Học viên Nguyễn Mạnh Trí tại lễ khai giảng chương trình thạc sĩ "Luật hợp tác kinh tế và Kinh doanh quốc tế" khóa 21 tại Trường ĐH Luật, ĐHQGHN Học tập để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà Học viên Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, để đem kiến thức của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước, mỗi cá nhân cần kiên trì với mục tiêu mà mình đã lựa chọn, cần say mê, chăm chỉ và tập thói quen nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất đại học. Hành trình chinh phục tri thức là một quá trình liên tục từ nhỏ đến lớn, từ những kiến thức cơ bản đến những kiến thức khoa học hàn lâm. Từ đó mới có thể vận dụng được các kiến thức đã học vào thực tế, cho dù thực tế đó chúng ta mới tiếp cận lần đầu tiên. “Tôi và các bạn đồng môn thuộc thế hệ sinh viên của những năm 60 của thế kỷ trước. Hồi đó thế hệ sinh viên chúng tôi thấm nhuần câu nói nổi tiếng của V.I. Lenin: “Học, Học nữa, Học mãi” mà ngày nay chúng ta đang tích cực hưởng ứng phong trào “Học tập suốt đời” - Học viên Nguyễn Mạnh Trí bày tỏ. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hiếu học, tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cá nhân ông cũng được kế thừa truyền thống quý báu đó của gia đình - nơi có nhiều thế hệ đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của nước nhà. Thời trẻ, cậu thanh niên Nguyễn Mạnh Trí yêu thích và say mê các môn Khoa học Tự nhiên. Với những kiến thức được trang bị tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Mạnh Trí từng đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò của mình, “nhiều người trong số họ đã thành công trong sự nghiệp”, ông cho biết. Làm việc trong ngành sư phạm một thời gian, Nguyễn Mạnh Trí được điều động sang hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương. Để phục vụ cho công việc, ông tiếp tục học tại Trường ĐH Ngoại thương, sau đó tu nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Plekhanov, Moskva (LB Nga). Quá trình này giúp Nguyễn Mạnh Trí được trang bị kiến thức chuyên môn về thương mại quốc tế. Năm 2005, ông nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Thời gian này ông tập trung đọc và nghiên cứu những vấn đề về văn hóa và xã hội. Năm 2019, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh – Trưởng Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật ĐHQGHN đã giới thiệu ông đăng ký học chương trình đào tạo cử nhân Luật. Tháng 6/2022, ông tốt nghiệp cử nhân Luật với tấm bằng loại Giỏi. “Trong quá trình học tập tại Khoa Luật, tôi nhận thấy các kiến thức này rất hấp dẫn và bổ ích trong cuộc sống của mình và hữu ích cho xã hội. Chúng ta đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường và chủ động hội nhập với thế giới trong nhiều lĩnh vực, do đó, hệ thống pháp luật của nước ta cũng cần tương thích, hài hòa với các quy định của các cam kết và thông lệ quốc tế. Quá trình hội nhập về kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước, mọi tranh chấp phát sinh đều cần được giải quyết trên nền tảng của Luật pháp quốc tế chứ không thể giải quyết dựa trên sự đe dọa hay sử dụng vũ lực. Nắm vững luật pháp quốc tế là một vũ khí quan trọng và sắc bén để bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước, chủ động hội nhập và khiến cho các nước khác phải tôn trọng” – ông Nguyễn Mạnh Trí chia sẻ. Ông quan niệm, thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, sự phát triển, thịnh vượng của đất nước phụ thuộc phần lớn vào việc thế hệ trẻ học tập, tiếp thu, kế thừa các kiến thức của các thế hệ đi trước. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, vai trò của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo ngày càng quan trọng. Đây là những lĩnh vực mà các thế hệ trẻ Việt Nam có thế mạnh, cần liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức mới. Biến thách thức thành cơ hội Đến với ngành Luật một cách tình cờ rồi thích thú và đam mê lĩnh vực tưởng chừng khô khan ấy lúc nào không hay, ông Nguyễn Mạnh Trí quyết định tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ Luật hợp tác và kinh doanh quốc tế. Ông cho hay, chương trình mà ông đang theo học là chương trình đào tạo liên kết quốc tế giữa Trường ĐH Luật, ĐHQGHN với 3 trường đại học có uy tín của Cộng hòa Pháp (ĐH Bordeaux, ĐH Toulouse 1 và ĐH Lyon 3), được thực hiện rất thành công từ năm 2001. Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp với gần 20 môn học chuyên sâu về thương mại quốc tế. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy và quản lý là các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm từ Việt Nam và Pháp. Điều đặc biệt là đa số học viên của chương trình là sinh viên quốc tế, chủ yếu đến từ Pháp và một số nước trong khu vực. Ở tuổi 77, theo học bậc thạc sĩ đã là một sự nỗ lực, cố gắng lớn, chưa kể chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp thì thực sự là một thử thách không hề nhỏ đối với ông Nguyễn Mạnh Trí. Tuy nhiên, với ông, đây là cơ hội để ông trau dồi và nâng cao vốn tiếng Pháp đã được tích lũy từ hơn 50 năm trước. Ông cho rằng, giảng viên Trường ĐH Luật, ĐHQGHN đã truyền thụ kiến thức tới các sinh viên, học viên bằng phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn. Ông chia sẻ: “Tôi đặc biệt ấn tượng với một số thầy cô tại Trường ĐH Luật như: cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, cô Nguyễn Bích Thảo, cô Ngô Lan Hương, cô Nguyễn Thị Xuân Sơn, thầy Nguyễn Tiến Vinh, thầy Nguyễn Giang Nam, thầy Trần Kiên…”. Ông Nguyễn Mạnh Trí cũng cho biết thêm, việc tham gia các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế do Trường ĐH Luật tổ chức với nhiều nội dung hấp dẫn, thiết thực đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Đây là cơ hội tốt để người học có thể trau dồi kỹ năng nghiên cứu khoa học của bản thân ngay trong quá trình học tập tại Trường. “Dấu ấn khó phai của một học viên có tuổi đời như tôi là được theo học và trải nghiệm tại một môi trường đào tạo Luật học uy tín, chất lượng cao, hội tụ nhiều giáo sư đầu ngành, đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn về khoa học pháp lý. Chặng đường học tập còn đang ở phía trước và tôi sẽ cố gắng để hoàn thành với kết quả tốt nhất”, ông Nguyễn Mạnh Trí bày tỏ quyết tâm. |