TIN TỨC & SỰ KIỆN
GS Phan Huy Lê là người luôn đau đáu với tình hình Đất nước và luôn làm hết sức mình tất cả những gì có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc

GS. NGND Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1988-2016), Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Khoa Lịch sử; nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)... sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể các bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh trọng đã từ trần hồi 13h10 phút ngày 23 tháng 6 năm 2018 tức ngày 10 tháng 5 năm Mậu Tuất, hưởng thọ 85 tuổi.

Lễ viếng và truy điệu tổ chức từ hồi 7h30 đến 10h00 ngày 27 tháng 6 năm 2018 (tức ngày 14 tháng 5 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h00 cùng ngày.

Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bản điếu văn do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đọc tại lễ truy điệu GS. Phan Huy Lê.

 

Kính thưa anh linh GS. NGND Phan Huy Lê,

Kính thưa toàn thể tang quyến,

Kính thưa các quý vị,

Hôm nay, trong giờ phút đau buồn này, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây để vĩnh biệt một danh nhân văn hóa, khoa học và giáo dục đương đại: GS.VS. NGND Phan Huy Lê!

GS Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại làng Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), một vùng quê giàu truyền thống văn hóa,  dòng tộc nội, ngoại đôi bên đều danh tiếng về khoa bảng với nhiều danh nhân văn hóa. Chính quê hương và dòng tộc đã góp phần quan trọng tạo nên những tố chất và nhân cách của GS Phan Huy Lê. 

Năm 1952, Ông học dự bị đại học ở Thanh Hoá với hoài vọng trở thành một chuyên gia về Toán - Lý, nhưng ông lại được chọn vào học ban Sử - Địa Đại học Sư phạm Hà Nội, dường như số phận đã hướng ông theo con đường nối nghiệp tổ tông dòng họ Phan Huy nổi tiếng. Năm 1956, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, Ông được các GS Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh nhận ngay vào khoa Lịch sử và được GS Đào Duy Anh chỉ dẫn trực tiếp. Hai năm sau, năm 1958, khi GS Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học, Ông đã vững vàng trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn quan trọng khi mới 24 tuổi.

Từ đó tới nay, Ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau như: Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử Việt Nam cổ-trung đại, Khoa sử, Đại học tổng hợp Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa VN; Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội; Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam (từ 1988 đến nay); Ủy viên Hội đồng Học hàm Nhà nước. Chủ tịch Hội đồng liên ngành lịch sử-dân tộc, khảo cổ học (2 nhiệm kỳ); Uỷ viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia (nhiệm kỳ 1 và 2); Uỷ viên Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước; Phó Chủ tịch, Ủy viên Đảng đoàn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, trường Đại học KHXH & NV; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương; Ủy viên thường trực Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa VN, 1998-2001: Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, 2001-2006: Phó trưởng ban thứ nhất Ban biên soạn; Ủy viên Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học KHXH&NV; Ủy viên Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng liên ngành lịch sử-dân tộc-khảo cổ học ĐHQG HN; Uỷ viên Hội đồng Quốc gia về Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Lịch sử-Dân tộc-Khảo cổ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

 GS. Phan Huy Lê là một là một nhà khoa học có trí tuệ trác việt, tinh thần làm việc quên mình và năng suất lao động khoa học đáng kinh ngạc. Qua hơn 60 năm hoạt động khoa học, Ông đã công bố  trên 450 công trình nghiên cứu, gồm các sách và bài báo khoa học thuộc các lĩnh vực sử học, văn hóa học, văn bản học, xã hội học, khu vực học và nhiều lĩnh vực mang tính liên ngành khác. Ông có đóng góp trong việc phát triển nền sử học Việt Nam hiện đại, có công lớn đối với đất nước trong việc gia tăng các hiểu biết về con người, các vấn đề lịch sử, các miền quê của đất nước và truyền thống của người Việt Nam. GS đã có những đóng góp lớn trong việc nghiên cứu về các khu vực, các địa phương, đặc biệt là  đối với thành phố Hà Nội. Giáo sư đã các nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu về Thăng Long, về Hoàng Thành và nhiều vấn đề khác thuộc lĩnh vực Hà Nội học.

GS. Phan Huy Lê  là người đầu tiên xây nền đắp móng để hình thành nên ngành Việt Nam học tại Việt Nam và trên thế giới. Ông tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng trên thế giới, khởi xướng và tổ chức thành công nhiều Hội thảo Quốc tế Việt Nam học. Ông đã tạo dựng cho Việt Nam một nền Việt Nam học liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế. Ông được các đại học danh tiếng của các nước phát triển mời thỉnh giảng từ khi ông còn rất trẻ, như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)...  Ông đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Ông là người duy nhất của Việt Nam được nhận Giải thưởng quốc tế Văn hoá Á châu FUKUOKA (Nhật Bản); được tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), nhận Danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn thuộc  Cộng Hòa Pháp (2011)... Bằng con đường học thuật và giáo dục đào tạo, ông đã có đóp góp lớn trong lĩnh vực ngoại giao khoa học.

Giáo sư Phan Huy Lê là một nhân cách sử gia lớn, “Cây đại thụ” của nền sử học Việt Nam, người có ảnh hưởng sâu sắc, lan tỏa và dẫn dắt nhiều thế hệ nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ năm 1988 đến 2016, đồng thời là Chủ nhiệm đề án, Tổng chủ biên Bộ Quốc sử Việt Nam, Giáo sư đã thực sự là trụ cột, là ngọn cờ tập hợp giới sử học trong cả nước.

Giáo sư Phan Huy Lê là người trực tiếp tham gia và làm chủ nhiệm, tổng chủ biên các công trình, chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia như: Bộ Quốc sử Việt Nam, Bộ Lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam... Các công trình nghiên cứu của Giáo sư đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam. Ông được tôn vinh là chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, làm nổi bật tầm vóc của những chiến công chung của đất nước, đồng thời trở thành người đứng đầu trường phái sử học thực chứng với việc đề cao vai trò của sử liệu và các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử.

Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, Ông được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ tới lắng nghe tham vấn và Ông cũng đã  tham gia tư vấn cho nhiều chính sách quan trọng của đất nước.

Với sự nỗ lực và cống hiến không ngừng, Ông đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); chuyên gia cao cấp (2003); được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (2016), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1974, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (2010), Danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn Cộng Hòa Pháp (2011), Tiến sĩ Danh dự Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2016), Danh hiệu trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu (2015)...Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Tên tuổi, tài năng và nhân cách của Ông đã trở thành thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh của giới nghiên cứu lịch sử và là tấm gương sáng đẹp cho cả giới trí thức.

Giáo sư Phan Huy Lê đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển nhiều đơn vị và ngành nghề đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung, trực tiếp nhất là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Việt Nam học và khoa học phát triển. Tham gia xây dựng và đóng góp cho nhiều đường lối và chủ trương khoa học, giáo dục đào tạo quan trọng của ĐHQGHN ngay từ những ngày đầu thành lập tới nay.

Trong hoạt động giáo dục, ông xứng đáng được tôn vinh là bậc danh sư. Ông truyền thụ và dẫn dắt học trò nghiêm khắc mà nhân hậu, đòi hỏi mà bao dung, gợi mở, dẫn dắt và hỗ trợ tác thành. Ở ông có sự kết hợp của những phẩm chất bậc nghiêm sư truyền thống ôn nhu đôn hậu, bác văn ước lễ với nhà khoa học xuất sắc thời hiện đại. Hàng nghìn học trò được Ông dạy dỗ đã thành đạt và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo và quản lý ở trong và ngoài nước.

GS Phan Huy Lê là một người có tình yêu thương vô bờ bến đối với gia đình. Mặc dù tuổi cao sức yếu và bận rộn với trăm công nghìn việc, Giáo sư luôn dành thời gian để trực tiếp chăm sóc phu nhân trong những ngày đau ốm, đó là Bà Hoàng Như Lan - người bạn cùng tuổi, cùng lớp đại học, cùng ngành nghề, cùng chung chí hướng, người bạn đời son sắt, thủy chung hơn 60 năm nay. Căn hộ  khiêm nhường ở số 7 Vọng Đức, quận Hoàn Kiếm từ lâu đã trở thành địa chỉ đặc biệt của đại gia đình Sử học Việt Nam, với ba thế hệ Ông, Bà - con - cháu tiếp nối, trao truyền. Sự hài hòa giữa gia đình hạnh phúc và tầm cao sự nghiệp là một hạnh ngộ và cũng là một thành công đặc biệt trong cuộc đời giáo sư Phan Huy Lê. 

GS Phan Huy Lê là người luôn đau đáu với tình hình Đất nước và luôn làm hết sức mình tất cả những gì có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc. Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng sự khát khao được đặt chân đến vùng đất Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc  như tiếp thêm cho Ông niềm tin sẽ sớm hoàn thành các công trình khoa học mà Ông đang theo đuổi.

Vào ngày cuối tháng 5, khi mới từ Trường Sa về, sau khi nghe báo cáo kết quả biên soạn các bản thảo đầu tiên của bộ Quốc sử, GS Phan Huy Lê rất vui và tin tưởng cả 30 tập bản thảo sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Nào ngờ chỉ một tuần sau Ông đã phải nhập Viện và những cố gắng cao nhất, với những điều kiện và phương tiện tối ưu, các bác sĩ giỏi nhất cũng không thể níu giữ ông ở lại với chúng ta. GS Phan Huy Lê vô cùng kính yêu của chúng ta đã vĩnh viễn đi xa vào lúc 13 giờ 10 phút ngày 23 tháng 6 năm 2018 (tức ngày 10 tháng 5 Mậu Tuất), hưởng thọ 85 tuổi.

Kính thưa quý vị, thưa toàn thể tang quyến,

Sự ra đi của GS Phan Huy Lê là một tổn thất to lớn đối với đất nước, với ngành sử học, giới khoa học xã hội nhân văn Việt Nam nói chung, với nhiều cơ quan tổ chức mà giáo sư đã từng công tác và gây dựng, là một mất mát không thể bù đắp đối với và gia đình, dòng tộc, học trò, đồng nghiệp, bè bạn, người thân của giáo sư.

Kính thưa Anh linh GS Phan Huy Lê!

Vẫn biết tử sinh là tất yếu, nhưng sao lòng thắt khôn cầm. Xin anh linh Giáo sư hãy nhận từ tất cả chúng tôi sự tôn kính, những tình cảm yêu thương và xin được tri ân về tất cả những gì mà Ông đã tạo dựng cho đời.  Giáo sư đã đi xa nhưng cuộc đời, sự nghiệp, đức độ, thanh danh của Giáo sư chắc chắn sẽ còn mãi.

Xin kính cẩn vĩnh biệt Giáo sư. Cầu chúc cho anh linh của Giáo sư hạc giá vân du, an lạc vĩnh hằng.  

Kính thưa toàn thể tang quyến,

Trong giờ phút đau buồn này, thay mặt Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tất cả cán bộ viên chức hai  cơ quan, cùng bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ học trò của GS.NGND Phan Huy Lê, chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và xin gửi tới toàn gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.

Xin tất cả chúng ta dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân GS.NGND Phan Huy Lê và cùng đưa tiễn Ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Một phút mặc niệm Giáo sư Phan Huy Lê.

>>> Tin bài liên quan:

- [Ảnh+Video] Hàng ngàn người tiễn đưa Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê

- Giáo sư Phan Huy Lê từ trần

ĐHQGHN tiếp nối truyền thống đại học dân tộc từ ngàn xưa

GS. Phan Huy Lê: người kiến tạo nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa

GS. Phan Huy Lê được bầu là thông tín viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp)

Sách mới: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa – Tư liệu và sự thật lịch sử

Công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – tiếp cận bộ phận” - bước đột phá về lý luận và phương pháp nghiên cứu KHXH&NV

Hai công trình khoa học của ĐHQGHN nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ

GS. Phan Huy Lê tiết lộ chuyện phát hiện bản thảo 112 năm ở thư viện Pháp

Pháp vinh danh giáo sư Sử học Phan Huy Lê

GS. Phan Huy Lê giành giải lớn “Vì tình yêu Hà Nội”

Người phụ nữ phía sau GS. Phan Huy Lê

 

 

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ