Tham dự hội thảo có Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Cảnh Việt, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Thanh Thu; đại diện Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; Chủ tịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng; Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Bùi Minh Sơn; Phó Bí thư Thường trực – Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, đại diện cho các địa phương, các nhà khoa học đến từ ĐHQGHN và một số cơ quan liên quan. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước Phát triển bền vững vùng Tây Bắc cùng với trách nhiệm xã hội cao, ĐHQGHN đã phát huy thế mạnh nghiên cứu liên ngành, huy động hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học trình độ cao để tập trung triển khai Chương trình Tây Bắc đạt kết quả tốt nhất, đúng với kì vọng của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của đồng bào Tây Bắc. Sau hơn 3 năm triển khai, từ các nghiên cứu điều tra tổng thể các lĩnh vực, rà soát đánh giá chính sách, nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội của các tỉnh trong vùng Tây Bắc, chương trình Tây Bắc đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu bên cạnh những đề xuất chính sách phục vụ phát triển và tư vấn trong xây dựng chiến lược và qui hoạch và trọng tâm phát triển của các địa phương vùng Tây Bắc; đề xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học bước đầu được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và đặc biệt các địa phương đánh giá cao. Một số nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao trong thực tiễn; một số khác thì tiếp tục được các nhà khoa học thực hiện theo đặt hàng của các địa phương. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc liên kết và phát triển vùng, liên kết giữa các địa phương đang đặt ra những nhu cầu bức thiết mà khoa học và công nghệ là chìa khóa giải quyết. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, sau khi chương trình khoa học công nghệ phát triển vùng Tây Bắc được triển khai, đã có nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp được thực hiện theo đặt hàng của các địa phương. Đến nay một số đề tài nghiên cứu đã kết thúc và có kết quả được ghi nhận tại địa phương. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, nội dung các sản phẩm của Chương trình Khoa học công nghệ Phát triển bền vững Tây Bắc sẽ đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của từng địa phương vùng Tây Bắc. "Bộ Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm, ủng hộ gắn bó chặt chẽ với vùng Tây Bắc, chúng tôi mong muốn đóng góp cao nhất và đưa được các kết quả khoa học công nghệ để phát triển bền vững" - Thứ trưởng nhấn mạnh. Bí thư tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh Bí thư tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho rằng, liên kết vùng và ứng dụng khoa học công nghệ là những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các địa phương thuộc vùng Tây Bắc. Thế mạnh của các tỉnh Tây Bắc gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch,... Để tạo nên các giá trị gia tăng và khai thác bền vững những thế mạnh này chỉ có thể là áp dụng các tiến bộ của khoa học và công nghệ. Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ bày tỏ sự đồng tình với các vấn đề mà ĐHQGHN đề ra, vấn đề liên kết vùng là rất quan trọng nhưng để các địa phương thực hiện được liên kết này trong thực tiễn có nhiều khó khăn. Trong khuôn khổ của hội thảo, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đã có báo cáo đề dẫn nêu lên những thuận lợi, khó khăn, mô hình liên kết vùng và ngành của Tây Bắc. Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, khó có giải pháp nào để triển khai việc liên kết giữa các địa phương mà mọi bên đều thấy thỏa đáng. Chúng ta nên xuất phát từ những vấn đề cụ thể của các địa phương để đặt ra những mục tiêu liên kết trong vùng. Xác định việc liên kết giữa 3 nhà bao gồm nhà quản lí, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp phải gắn chặt với liên kết 3 nguồn lực của địa phương gồm nhân lực, tài chính và tài nguyên (cả vật thể và phi vật thể). Cho rằng liên kết vùng là phải có sản phẩm đặc trưng của vùng, bà Nguyễn Thị Thúy Phương - Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình dẫn một thực tế trong lĩnh vực du lịch – lữ hành. Tại các hội chợ du lịch trong nước, trong nhà Tây Bắc mỗi tỉnh lại bán sản phẩm của riêng mình mà không có một sản phẩm chung cho cả vùng Tây Bắc. Vì vậy, bà Thúy Phương cho rằng cần có những sản phẩm chung đặc trưng cho cả vùng và điều này cần sự vào cuộc thực sự của các cơ quan quản lí chuyên môn cùng các hiệp hội ngành nghề. Theo PGS. Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH&CN, ĐHQGHN: "Riêng đối với vùng Tây Bắc việc liên kết sẽ rất rộng vì vậy cần phải xác định được một vài đối tượng để liên kết, một vài nội dung liên kết. Tập trung bàn đến cách thực hiện và việc đầu tiên chúng ta cần triển khai là phải có cơ sở dữ liệu về các vùng Tây Bắc, xác định thế mạnh và nhu cầu cần cho việc liên kết". Các đại biểu dã nghe và nêu nhiều ý kiến nhằm tiếp tục đề xuất, thảo luận thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học công nghệ phục vụ đời sống sản xuất của người dân trong vùng Tây Bắc. Trong khuôn khổ hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Vũ Duy Bổng đã kí kết văn bản hợp tác giữa 3 bên, cam kết việc thực hiện đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu - triển khai và chuyển giao công nghệ cũng như quảng bá, xây dựng hình ảnh của các bên. Đây là văn bản hợp tác đầu tiên được kí kết giữa ĐHQGHN với đồng thời cả 2 đại diện của địa phương và doanh nghiệp. * Sáng ngày 4/11/2016, cũng tại Hòa Bình, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện lãnh đạo của ĐHQGHN đã tham dự Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng miền núi phía Bắc lần thứ 16. Chương trình khoa học và công nghệ Phát triển bền vững Tây Bắc cũng đã có gian trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ của Chương trình nhân Hội nghị giao ban KHCN này. Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Tất Thắng – Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo “Liên kết để phát triển bền vững vùng Tây Bắc”; PGS.TSKH Nguyễn Xuân Hải – Chủ nhiệm Khoa Môi trưởng, Trường ĐHKH tự nhiên đã trình bày những nghiên cứu về “Liên kết vùng phát huy lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp bền vững ở một số tỉnh vùng Tây Bắc” và đại diện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp đến các thông tin về “Liên kết vùng trong qyản lí tài nguyên, bảo vệ mồi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”. | |