TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   VNU & báo chí 11:11:04 Ngày 19/02/2021 GMT+7
(GDVN) Năm mới, Giáo sư Vũ Minh Giang chia sẻ cách dạy Lịch sử không phải học thuộc
Học Lịch sử phải làm sao trở thành nhu cầu tự thân vì học Sử là bổ ích cho mình chứ không phải học kiến thức này cho ai đó, vì ai đó.

LTS: Nhân dịp Xuân Tân Sửu, nhà nghiên cứu Lịch sử, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc trao đổi về câu chuyện đổi mới giáo dục.

Phóng viên: Thưa thầy, trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy Lịch sử tập trung vào chi tiết cụ thể, diễn biến, ngày tháng…nên học sinh rất sợ, khó nhớ. Vậy giờ đây khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần đổi mới dạy và học môn Lịch sử thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú để học sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh?

Giáo sư Vũ Minh Giang: Cả nền giáo dục Việt Nam chứ không riêng môn nào trong một thời gian rất dài chúng ta dạy theo phương thức tiếp cận nội dung tức là truyền đạt, cung cấp kiến thức cụ thể cho người học.

Đó là phương thức tiếp cận truyền thống vì xưa chúng ta chẳng có gì ngoài sách giáo khoa và giáo viên nên người học phải tiếp thu, lĩnh hội theo lối ghi nhớ càng nhiều càng tốt những kiến thức cụ thể đó. Ai nhớ nhiều, biết nhiều được coi là giỏi, là uyên bác.

Cùng với thời gian, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, kiến thức mới tăng lên theo cấp số nhân, theo đó khối lượng kiến thức phải đưa vào chương trình, sách giáo khoa ngày càng nhiều lên dẫn đến tình trạng quá tải.

Đó là chưa kể đến việc chương trình còn phải “cõng” thêm những kiến thức mà những người làm chương trình cho rằng nếu không đưa vào thì thiếu và sách giáo khoa cứ thế mà mỗi ngày càng dày thêm.

Trong khi nội dung chương trình và sách giáo khoa ngày càng nặng, đòi hỏi học sinh phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn thì phương pháp giáo dục tiếp cận nội dung lại không tận dụng được lợi thế của thời đại tin học, phát huy được tính ưu việt của công nghệ thông tin. Trong thời đại ngày nay người học có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chứ không phải chỉ đến lớp, không phải chỉ học sách giáo khoa.

Vì vậy, việc cứ truyền thụ kiến thức cụ thể theo phương pháp dạy học truyền thống dần dần sẽ vừa làm cho người học mệt mỏi, tiếp thu kiến thức một cách thụ động vừa bỏ phí những công cụ, phương tiện tìm kiếm học tập của thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin.

Cuộc đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo lần này dưới tinh thần của Nghị quyết 29 đòi hỏi chúng ta phải chuyển mạnh từ cách tiếp cận theo phương thức truyền đạt kiến thức sang tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực – tức là dạy cho người học chủ yếu phương pháp, cách nghĩ, lối tư duy và khả năng tìm kiếm thông tin nên đó phải là những kiến thức căn bản, tối thiểu chứ không chăm chăm dạy theo kiểu “nhồi nhét” thật nhiều kiến thức cụ thể nữa.

Đây là một cuộc cách mạng, nói thì dễ nhưng thực hiện được là việc không hề dễ dàng. Trước hết là bởi vì trong tư duy của những người làm chương trình, những người viết sách giáo khoa chưa thay đổi. Chừng nào còn cảm giác không đưa vào thì thiếu, cứ “nhồi” thật nhiều nội dung vào thì không thể giảm tải. Do đó làm sao giảm tải chương trình còn là phấn đấu nỗ lực bắt đầu từ đổi mới tư duy. Trong bối cảnh chung đó có việc dạy và học môn Lịch sử.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử (ảnh: NVCC)

Là một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử, trăn trở và dành nhiều tâm huyết với lĩnh vực này, trong nhiều phát biểu của mình tôi từng nói Lịch sử phải là môn đi đầu trong đổi mới dạy và học theo tinh thần Nghị quyết 29 bởi đây là môn học nếu tiếp cận theo kiểu cũ là tiếp cận truyền thụ nội dung thì có rất nhiều thứ phải nhớ như nhân danh, địa danh, diễn biến sự kiện, năm tháng, số liệu…khô khan và nhàm chán.

Do đó nếu cứ theo lối cũ thì người học sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn dẫn đến việc sợ, chán, thậm chí ghét môn Lịch sử và tình trạng này đã xuất hiện khá phổ biến trong học sinh các cấp.

Khi chúng ta quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì phải tiến hành song song đổi mới cả về nội dung, chương trình, phương pháp… nhưng có một yếu tố đã đề cập đến rất nhiều nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu đó là làm sao cho xã hội, làm cho người học hiểu được tầm quan trọng của môn Lịch sử.

Cần phải có nhận thức rằng Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai. Nghiên cứu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông đã đúc kết bằng mồ hôi và xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc.

Phải chạm được đến tận cùng bản chất của vấn đề đó là Lịch sử không chỉ là những bài học của cha ông, học Lịch sử không chỉ để chúng ta tự hào về truyền thống, tăng thêm lòng yêu nước mà Lịch sử chính là một khoa học giúp cho một dân tộc nhận thức bản thân mình, tự nhận thức mình là ai. Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại.

Khi nhận thức được một cách sâu sắc về mình thì sẽ tạo ra sự tự tin cho mọi người từ tầng lớp lãnh đạo đến mọi người dân, từ trí thức đến công nhân, nông dân. Nếu không tự tin và đủ bản lĩnh thì chúng ta không thể làm sáng danh một dân tộc. Có tự tin thì mới phát huy được tất cả năng lực của mình trong hành xử, trong giải quyết công việc... Lâu nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở tự hào dân tộc chứ chưa nhận thức được một cách đầy đủ năng lực của mình để tự tin.

Thế nên mới có chuyện cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - McNamara từng nói với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: Mỹ thua vì không hiểu được chiều sâu văn hóa giữ nước của người Việt. Nếu chúng tôi hiểu lịch sử Việt Nam thế này thì chắc chắn người Mỹ sẽ không tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam vì nhìn vào chiều dài lịch sử dân tộc Việt bất khuất lắm, kẻ thù nào cũng chiến thắng.

Hay như cuộc chiến chống Covid-19, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra hiệu triệu kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi “chống dịch như chống giặc” đã khiến cả nước một lòng và có lẽ sự vững mạnh của khối thống nhất đó đã được chứng minh bằng kết quả như chúng ta đã biết và được cả thế giới ghi nhận trong sự khâm phục.

Một ví dụ nữa đó là trong trận bão lũ xảy ra tại miền Trung năm vừa qua. Hàng trăm tấn hàng hóa, nhiều tỷ đồng cùng những cây ATM gạo, những nhóm người thức thâu đêm để gói bánh chưng chuyển cho đồng bào mình.

Có thể thấy, mỗi khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn là cộng đồng lại phát huy tinh thần tương thân tương ái, chung sức, chung lòng đoàn kết, giúp đỡ, đó là truyền thống quý báu của dân tộc.

Lúc này, những hành động của đồng bào - xin được nhấn mạnh hai từ đồng bào, sức mạnh từ lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước, từ Mặt trận Tổ quốc đã được nhân lên nhiều lần và thiết thực hơn nhiều lần, mạnh mẽ hơn nhiều lần vì trong họ đã có sẵn một lời hiệu triệu từ trái tim Việt!... Đó nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chiều dày văn hóa truyền thống mà nước khác không có được.

Lịch sử còn là cửa nhìn ra bên ngoài để hiểu thế giới vì Việt Nam không thể nào sống đơn độc với khu vực và thế giới do đó phải nhận thức được xung quanh một cách rõ ràng, thấu đáo thì tầm nhìn mới viễn kiến, nhìn xa, nhìn rộng được.

Những yếu tố tôi vừa nêu rất cần cho học sinh nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được. Chưa dạy Lịch sử theo phương châm quan trọng là hiểu bản chất của lịch sử, những vấn đề có tính quy luật, chi phối các sự kiện, và hình thành nhân cách, mà lâu nay chỉ thấy dạy học sinh nhớ ngày tháng, sự kiện quá nhiều làm cho môn học đáng lý ra rất hấp dẫn lại trở thành nặng nề, khô khan và khiến học sinh không nhớ nổi trong khi đó những ý nghĩa cốt yếu thì lại không được dạy.

Do đó, khi chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực thì làm sao môn Lịch sử giúp người học ý thức trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước, tự đánh giá bản thân mình, đánh giá dân tộc mình để rồi có sự tự tin, biến những gì mình có thành lợi thế, cạnh tranh quốc tế từ đó tự khắc tạo nên sức hấp dẫn của môn học này. Chúng ta phải đi bằng cách của mình thì mới ngang bằng với quốc tế chứ cứ đi theo thì cùng lắm là học trò giỏi mà thôi chứ không bao giờ bằng hoặc vượt họ được.

Đặc biệt, học Lịch sử phải làm sao trở thành nhu cầu tự thân vì học Sử là bổ ích cho mình chứ không phải học kiến thức này cho ai đó, vì ai đó.

Có chuyên gia đề xuất nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay, thầy nghĩ sao về ý kiến này?

Giáo sư Vũ Minh Giang: Từng là người tham gia chỉ đạo làm thí điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, theo tôi, mục đích của đề thi đánh giá năng lực là đánh giá năng lực của người học có thể học tiếp lên bậc học đại học hay không do đó đề thi là để kiểm tra khả năng tổng hợp, tư duy, phân tích chứ không hỏi những chuyện cụ thể. Tức là sẽ hỏi kiến thức cơ bản chứ không đòi hỏi kiến thức quá chi tiết, quá sâu.

Nhiều người cho rằng chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm là đổi mới, quan niệm này là hoàn toàn sai. Bởi nếu thi trắc nghiệm mà câu hỏi vẫn “đố cái này là cái gì” thì đây mới chỉ là đổi mới phương thức thi mà thôi chứ phần quan trọng nhất của đổi mới phải là nội dung câu hỏi.

Người ra đề tổ hợp đánh giá năng lực phải theo hướng các kiến thức cơ bản được trộn vào nhau, ra đề là để đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc của thí sinh.

Các năng lực như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lí số liệu, giải quyết vấn đề phải được vận dụng do đó để trả lời được câu hỏi dạng này thì người học phải có khả năng phân tích, nhận định, tổng hợp và chắc chắn không phải học trò nào cũng đáp ứng được. Đó mới là cách để tuyển chọn thí sinh vào học đại học, đủ điều kiện tham gia vào quá trình sáng tạo tri thức mới, quá trình nghiên cứu chứ không còn là học những kiến thức có sẵn như học trò phổ thông nữa.

Đề thi mà như vậy thì chắc chắn người học không phải ngày đêm học thuộc ngày tháng, trận đánh, địa danh…. Thậm chí đó còn là những tư liệu cho sẵn để từ đó học sinh tự phân tích, khái quát, tổng hợp, logic.

Bước sang năm mới 2021, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy có gửi gắm gì đến với đội ngũ thầy cô chuẩn bị thực hiện triển khai môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Giáo sư Vũ Minh Giang: Qua tiếp xúc với nhiều giáo viên dạy Lịch sử, nhiều thầy cô tâm sự với tôi là đôi khi có mặc cảm vì dạy môn bị coi là phụ. Bởi học sinh đánh giá Toán, Văn… mới là môn chính, giáo viên những môn đó mới được đề cao.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay chưa thực sự coi trọng các môn khoa học xã hội thì ngay từ ở nhà trường, chúng ta cần làm thay đổi quan niệm đó trong suy nghĩ của giáo viên và học sinh. Cần định vị môn Lịch sử, và giáo viên môn này cần có ý thức nói lên tầm quan trọng môn của mình.

Tôi mong muốn, các giáo viên dạy Lịch sử tiếp tục nuôi giữ ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu với môn Lịch sử, từ đó truyền đến các học sinh thân yêu của mình tình yêu, sự say mê, hứng thú với môn học vô cùng bổ ích và thú vị này, hóa giải mặc cảm của bản thân, mình phải tự tin và đặc biệt phải có nhận thức đây cũng một môn khoa học đòi hỏi sáng tạo chứ không phải chỉ nhớ và nói lại là đủ.

Lịch sử là cái đã qua, là khách thể, là cái chúng ta còn phải khám phá, không bao giờ khám phá hết để từ đó môn Lịch sử có vị trí xứng đáng hơn.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Vũ Minh Giang.

 Thùy Linh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ