Tổng thống Cộng hòa Iceland thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên
Sáng 4/11/2015, tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Sau hội đàm, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc ĐH Reykjavík Ari Kristinn Jónsson đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác. Đây là văn bản thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa ĐHQGHN với một đại học của Iceland.
Trên cơ sở văn bản này, thời gian tới, ĐHQGHN và ĐH Reykjavík sẽ hợp tác trong các lĩnh vực: trao đổi sinh viên; trao đổi giảng viên và cán bộ; trao đổi thông tin nghiên cứu; hợp tác nghiên cứu, giảng dạy và các chương trình hợp tác văn hóa.
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo ĐHQGHN. Tại đây, ông cũng có buổi trò chuyện với sinh viên ĐHQGHN về chủ đề “Nền kinh tế Năng lượng sạch - Bài học của Iceland”.
Bày tỏ lòng cảm ơn trước sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo ĐHQGHN, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson khẳng định Iceland sẵn sàng tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức đào tạo trao đổi hợp tác với ĐHQGHN để tìm hướng hợp tác cho các chương trình cụ thể. Ông cũng khẳng định hợp tác giáo dục là một trong những ưu tiên của Iceland vì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai và ích lợi cho xã hội.
Camera
Canon EOS 6D
Focal Length
28mm
Aperture
f/7.1
Exposure
1/180s
ISO
500
Phát biểu tại buổi tiếp, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho rằng chuyến thăm của Ngài Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Ông tin rằng chương trình hợp tác giữa ĐHQGHN với ĐH Reykjavík dưới sự chứng kiến của Ngài Tổng thống và Chủ tịch nước Trương Tấn sang không chỉ thúc đẩy giao lưu văn hóa, khoa học giữa hai đại học mà còn góp phần phát triển quan hệ song phương và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Iceland.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hợp tác quốc tế và hợp tác trong nước là động lực chính tạo sự bứt phá trong việc phát triển các nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. ĐHQGHN luôn chủ trương ưu tiên phát triển hợp tác lâu dài, tin cậy với các đại học, các tổ chức khoa học và giáo dục có uy tín trên thế giới. ĐHQGHN chú trọng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện nay, Iceland là một trong những quốc gia tiên phong triển khai thành công nền kinh tế năng lượng sạch, mà nổi bật là năng lượng địa nhiệt. Tại buổi giao lưu với các sinh viên ĐHQGHN, Tổng thống Iceland đã chia sẻ Iceland là quốc gia giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng địa nhiệt như một nguồn năng lượng sạch và tái tạo trên thế giới. Làm chủ được công nghệ cao địa nhiệt, ngoài việc có được năng lượng sạch và bền vững, địa nhiệt còn góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi đổi khí hậu toàn cầu do năng lượng này không phát thải CO2 lên bầu khí quyển.
Thành công trong triển khai nền kinh tế năng lượng sạch đã giúp Iceland thay đổi và tạo bước đột phá lớn về kinh tế, xã hội. Iceland đã tự cung tự cấp tới 80% nguồn năng lượng quốc gia. Công nghiệp địa nhiệt cung cấp khoảng 90% sản lượng điện và 100% nhiệt sưởi ấm. Iceland phấn đấu trở thành quốc gia không phụ thuộc vào năng lượng tự nhiên như: dầu mỏ, khí đốt mà chỉ sử dụng năng lượng tái chế muộn nhất vào năm 2050.
Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson nhấn mạnhChính phủ Iceland sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên ĐHQGHN nói riêng đến học tập và nghiên cứu tại các trường đại học của Iceland, trong đó có ĐH Reykjavík.
Camera
Canon EOS 6D
Focal Length
24mm
Aperture
f/4
Exposure
1/60s
ISO
500
Đến học tập tại Iceland, cùng với việc cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, các lưu học sinh đến từ Việt Nam, trong đó có sinh viên ĐHQGHN sẽ có cơ hội thực tập, thực hành tại các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, công nghiệp đánh bắt hải sản và công nghệ thông tin là đối tác ĐH Reykjavík. Điều này sẽ giúp các sinh viên mau chóng trưởng thành trên con đường khởi nghiệp, đóng góp vào sự phồn thịnh của hai quốc gia - Iceland và Việt Nam.
ĐH Reykjavík được thành lập bởi Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Iceland năm 1998, là đại học lớn thứ 2 của Iceland. Đây đồng thời là ĐH lớn nhất trong hệ thống đại học ngoài công lập của nước này.
ĐH Reykjavík có 4 trường ĐH thành viên: ĐH Kinh doanh, ĐH Khoa học Máy tính, ĐH Luật và ĐH Khoa học và Kỹ Thuật, với tổng quy mô đào tạo hơn 3.800 sinh viên.
Các trường ĐH thành viên đều có trung tâm và viện nghiên cứu đào tạo bậc tiến sĩ liên quan đến các lĩnh vực: công nghiệp năng lượng, công nghiệp đánh bắt hải sản, công nghệ thông tin...
ĐH Reykjavík chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế thông qua một số hoạt động như: đổi mới trong nghiên cứu và đào tạo, tiếp cận các sáng chế và công nghệ mới, tham gia các khu vực và nhóm nghiên cứu, giáo dục thường xuyên.