Giám đốc Phùng Xuân Nhạ giới thiệu tới các đại biểu về truyền thống ĐHQGHN
|
Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban, Phụ trách Ban Chỉ đạo Chương trình Tây Bắc và đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài ĐHQGHN.
Nội dung buổi làm việc tập trung vào việc tóm tắt mục tiêu, ý nghĩa, định hướng và kết quả bước đầu của Chương trình Tây Bắc; giới thiệu với lãnh đạo các tỉnh trong vùng về một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm thuộc Chương trình Tây Bắc đã triển khai trong năm 2013 và năm 2014, đồng thời thảo luận việc phối hợp triển khai và chuyển giao, ứng dụng kết quả của Chương trình Tây Bắc phục vụ nhu cầu phát triển bền vững, lãnh đạo và quản lý của các địa phương trong Vùng.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi được giao chủ trì chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, ĐHQGHN đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tổng thể chương trình trên cơ sở mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm; thành lập hội đồng tư vấn, xác định nhiệm vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương.
ĐHQGHN đã thực hiện nhiều đề tài để ứng dụng vào các địa phương ở Tây Bắc, trong đó đặc biệt tập trung vào việc xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành và rà soát, phân tích, đánh giá hệ thống chính sách và chương trình mục tiêu đang được triển khai ở Tây Bắc. Đề tài này nhằm củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn hỗ trợ cho các nhà quản lý phát huy hiệu quả của các chính sách cũng như những hạn chế, bất cập.
Kết quả nghiên cứu của các đề tài nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng nội dung các văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp của các tỉnh trong vùng.
Chương trình tập trung tổ chức nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để khai thác tiềm năng và thế mạnh của Vùng, từ đó xây dựng các quy trình công nghệ và một số mô hình sinh kế cho đồng bào, phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương trong vùng; đồng thời, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm có cơ sở khoa học và các giải pháp tổng thể góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định: ĐHQGHN quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình này bởi ý thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình trước Đảng, Chính phủ, trước các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, đặc biệt là tình cảm và trách nhiệm trước đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.
Bên lề buổi làm việc, đồng chí Trương Xuân Cừ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa ĐHQGHN và các địa phương thuộc địa bàn Tây Bắc trong việc triển khai các đề tài khoa học và công nghệ nhằm phát triển bền vững Tây Bắc. Việc thực hiện triển khai các đề tài đã có những kết quả bước đầu, ứng dụng hiệu quả vào sự phát triển bền vững các địa phương thuộc vùng Tây Bắc. Đồng chí Trương Xuân Cừ hi vọng Chương trình sẽ có những bước đi mạnh mẽ và hiệu quả, thiết thực hơn trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ của buổi làm việc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã giới thiệu một số kết quả hoạt động nổi bật trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN trong năm vừa qua.
Vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây cũng là địa bàn sinh sống của trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó khoảng 63% là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc về việc tổ chức triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc", giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai.
Đây là chương trình KH&CN có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.
|
|