TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 28/12/2020 GMT+7
Các nhà khoa học Khoa Quốc tế, ĐHQGHN nhận Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày 22/12/2020, tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khen thưởng 08 nhóm tác giả và 07 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Chương trình, trong đó có nhóm tác giả từ Khoa Quốc tế, ĐHQGHN.

Nhóm tác giả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế mạng thông tin cảm biến không dây đa chặng và xây dựng cổng thông tin tích hợp hệ thống quan trắc môi trường và một số yếu tố khí tượng thủy văn phục vụ giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai”, mã số BĐKH.30/16-20, do Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, PGS.TS. Lê Trung Thành làm Chủ nhiệm đề tài vinh dự là một trong 8 nhóm tác giả được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia mã số BĐKH/16-20. 

 

Chủ nhiệm Khoa Quốc tế PGS.TS. Lê Trung Thành, đại diện nhóm tác giả thực hiện đề tài nhận Bằng khen của Bộ Tài nguyên và  Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ

Đề tài“Nghiên cứu thiết kế mạng thông tin cảm biến không dây đa chặng và xây dựng cổng thông tin tích hợp hệ thống quan trắc môi trường và một số yếu tố khí tượng thủy văn phục vụ giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai” là 1 trong 43 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”, được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, với thời gian thực hiện là 36 tháng. Đây là đề tài cấp nhà nước đầu tiên do Khoa Quốc tế chủ trì, là dấu mốc khởi đầu sự hình thành phát triển về khoa học công nghệ của Khoa Quốc tế trên bản đồ khoa học Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng. Hiện nay, Khoa Quốc tế đang chủ trì 04 đề tài Nafosted; 04 đề tài cấp ĐHQGHN, cấp Bộ và tương đương; 02 đề tài cấp Sở KH&CN; 01 dự án ASEAN.

Dù gặp không ít khó khăn, trở ngại, thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện đề tài do đại dịch Covid-19, nhưng đến nay, Nhóm tác giả thực hiện đề tài cùng các đơn vị phối hợp như Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Trung tâm phần mềm GIS, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đồng bằng Bắc bộ, đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và sản phẩm khoa học công nghệ của đề tài.

Video tổng kết Chương trình

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; chủ động triển khai thực hiện và đưa các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường” giai đoạn 2016 - 2020.

 

Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng

Chương trình đã đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các kết quả nghiên cứu trong Chương trình, đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt như việc sửa đổi và trình thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sửa đổi Luật Đất đai. Chương trình cũng góp phần vào thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.

Chương trình đã chuyển giao các kết quả nghiên của các đề tài cho các bên liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình nói riêng và KH&CN nói chung phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chương trình đã giới thiệu các kết quả, sản phẩm của đề tài rộng rãi trong nước và quốc tế thông qua công bố 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus; 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước; xuất bản 12 sách chuyên khảo, tạo cơ hội phát triển hợp tác trong và ngoài nước.

Kết quả của Chương trình đã góp phần phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH ở nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, quản lý tài nguyên và môi trường thông qua đào tạo 99 thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo 48 tiến sĩ; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thông qua thực hiện các đề tài thuộc Chương trình với sự tham gia của 1.844 thạc sỹ, 980 tiến sĩ, 186 phó giáo sư, 38 giáo sư. Chương trình cũng đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung đề ra, nhiều kết quả nghiên cứu đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn.

Đối với đề tài BĐKH.30, PGS.TS. Lê Trung Thành cùng nhóm tác giả đã đã công bố 02 bài báo trên các tạp chí ISI/Scopus, 03 chương sách của nhà xuất bản InTechOpen là nhà xuất bản sách truy cập mở về Kỹ thuật, Công nghệ và Khoa học và Y học lớn nhất thế giới, 02 bài báo trên trong các tạp chí chuyên ngành trong nước, đào tạo 02 thạc sĩ chuyên ngành Điện tử viễn thông, hỗ trợ đào tạo 01 tiến sĩ ngành Địa lý tài nguyên môi trường.

Kết quả của đề tài qua đó đã góp phần đề xuất giải pháp khoa học công nghệ hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý của ngành khí tượng thủy văn. Đặc biệt trong việc theo dõi, đánh giá và dự báo các thay đổi về các yếu tố khí tượng, thủy văn, môi trường. Ngoài ra các công bố quốc tế từ kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần vào gia tăng năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà Khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới, cũng như hình thành nên các hướng nghiên cứu mới tại Việt Nam.

 

Nhóm tác giả chụp ảnh lưu niệm tại khu vực triển lãm sản phẩm và các kết quả chính của Chương trình

 

Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016-2020”, mã số BĐKH/16-20 được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 172/QĐ-BTNMT ngày 29/01/2016 với các mục tiêu sau:

1. Ứng dụng hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (ĐBSCL, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng).

2. Cung cấp luận chứng khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo, đồng thời đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.

3. Làm rõ quan hệ và lượng giá BĐKH, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình có 03 nội dung chủ yếu gồm:

(i) KH&CN phục vụ ứng phó với BĐKH;

(ii) KH&CN phục vụ quản lý TN&MT;

(iii) Nghiên cứu cơ sở khoa học những vấn đề tổng hợp, liên ngành, liên vùng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&MT.

 Đặng Thị Lý
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ