Lễ kỷ niệm năm nay của Trường ĐHKHXH&NV là dịp hội ngộ nhiều thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý đã có những đóng góp và gắn bó với Nhà trường. Nhiều gương mặt nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng đã có mặt như: GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Nguyễn Kim Đính, GS.VS Nguyễn Duy Quý, GS. Vũ Dương Ninh, PGS. Lê Mậu Hãn, GS. Hoàng Trọng Phiến, GS. Lê Quang Thiêm, GS. Đào Thiện Thuật, GS. Nguyễn Thiện Giáp, GS. Hà Minh Đức, nhà giáo Đặng Thị Hạnh, nhà giáo Lê Hồng Sâm, GS. Hoàng Thị Châu...
Trong diễn văn chào mừng, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã phát biểu: “Nhà trường tri ân sâu sắc với các thế hệ nhà giáo có công xây nền đắp móng cho ngôi trường này, cảm ơn tình cảm gắn bó thân thiết và những đóng góp to lớn của các thầy cô vào sự nghiệp giáo dục của nhà trường”.
Ông cũng điểm lại những thành tích nổi bật mà Trường đã đạt được trong năm học vừa qua như: hoàn thành khoá đầu tiên đào tạo theo tín chỉ và tiếp tục triển khai các giải pháp đưa đào tạo tín chỉ đi vào chiều sâu; nghiệm thu hàng chục đề tài các cấp trong đó có 5 đề tài cấp nhà nước; tổ chức thành công 25 hội thảo, toạ đàm khoa học; duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 120 đối tác quốc tế, ký mới hàng chục văn bản hợp tác. Với những thành tích ấy, Trường đã vinh dự nhận Huân chương Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống.
Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến đội ngũ các thầy cô giáo Nhà trường, những người đã luôn nhiệt tình, thắp sáng ngọn đuốc tri thức, luôn gìn giữ và phát huy truyền thống Đại học Văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội để tiếp tục xây dựng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN thành một trung tâm đào tạo nghiên cứu KHXHNV hàng đầu cả nước.
Ông cũng chia sẻ một số thông tin vui về những thành công quan trọng mà ĐHQGHN đạt được: Năm học 2010-2011, ĐHQGHN được Đảng, Chính phủ và các cấp lãnh đạo đánh giá là đã phát triển đúng hướng. Nhờ phát huy được sức mạnh trên cơ sở liên thông liên kết mạnh mẽ giữa các đơn vị, ĐHQGHN đã trở thành một thực thể hữu cơ bền vững, giữ vững vị thế là trung tâm nghiên cứu đào tạo hàng đầu quốc gia. ĐHQGHN cũng đã khẳng định được uy tín quốc tế trên bản đồ khoa học thế giới khi có 4 lĩnh vực được xếp vào nhóm 200 các trường đại học tiên tiến của châu Á, trong đó có ngành khoa học xã hội và quản lý xếp thứ 157/200. Phó Giám đốc đánh giá: “Những kết quả đó một phần quan trọng là nhờ ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu lớn của các nhà khoa học cũng như những nỗ lực của Trường trong việc gia tăng các chỉ số quốc tế hoá”. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo thuộc Nhiệm vụ chiến lược với định hướng xây dựng các chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là năng lực sử dụng tiếng Anh của sinh viên để nghe các bài giảng bằng tiếng Anh.
Xác định đội ngũ cán bộ là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững của ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức đề nghị trong thời gian tới, Trường cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, bồi dưỡng các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, ĐHQGHN sẽ cùng với Nhà trường hỗ trợ và tạo điều kiện chuyển ngữ và xuất bản các công trình khoa học của các thầy cô ở phạm vi quốc tế nhằm mở rộng và lan toả tầm ảnh hưởng học thuật của các công trình này.
Nói về trọng trách vinh quang của nghề dạy học - nghề trồng người, GS. Vũ Dương Ninh - Chủ tịch Hội cựu giáo chức Trường ĐHKHXH&NV chia sẻ những kỷ niệm khó quên về một thời dạy và học trong bom đạn với nhiều khó khăn và thiếu thốn. GS cũng bày tỏ niềm tin tưởng rằng: với sức mạnh truyền thống, với kỹ năng được trau dồi, với tầm nhìn rộng lớn ra thế giới, đội ngũ các nhà giáo hiện tại của Trường sẽ là những người tiên phong đưa nền KHXH&NV nước nhà hội nhập với thế giới, đủ sức giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh trong tiến trình CNH-HĐH của đất nước.
|