào tạo. 

Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin Lê Hoàng Sơn chia sẻ về tiềm năng hợp tác của Viện trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch

Giới thiệu về năng lực và tiềm năng hợp tác của Viện Công nghệ Thông tin trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch, Phó Viện trưởng Lê Hoàng Sơn cho biết, với vai trò là đơn vị đào tạo và nghiên cứu mũi nhọn của ĐHQGHN, Viện có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển khoa học & công nghệ.

Trong những năm qua, Viện đã xây dựng đội ngũ chuyên gia trình độ cao, triển khai nhiều đề tài, dự án trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, an toàn thông tin, đặc biệt là công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch. Viện cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển năng lực quốc gia về công nghiệp vi mạch – ngành công nghệ mang tính chiến lược cho tương lai của Việt Nam.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các đơn vị đã chia sẻ, thảo luận về xu hướng công nghệ mới, định hướng phát triển nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch - những lĩnh vực được xác định là then chốt cho sự phát triển khoa học & công nghệ và nền kinh tế số quốc gia.

TS. Bùi Duy Hiếu giới thiệu chương trình nghiên cứu và đào tạo về công nghệ bán dẫn tại Viện Công nghệ Thông tin

TS. Bùi Duy Hiếu, Trưởng phòng Thí nghiệm AIoT đã giới thiệu chương trình đào tạo và nghiên cứu chip bán dẫn đang được triển khai tại Viện Công nghệ Thông tin, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và thúc đẩy hợp tác giữa ba nhà: nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp nhằm tạo động lực phát triển bền vững cho ngành bán dẫn Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Bích Yến đồng tình với quan điểm này và khẳng định các cơ sở giáo dục, nghiên cứu không chỉ là nơi đào tạo kỹ sư, chuyên gia mà còn cần trở thành đối tác kỹ thuật tin cậy của doanh nghiệp trong giải quyết các bài toán công nghệ thực tiễn, từ đó đáp ứng sát nhu cầu thị trường.

PGS.TS Nguyễn Trần Thuật giới thiệu về định hướng chiến lược phát triển của Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến

PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Viện trưởng Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến (thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN) trình bày về định hướng chiến lược phát triển của Viện, trong đó nhấn mạnh vai trò của đơn vị trong thúc đẩy sáng kiến, kết nối chuyên gia, xây dựng các đề án và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về công nghiệp bán dẫn. Chuyên gia Nguyễn Bích Yến đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản của Viện và đề xuất mở rộng nghiên cứu, phát triển các dòng chip đa dụng và chip nguồn tích hợp với công nghệ đóng gói tiên tiến không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

Chuyên gia Nguyễn Bích Yến giới thiệu công nghệ 22nm FDSOI

Chuyên gia Nguyễn Bích Yến cũng có phần chia sẻ chuyên sâu về công nghệ 22nm FDSOI - một xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện đại. Bà cho biết, công nghệ này mang lại lợi thế về tiêu thụ năng lượng thấp và chi phí sản xuất hợp lý, đặc biệt phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống tích hợp cho các thiết bị biên (edge devices) - một trong những định hướng ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tọa đàm thu hút sự tham gia thảo luận sôi nổi của các học viên, kỹ sư và nghiên cứu viên trẻ đang công tác tại Viện Công nghệ Thông tin. Các nội dung trao đổi tập trung vào vấn đề triển khai chương trình đào tạo bán dẫn thực tiễn, mô hình kết nối đào tạo - nghiên cứu - doanh nghiệp và đề xuất các mô hình hợp tác hiệu quả nhằm xây dựng hệ sinh thái bán dẫn phù hợp với điều kiện Việt Nam.


Tọa đàm đã góp phần quan trọng trong việc củng cố định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại ĐHQGHN, đồng thời tạo động lực kết nối nguồn lực trong và ngoài nước. Đây là bước đi thiết thực nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho việc làm chủ công nghệ chip bán dẫn tại Việt Nam, hướng đến vị thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hương Giang