TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:25:42 Ngày 13/02/2015 GMT+7
Bốn giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Làm thế nào để kích thích giảng viên trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) trong môi trường Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, theo GS.TSKH Đặng Hùng Thắng: “Cần có 4 yếu tố: Tăng cường sự nhận thức của giảng viên, tác động và nuôi dưỡng các yếu tố tạo nên thành công trong NCKH, gắn kết giữa NCKH và đào tạo Tiến sĩ, tìm kiếm, khai thác những đề tài nghiên cứu mang tính chất đa ngành.

Tăng cường nhận thức của giảng viên

Trong một thập kỷ qua, có thể nói việc xếp hạng đại học toàn cầu đã đặt ra áp lực rất lớn lên tất cả các trường đại học trên thế giới. Chính phủ nhiều nước coi các trường đại học đẳng cấp quốc tế là biểu tượng cho sự giàu mạnh và niềm tự hào quốc gia. Hiện nay, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học trong đó có 3 bảng xếp hạng được nhiều người quan tâm nhất.

Bảng xếp hạng World University Rankings do Tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn (gọi tắt là bảng THE). THE xếp hạng 400 đại học thế giới (Top 400).

Bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universites do Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đánh giá (gọi tắt là bảng Thượng Hải). Bảng này xếp hạng 500 đại học thế giới (Top 500).

Bảng xếp hạng World University Rankings do Công ty Quacquarelli Symonds (Anh) bình chọn (gọi tắt là bảng QS). QS có 3 bảng xếp hạng riêng: Bảng thứ nhất là xếp hạng 600 đại học thế giới. Bảng thứ hai là xếp hạng 300 đại học châu Á. Bảng thứ ba xếp hạng 300 đại học Mỹ - Latinh.

Các bảng này sử dụng những tiêu chí khác nhau với những trọng số khác nhau để đánh giá và xếp hạng đại học. Các tiêu chí này kết hợp và tương tác lẫn nhau hướng tới mục tiêu sản xuất ra 3 nhóm sản phẩm chính của một đại học đẳng cấp quốc tế gồm:

+ Sinh viên tốt nghiệp với trình độ cao, có khả năng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới.

+ Kết quả nghiên cứu đỉnh cao, thể hiện qua số lượng bài báo quốc tế, sách chuyên khảo, bằng phát minh, sáng chế.

+ Kết quả chuyển giao tri thức và công nghệ để giải quyết những vấn đề lớn hoặc đóng góp cho đất nước.

Tất cả các bảng xếp hạng này đều đặt nặng vấn đề nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Tiêu chí NCKH được gắn trọng số cao, khoảng 60%. Do vậy yếu tố quyết định thứ hạng của các đại học là NCKH. Bởi lẽ, thứ nhất, nghiên cứu khoa học là để phát triển khoa học, để biết thêm, hiểu sâu hơn. Đại học nghiên cứu là nơi sản xuất ra tri thức khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Đại học là “ngôi đền của khoa học”. Thứ hai, việc nghiên cứu của Đại học có ảnh hưởng tích cực đối với việc giảng dạy và học tập. Nghiên cứu làm tăng chất lượng cho giảng dạy, đưa vào giảng dạy những hiểu biết mới. Với sự tiến triển nhanh của khoa học, một giảng viên không làm nghiên cứu sẽ như một cái băng đĩa, cứ tua đi tua lại những kiến thức cũ có khi đã hết giá trị. Thứ ba, nghiên cứu phục vụ cho công tác đào tạo sau đại học: Nếu chính bản thân giảng viên không nghiên cứu, làm sao có khả năng hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ?

Theo bảng xếp hạng QS châu Á năm 2014 trong top 300: Việt Nam có 03 đại học: ĐHQGHN xếp hạng 161 - 170. ĐHQG TP.HCM xếp hạng 191 - 200. ĐTrường ại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng 251-300. Singapore có 02 đại học: NUS xếp thứ nhất và NTU xếp thứ 7. Malayxia có 05 đại học ở các thứ hạng: 32; 56; 57; 66 và 145. Thái Lan có 04 đại học ở các thứ hạng: 40; 48; 92 và 134. Philippin có 02 đại học ở các thứ hạng: 63 và 115. Indonexia có 02 đại học ở các thứ hạng: 71 và 125.

ĐHQGHN được xác định là Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đạt chuẩn quốc tế với định hướng NCKH. NCKH được thừa nhận là một chức năng trọng yếu của ĐHQGHN. Mới đây ĐHQGHN công bố mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ lọt vào top 100 đại học châu Á trong bảng xếp hạng của QS và top 500 đại học thế giới trong bảng xếp hạng Thượng Hải. Mỗi giảng viên trong Trường ĐHKHTN cần nhận thức rằng mục tiêu này có đạt được hay không tùy thuộc rất nhiều vào thành tích nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của họ.

Tác động và nuôi dưỡng các yếu tố tạo nên thành công trong NCKH

Để đạt được thành công trong NCKH yếu tố số một là: có năng lực nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học là tìm tòi, phát hiện sáng tạo ra tri thức mới, công nghệ mới. Vì thế, năng lực nghiên cứu là khả năng sáng tạo, phát hiện cái mới; tư duy thoáng không rập khuôn, sao chép; khả năng đưa ra các giải pháp độc đáo và hiệu quả để giải quyết một vấn đề khó. Tuy nhiên yếu tố có năng lực nghiên cứu chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Nếu không có động lực nghiên cứu thì năng lực nghiên cứu sẽ không được kích hoạt, ngủ yên ở dạng tiềm năng. Có động lực nghiên cứu mới thôi thúc người ta nghiên cứu. Động lực càng mạnh mẽ thì năng lực nghiên cứu càng được phát huy tốt. Động lực nghiên cứu của một giảng viên, tùy thuộc vào mỗi người, có thể là: niềm đam mê, ham nghiên cứu tìm tòi cái mới, khát vọng muốn khẳng định bản thân, muốn hơn người khác, học hàm, học vị, lợi ích kinh tế,...

Công thức để dẫn đến thành công trong NCKH là Năng lực nghiên cứu + Động lực nghiên cứu + Môi trường nghiên cứu tốt = Thành công trong NCKH. Vậy cần phải đầu tư vào ba yếu tố này như thế nào?

Tạo động lực cho công tác NCKH: Hiện nay, vấn đề nan giải nhất và đau đầu nhất với Trường ĐHKHTN cũng như các đại học Việt Nam là: thu nhập của một giảng viên trẻ quá thấp, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của nhiều ngành nghề khác, khiến họ không sống nổi bằng lương. Mỗi tháng họ chỉ được lĩnh vài triệu đồng tiền lương, nếu may mắn có đề tài, thì tiền đề tài mỗi năm quyết toán có một lần, cầm được tiền cũng chỉ để thanh toán các khoản đã phải ứng ra từ trước. Những người không có đề tài thì phải xoay sang những việc khác để sinh tồn. Thêm vào đó, các giảng viên lại phải giảng dạy rất nhiều để một mặt tăng thu nhập, lo cơm áo gạo tiền, mặt khác đáp ứng nhu cầu của các đại học, các khoa mới mở thiếu giảng viên. Trong hoàn cảnh như thế, giảng viên còn đâu thì giờ, tâm trí và sức lực để làm nghiên cứu. Nhà trường phải cố gắng tăng thu nhập cho các giảng viên với nguyên tắc: thu nhập tăng thêm nhiều hay ít phải tùy thuộc vào kết quả công tác nghiên cứu. Giảng viên làm nghiên cứu có chất lượng, có công bố quốc tế phải có thu nhập tốt hơn so với giảng viên không làm nghiên cứu. Như thế mới công bằng và sự chênh lệch về thu nhập theo cách như vậy sẽ tạo ra động lực NCKH cho giảng viên.

NCKH ở Trường ĐHKHTN chủ yếu là Nghiên cứu cơ bản (NCCB). NCCB thì khó có thể thương mại hóa, khó bán ra thị trường. NCCB chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí từ các đề tài. Do vậy, Trường cần tăng kinh phí cho các đề tài đi đôi với việc đổi mới cơ chế xét duyệt và nghiệm thu, thanh quyết toán đề tài. Việc xét duyệt và cấp kinh phí đề tài cần nghiêm túc, minh bạch và được tiến hành bởi các hội đồng khoa học thực sự đảm bảo về chất lượng chuyên môn cũng như tính khách quan trong đánh giá. Việc nghiệm thu, thanh quyết toán nên theo cơ chế khoán sản phẩm. Sản phẩm đầu ra của một đề tài là quan trọng nhất, là thước đo hiệu quả của việc thực hiện đề tài. Cơ chế khoán sẽ giúp lược bỏ bớt những khâu trung gian, những thủ tục hành chính giúp cho các giảng viên tiết kiệm được thời gian và công sức để tập trung cho công tác nghiên cứu.

Cải thiện môi trường NCKH: Môi trường nghiên cứu gồm hai phần: phần cứng và phần mềm. Đối với các nhà khoa học thực nghiệm, phần cứng là các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu. Thiếu sự hỗ trợ của các phòng thí nghiệm thì khó lòng đạt được kết quả nghiên cứu tốt. So với các Đại học đẳng cấp quốc tế, nhiều phòng thí nghiệm của Trường còn chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên việc đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm hiện có cũng như đầu tư mới cần kinh phí rất lớn phải tiến hành từng bước, tùy thuộc vào nguồn tài chính của Trường. Trong khi đó đối với người làm nghiên cứu lí thuyết như toán học thì phần cứng chủ yếu là giấy, bút, một thư viện tươm tất và một chiếc máy tính được kết nối tốt với các kho dữ liệu qua intenet. Các phương tiện này không mấy tốn kém, Nhà trường có thể trang bị không quá khó khăn. Thành thử xét về phần cứng thì có thể nhanh chóng xóa đi sự khác biệt giữa giảng viên của Khoa Toán, Trường ĐHKHTN so với các Khoa Toán ở các trường đại học đẳng cấp trên thế giới. Tuy nhiên sự khác biệt lớn về môi trường NCKH nằm ở phần mềm: cơ chế tổ chức NCKH. Ở những đại học đẳng cấp, NCKH thường được tổ chức làm việc theo nhóm (team working). Trong khi đó ở Trường ĐHKHTN, mặc dù cũng đã hình thành những nhóm làm việc, nhưng về cơ bản vẫn là phương thức làm việc đơn độc, mỗi người theo đuổi một vấn đề riêng lẻ. Nghiên cứu được tổ chức theo nhóm là một xu thế chủ đạo trong NCKH hiện nay. Trong một nhóm nghiên cứu, mỗi thành viên có thể theo đuổi các bài toán khác nhau nhưng cùng hướng tới một mục tiêu, nằm trong một ngữ cảnh, một hướng nghiên cứu chung. Do đó, các thành viên trong nhóm có mối quan tâm gần gũi với nhau, từ đó có sự hợp tác, giao tiếp trao đổi, chia sẻ ý tưởng với nhau, học hỏi lẫn nhau. Tương tác và cộng tác, đó là phương thức làm việc của nhóm nghiên cứu. Thế mạnh của từng người sẽ được phát huy tối đa theo sự cộng hưởng lẫn nhau, còn điểm yếu thì lại được bù đắp. Năng suất, chất lượng hiệu quả nghiên cứu của từng thành viên sẽ tăng lên rất nhiều so với làm việc theo mục tiêu của từng cá nhân và sẽ được lũy tiến theo thời gian. Để hình thành nên nhóm nghiên cứu, điều kiện tiên quyết là phải có nhà nghiên cứu có năng lực uy tín, vạch ra hướng nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu rồi tập hợp quanh anh ta những đồng nghiệp cùng chí hướng. Chúng ta rất cần những “sếp” khoa học như vậy. Ngoài việc nuôi dưỡng và giữ chân những giảng viên đầu ngành là cán bộ cơ hữu của Trường, một giải pháp là kí hợp đồng với các nhà khoa học giỏi ở bên ngoài Trường để xây dựng nhóm nghiên cứu.

Gắn kết giữa NCKH và đào tạo Tiến sĩ

Gắn kết NCKH với đào tạo tiến sĩ (ĐTTS) là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. NCKH và ĐTTS có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nghiên cứu khoa học là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ và ngược lại, chương trình ĐTTS sẽ đặt ra những vấn đề mà NCKH phải đáp ứng. Sự tích hợp giữa NCKH và ĐTTS sẽ tạo ra lợi ích kép, là một mũi tên bắn trúng nhiều đích. Đối với NCS, động lực nghiên cứu là chuyện rõ ràng. Đối với thầy hướng dẫn, cho dù tiền thù lao cho công việc hướng dẫn NCS rất khiêm tốn, chỉ có vẻn vẹn 1,5 triệu đồng/năm, nhưng ông thầy vẫn muốn được hướng dẫn NCS để đào tạo người kế nghiệp mình. Ngoài ra, những quy định như muốn được xét chức danh GS phải hướng dẫn chính thành công ít nhất hai NCS, chủ nhiệm đề tài khoa học có NCS tham gia được ưu tiên khi xét duyệt cũng là một động lực khá mạnh cho thầy hướng dẫn. Việc yêu cầu luận án TS bảo vệ ở ĐHQG là phải có ít nhất hai bài báo liên quan đến nội dung chính của luận án được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín cấp quốc gia, quốc tế đã thúc đẩy cho thầy trò công bố nghiên cứu. Trong thời gian qua, các bài báo đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước là sản phẩm chung của thầy hướng dẫn và NCS chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng số các bài báo của các giảng viên trong trường. Kết hợp giữa NCKH và ĐTTS cũng là một phương pháp hiệu quả để tạo ra các nhóm nghiên cứu bao gồm người giàu kinh nghiệm nghiên cứu (thầy hướng dẫn), những nhà khoa học trẻ (những TS mới bảo vệ) những người mới chập chững bắt tay vào NC (các NCS).

Khai thác những đề tài nghiên cứu mang tính chất đa ngành

Theo truyền thống trước đây việc NCKH được tổ chức theo các chuyên ngành học thuật riêng lẻ, nhưng hiện nay ở những đại học tiên tiến, các NCKH được tổ chức theo các vấn đề hơn là theo các chuyên ngành. Vì bản chất của thế giới là phức tạp nên những vấn đề đó thường nằm ở ranh giới của nhiều khoa học, độ phức tạp của nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một ngành riêng lẻ, đòi hỏi sự tham gia giải quyết của một nhóm nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Chính vấn đề khoa học xác định cơ cấu nhóm nghiên cứu chứ không phải ý muốn chủ quan của nhóm nghiên cứu đặt ra vấn đề nghiên cứu. Ví dụ sự biến đổi khí hậu đặt ra vấn đề “Nghiên cứu về lỗ thủng của tầng ôzôn”. Nghiên cứu vấn đề này đòi hỏi một quá trình khoa học gồm ba bước. Bước 1: Thiết lập mô hình những quá trình vật lí và hóa học của hiện tượng này. Ở đây cần có sự hợp tác, bắt tay chặt chẽ của các nhà khoa học Trái đất, Vật lí, Hóa học, Cơ học chất lỏng và động lực học phi tuyến. Bước 2: Tiến hành thực nghiệm đo đạc trên thực địa để lấy dữ liệu. Bước 3: Kiểm nghiệm sự phù hợp của mô hình. Bước này đòi hỏi công cụ tính toán hiệu năng cao và phân tích dữ liệu, nó mang đậm bản sắc toán học, cần đến sự hợp tác của các nhà Toán học thuộc chuyên ngành Toán học tính toán và Xác suất - Thống kê.

Đó là bốn giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH trong Trường ĐHKHTN. Những giải pháp này có thực hiện được tốt và mang lại kết quả hay không phụ thuộc vào các nhân tố: con người, nguồn tài chính và cơ chế quản trị đại học, trong đó yếu tố con người là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất và có tính quyết định.

 GS.TSKH Đặng Hùng Thắng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ