Cây Tam thất tại Việt Nam Tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc, cây Tam thất có sự sinh trưởng và hoạt tính sinh học tốt, có thể được coi là một cây bản địa của Vùng. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về giao thông, về chế biến sử dụng, về phương thức tổ chức nên không phát triển được qui mô mà chỉ tồn tại dưới dạng trồng nhỏ lẻ tại một số địa bàn (Simacai, Lào Cai; Phó Bảng, Hà Giang). Tam thất là một cây thuốc quý, các bộ phận của cây đều có giá trị sử dụng làm thuốc điều trị các bệnh về tim mạch….., nhu cầu sử dụng trong nước cao và tiềm năng xuất khẩu lớn. Trên thực tế, Tam thất quý không kém Nhân sâm (về hàm lượng Saponin), thậm trí quý hơn về một số tác dụng sinh học đặc biệt. Thực tiễn phát triển cho thấy nhiều sản phẩm từ cây Tam thất đã được thế giới coi là thuốc chữa bệnh. Cây Tam thất thu hoạch sản phẩm chính sau khoảng 03 năm, nhưng nó cũng là cây cho thu hàng năm nhờ các sản phẩm phẩm phụ như lá và hoa. Các sản phẩm phụ này, hàng năm cho nguồn thu không dưới 50 triệu/ha. Theo dự toán của Trung tâm Khuyến nông Phó Bảng tỉnh Hà Giang, sau 3 năm trồng bình quân mỗi ha sẽ thu được khoảng 500 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí (chưa kể tới nguồn thu từ các sản phẩm phụ). Lá và hoa Tam thất được sử dụng để làm trà có giá trị cao. Tham gia thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm ở vùng Tây Bắc”, thuộc chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược là chủ nhiệm đề tài cho rằng: “tiềm năng của dược liệu Tâm thất cũng như đặc điểm lợi ích và các điều kiện thuận lợi khác là những lí do để nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đây là sản phẩm chủ đạo để nghiên cứu và đưa vào phát triển những sản phẩm liên quan. Việc phát triển bền vững dược liệu này không chỉ đem lại những giá trị về kinh tế như các sản phẩm đa dạng mà nó còn góp phần giải quyết tình trạng lao động cho người dân vùng cao” Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển bền vững dược liệu Tam thất Tuy nhiên để phát triển được một cách bền vững cần xây dựng được một thị trường tiêu thụ ổn định. Qua kinh nghiệm phát triển cây Nhân sâm của các nước châu Á, Nhóm nghiên cứu nhận thấy họ đã giải quyết được bài toán về sự phát triển bền vững cho cây thuốc quý. Ví dụ tại Hàn Quốc, đã triển khai được đồng bộ và toàn diện về các vấn đề như: Phát triển được các vùng chuyên canh, cung cấp sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn, tạo được niềm tin cho người sử dụng; Phát triển được các nghiên cứu cơ bản về cả trồng trọt, hóa thực vật, tác dụng sinh học, dược học,…Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tạo ra một nhu cầu lớn để duy trì phát triển nguồn cung. Các sản phẩm chính như: Vị thuốc Nhân sâm; thuốc từ Nhân sâm, mĩ phẩm, trà thuốc, nước uống bổ dưỡng… từng bước đưa cây Nhân sâm vào đời sống hàng ngày của nhân dân, tạo ra một nét mới về văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển bền vững dược liệu Tam thất còn gặp nhiều khó khăn như: việc khai thác tự nhiên quá mức của con người khiến nhiều cây thuốc quý khan hiếm, việc trồng cây thuốc theo quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư và người dân chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chưa có hàng rào kỹ thuật trong việc trồng hái, chế biến theo tiêu chuẩn tăng giá trị và mở rộng thị trường. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hải: “Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để bảo tồn, phát huy bền vững các loại dược liệu quý trên địa bàn cũng như kết hợp với một số các đơn vị trung tâm nghiên cứu cơ bản để đảm bảo quy trình sản xuất cũng như phát triển thương hiệu và chuyển giao tri thức cho các đơn vị. Bên cạnh đó, tìm hướng hợp tác quốc tế để nghiên cứu và phát triển cây Tam thất cũng rất quan trọng nhằm:Tăng giá trị khoa học cho các nghiên cứu; Quốc tế hóa các sản phẩm của đề tài; Mở ra các cơ hội hợp tác nhằm phát triển sản phẩm ra thị trường thế giới”. Đề tài “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm ở vùng Tây Bắc”, thuộc chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” còn đang nằm trong giai đoạn thiết lập và sẽ được nhóm nghiên cứu đầu tư triển khai chia theo từng giai đoạn 5- 10 năm. |