TIN TỨC & SỰ KIỆN
Văn bản chỉ đạo: Hướng dẫn xây dựng Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2014 - 2020
Ngày 04/6/2013, ĐHQGHN đã ban hành văn bản số 1881/HD-ĐT về việc Hướng dẫn xây dựng Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2014 – 2020.
Dưới đây là chi tiết hướng dẫn (file PDF và các phụ lục):
Với mục tiêu xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quy hoạch, đảm bảo tính bền vững và hội nhập quốc tế, thực hiện Nghị quyết của ban Thường vụ Đảng uỷ ĐHQGHN họp ngày 10.5.2013 và Kết luận chỉ đạo của Giám đốc ĐHQGHN theo thông báo số 1293/TB-VP ngày 04.5.2013, ĐHQGHN hướng dẫn các đơn vị đào tạo thực hiện việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo như sau:
1. Mục tiêu
1.1.     Phát huy tính tự chủ của các đơn vị đào tạo;
1.2.     Các ngành, chuyên ngành được quy hoạch mang tính hệ thống, thể hiện sự liên thông cao trong ĐHQGHN, phù hợp với chiến lược phát triển và quy hoạch nguồn nhân lực chung của đất nước;
1.3.     Làm cơ sở phục vụ công tác quy hoạch tổng thể của từng đơn vị cũng như của toàn ĐHQGHN, trên cơ sở đó có kế hoạch chủ động bố trí các nguồn lực,  phục vụ công tác quản lý điều hành một cách có kế hoạch, thống nhất;
1.4.     Dự báo được xu thế phát triển và nhu cầu đào tạo, khả năng và triển vọng đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020.
2. Yêu cầu
2.1.     Phù hợp với chiến lược phát triển, thế mạnh, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị đào tạo và của toàn ĐHQGHN;
2.2.     Đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả;
2.3.     Hệ thống chương trình đào tạo phải đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong từng đơn vị, từng bậc đào tạo và trong toàn ĐHQGHN;
2.4.     Phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế;
2.5.     Đề án trình Giám đốc ĐHQGHN theo đúng quy định (phụ lục kèm theo) và đúng thời hạn.
3. Nguyên tắc
3.1.     Đúng luật;
3.2.     Phù hợp với các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của ĐHQGHN;
3.3.     Đúng chức năng nhiệm vụ của đơn vị đào tạo; không trùng lặp với những ngành, chuyên ngành của các đơn vị đào tạo khác (trong trường hợp trùng tên, cần có sự khác biệt về chuẩn đầu ra, đối tượng đào tạo; chương trình đào tạo).
3.4.     Phát huy được thế mạnh của đơn vị đào tạo, có chú ý đến tính đặc thù;
3.5.     Quy hoạch có tính mở, phù hợp với xu thế và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và thế giới;
3.6.     Với mỗi ngành đào tạo cần ưu tiên quy hoạch cả 3 bậc (hoàn thiện và phát triển các bậc đào tạo từ đại học đến tiến sĩ).
4. Tiêu chí
4.1.         Các ngành, chuyên ngành đang đào tạo phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng của Bộ Giáo dục Đào tạo và ĐHQGHN; các ngành, chuyên ngành dự kiến mở mới, được quy hoạch phải thuyết minh được khả năng và lộ trình đáp ứng được các quy định, điều kiện mở ngành của Bộ Giáo dục Đào tạo và của ĐHQGHN.
4.2.         Ưu tiên các ngành, chuyên ngành đào tạo sau:
4.2.1.     Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ những hướng ưu tiên, trọng điểm trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước;
4.2.2.     Có tính liên ngành, độc đáo, phát huy thế mạnh của các đơn vị; thúc đẩy liên thông, liên kết trong ĐHQGHN; hợp tác với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp;
4.2.3.     Có khả năng thu hút nguồn lực (có khả năng khai thác được nguồn lực của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà tài trợ cũng như các nguồn vốn ngoài ngân sách và các khả năng xã hội hóa khác), có nhu cầu xã hội cao, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước;
4.2.4.     Có vai trò thí điểm tiên phong cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, phù hợp với sứ mệnh của ĐHQGHN;
4.2.5.     Phát huy được hiệu quả của hợp tác quốc tế để xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế;
4.2.6.     Có nhóm nghiên cứu mạnh làm nguồn nhân lực nòng cốt phục vụ việc triển khai chương trình đào tạo;
4.3.         Đảm bảo tính hệ thống và liên thông giữa ngành đào tạo đại học, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
5. Nội dung thực hiện
5.1. Các đơn vị đào tạo
5.1.1.     Rà soát, đánh giá thực trạng các ngành, chuyên ngành đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đào tạo trên cơ sở các tiêu chí kiểm định chất lượng và yêu cầu về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
5.1.2.     Sắp xếp, bổ sung các ngành, chuyên ngành đào tạo, tham khảo danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được ban hành theo Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27/04/2010; số 04 /2012/TT-BGDĐT ngày 14/02/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5.1.3.     Phân loại ngành, chuyên ngành đào tạo phục vụ công tác quản lý và đầu tư gồm:
a)     Ngành, chuyên ngành đào tạo trọng điểm
           Là những ngành, chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ những định hướng ưu tiên, trọng điểm trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước.
b) Ngành, chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế và định hướng phát triển đạt chuẩn quốc tế
- Có đội ngũ giảng viên có thể đảm nhận giảng dạy chuyên môn trong chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ, đã từng giảng dạy hoặc được đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng ở các trường đại học có uy tín trên thế giới;
- Đội ngũ giảng viên có kết quả nghiên cứu khoa học đạt trình độ khu vực và quốc tế;
- Có khả năng liên kết, hợp tác quốc tế có hiệu quả.
c) Ngành, chuyên ngành đào tạo đề nghị được tự chủ về học phí
            - Ngành có nhu cầu xã hội cao;
            - Không phải là ngành đào tạo cơ bản;
            - Có khả năng khai thác được nguồn lực của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà tài trợ cũng như các nguồn vốn ngoài ngân sách và các khả năng xã hội hóa khác.
d) Ngành, chuyên ngành đào tạo cơ bản, đặc thù đề nghị Nhà nước ưu tiên đầu tư
 Là những ngành thuộc nhóm các ngành khoa học cơ bản, đặc thù, nhu cầu xã hội không cao, có tỷ lệ đăng ký tuyển sinh/chỉ tiêu đào tạo thấp, nhưng cần duy trì và phát triển đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực của đất nước.
 e) Các ngành, chuyên ngành đào tạo khác.
5.1.4.     Mỗi đơn vị đào tạo lựa chọn từ 1 đến 2 ngành hoặc từ 1 đến 2 chuyên ngành đào tạo để ưu tiên đầu tư phát triển trong giai đoạn đến năm 2020;
5.1.5.     Xác định rõ thời hạn bắt đầu (đối với ngành, chuyên ngành đào tạo mới mở) và kết thúc (đối với ngành, chuyên ngành chỉ thiết kế cho một nhu cầu nhất định hoặc cần dừng đào tạo do nhu cầu xã hội thay đổi);
5.1.6.      Xác định rõ ngành kép, ngành chính phụ, liên ngành;
5.1.7.        Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo được Hội đồng khoa học và đào tạo của đơn vị thông qua và thủ trưởng đơn vị đào tạo phê duyệt.
5.2. ĐHQGHN
5.2.1.        ĐHQGHN ban hành văn bản Hướng dẫn xây dựng Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo;
5.2.2.        Trên cơ sở Đề án quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của các đơn vị, Ban Đào tạo xây dựng Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN;
5.2.3.        Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN góp ý Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN;
5.2.4.        Giám đốc ĐHQGHN ký ban hành Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN.
6. Kế hoạch thực hiện
6.1.     Các đơn vị đào tạo hoàn thành Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của đơn vị và báo cáo Giám đốc ĐHQGHN trước ngày 30/09/2013.
6.1.1. Đối với trường đại học thành viên
Thực hiện quy hoạch ngành, chuyên ngành từ cấp khoa đến cấp trường:
- Các khoa xây dựng quy hoạch ngành, chuyên ngành và thông qua Hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa;
- Trên cơ sở quy hoạch của các khoa, trường xây dựng Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của trường và tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, thông qua Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường.
6.1.2. Đối với các đơn vị trực thuộc (các khoa trực thuộc, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo và nghiên cứu)
Các đơn vị trực thuộc xây dựng Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của đơn vị và tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, thông qua Hội đồng Khoa học và Đào tạo của đơn vị.
6.2.     Ban Đào tạo làm đầu mối xây dựng Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN trước ngày 30/10/2013;
6.3.     Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN thông qua Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN trước ngày 15/12/2013;
6.4.     Ban Đào tạo hoàn thiện Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN và trình Giám đốc ĐHQGHN ký ban hành trước ngày 30/12/2013.
7. Kinh phí thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị đào tạo chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc triển khai quy hoạch ngành/chuyên ngành và xây dựng Đề án của đơn vị.
8. Sản phẩm
8.1. Đối với các đơn vị đào tạo
Các đơn vị trình Giám đốc ĐHQGHN (qua Ban Đào tạo):
- Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đã được phê duyệt của Thủ trưởng đơn vị và đĩa CD ghi nội dung Đề án (theo đúng mẫu đề cương và đáp ứng các yêu cầu về nội dung như ở phần Phụ lục);
- Biên bản Họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo thông qua Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của đơn vị.
- Công văn đề nghị Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt quy hoạch ngành/chuyên ngành đào tạo của Thủ trưởng đơn vị;
            8.2. Đối với ĐHQGHN
Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2014-2020 được Hội đồng Khoa học và Đào tạo thông qua và được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.
ĐHQGHN đề nghị các đơn vị đào tạo tích cực triển khai thực hiện việc quy hoạch ngành, chuyên ngành theo đúng hướng dẫn, đảm bảo đúng mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu, nội dung, mẫu quy định, quy trình và thời hạn của ĐHQGHN.
 BT - ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ