TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 08:53:38 Ngày 05/11/2023 GMT+7
Trường Đại học Giáo dục: Mong muốn kết nối các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực đào tạo tài năng, chất lượng cao
Sáng 4/11/2023, tại Hòa Lạc, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến Đầu tư ĐHQGHN, Trường ĐH Giáo dục đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Đầu tư cho giáo dục, đào tạo tài năng và chất lượng cao”. Hội nghị thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, đối tác của nhà trường tham dự.

 

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Phát hiện bồi dưỡng các tài năng, thu hút trọng dụng người tài vào các vị trí lãnh đạo quản lý các cấp là một trong những nội dung quan trọng được Đảng ta đặt ra. Để tạo ra những đột phá trong việc phát hiện, thu hút trọng dụng nhân tài, cần xây dựng hệ tiêu chí xác định nhân tài, có tiếp cận dài hạn trong bồi dưỡng phát triển nhân tài và tạo các cơ chế chính sách để trọng dụng, bổ nhiệm họ vào các vị trí lãnh đạo quản lý.

Với mục tiêu giới thiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước về các dự án, giới thiệu tiềm lực nghiên cứu, ý tưởng sản phẩm đào tạo giáo dục, hội nghị chuyên đề lần này cũng nhằm kết nối các nhà đầu tư với các nhà giáo dục. Các hạng mục xây dựng lần này có thể kể đến như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các viện nghiên cứu khoa học, các dự án mang lại giá trị thương mại, tiềm năng cho đầu tư, giúp các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục tăng uy tín và vị thế, cũng như đảm bảo cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài của ĐHQGHN với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đã ghi nhận kết quả đã đạt được trong thời gian quan của Trường ĐH Giáo dục, đặc biệt là năm 2023, lĩnh vực giáo dục của Nhà trường lần đầu tiên được xếp hạng và đạt thứ hạng 401-500 của thế giới.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 do ĐHQGHN tổ chức là cơ hội để Trường ĐH Giáo dục kêu gọi xúc tiến đầu tư đến với ĐHQGHN trong đó có Trường ĐH Giáo dục. Với những lợi thế tri thức, lợi thế về cơ sở vật chất, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, ĐHQGHN sẵn sàng hợp tác và triển khai các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo tài năng chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN Nguyễn Quý Thanh chia sẻ, Trường ĐH Giáo dục sẵn sàng hợp tác và xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là Edtech. Nhà trường luôn coi tri thức là sản phẩm của giáo dục, có tri thức, con người có hiểu biết về tự nhiên, xã hội, khoa học và công nghệ, là động lực giúp chúng ta xây dựng xã hội văn minh, đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng và phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống. Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai bởi giáo dục, với mục tiêu đào tạo con người sẽ đem lại nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, phục vụ công cuộc kiến tạo và đổi mới chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của đất nước. Trong xu thế phát triển nền kinh tế thị trường tri thức như ngày nay, giáo dục và đào tạo tài năng chất lượng cao càng phát huy hơn nữa tầm quan trọng của mình.

Khi xu hướng Edtech (ứng dụng khoa học và công nghệ) diễn ra, Trường ĐH Giáo dục nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi khi là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước thành lập Khoa Công nghệ Giáo dục và mở ngành đào tạo cử nhân Công nghệ Giáo dục nhằm đào tạo và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các ứng viên có khả năng sáng tạp và phát triển các sản phẩm công nghệ giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ trong giáo dục.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Giáo dục mong muốn kết nối và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, khai thác hiệu quả của các đề tài nghiên cứu có yếu tố công nghệ thông tin, phát triển chương trình số và xây dựng các sản phẩm công nghệ giáo dục nhằm mục đích đẩy mạnh tính sáng tạo và ứng dụng thực tiễn trong giáo dục và đào tạo trong nhà trường. Một số sản phẩm ứng dụng như: tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sinh viên, tư vấn tâm lý giáo dục trực tuyến, trợ lý giảng dạy ảo, hệ thống trắc nhiệm thích ứng với từng cá nhân người học… là những sản phẩm khoa học công nghệ thông minh được các nhóm nghiên cứu là các giảng viên Trường ĐH Giáo dục xây dựng và phát triển nhằm phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục trong nhà trường nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nước nói chung.

Đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các trường ĐH thành viên, đặc biệt là các Viện, Trung tâm nghiên cứu cao cấp trực thuộc ĐHQGHN là các dự án tiềm năng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Hiệu trưởng cho rằng, các dự án không chỉ mang lại giá trị về mặt thương mại mà còn giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực giáo dục gia tăng uy tín và vị thế, cũng như đảm bảo cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững giữa ĐHGQHN nói chung và Trường ĐH Giáo dục nói riêng với các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi về ba nội dung chính: xây dựng cơ sở trường học mới phục vụ cho giảng dạy, giáo dục và thực hành, xây dựng khu trải nghiệm cho sinh viên và khu trung tâm quốc tế. 

Hội thảo diễn ra với nhiều nội dung xoay quanh mô hình giáo dục và đào tạo tài năng; Chuyển đổi số, AI và các công nghệ hội tụ trong giáo dục và đào tạo tài năng; Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; Kinh nghiệm về đào tạo tài năng trong mô hình trường chuyên, trường năng khiếu, THPT thực hành và giới thiệu quy hoạch và cơ hội đầu tư vào các hạng mục của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cũng có bài báo cáo về mô hình giáo dục và đào tạo tài năng: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam. Báo cáo chỉ ra các mô hình nhận diện và phát triển tài năng trên thế giới và đưa ra các chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng tài năng. Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng chỗ, đúng lúc”.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết, chỉ 3% dân số có cơ hội trở thành tài năng, nhưng có không nhiều trong số tài năng ấy thực sự trở thành nhân tài. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 74/132 thế giới về xếp hạng giáo dục và đào tạo tài năng theo bộ chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2022 dựa trên 6 tiêu chí: Attract (Thu hút nhân tài); Grow (Phát triển nhân tài); Retain (Giữ chân nhân tài); Enable (Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài); VT skills (Kỹ năng kỹ thuật và đào tạo nghề); GK skills (Kỹ năng tri thức toàn cầu). Tài năng/nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, do đó cần có một phương thức nhận diện tài năng ngay từ sớm.

Dựa trên các đặc điểm nhận diện tâm lý của tài năng/nhân tài thông qua quan sát, PGS.TS. Trần Thành Nam đã chỉ ra những năng lực và phẩm chất đặc trưng: sự phát triển dựa trên việc coi trí lực ưu tú là trung tâm, trẻ ưu tú thường chia thành hai loại: một loại là trẻ ưu tú khác thường, trí lực toàn diện, còn một loại là trẻ ưu tú đặc biệt trong lĩnh vực đặc thù như toán học, âm nhạc, mỹ thuật, thể thao v.v

Trên thế giới, hệ thống nhận diện những học sinh ưu tú, nhân tài tiềm năng trên thế giới đã được phát triển qua các trắc nghiệm về trí tuệ IQ, trí tuệ cảm xúc EQ, chỉ số vượt khó AQ, chỉ số đam mê PQ, chỉ số sáng tạo CQ, chỉ số đam mê, thiên hướng nghề nghiệp… (1.5 – 2% xuất sắc nhất). Dường như Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá toàn diện và đầy đủ cho việc nhận diện và phát triển tài năng trên thế giới, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Ông Trần Thành Nam cho rằng, ĐHQGHN với vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng cần đưa ra được mô hình đào tạo cho các học sinh tài năng; huấn luyện phương pháp giáo dục cho học sinh tài năng, vạch ra chương trình, kiến tạo môi trường giáo dục tài năng cho sinh viên. Cần có hệ thống xác định đánh giá toàn diện để phát hiện tài năng, tiềm năng sớm; có các hệ thống để theo dõi và đưa ra các chương trình giáo dục cá nhân hoá với hệ thống đánh giá linh hoạt để thích ứng với từng cá nhân tài năng. Từ đó, PGS.TS. Trần Thành Nam đưa ra để xuất xây dựng hệ thống tuyển chọn học sinh tài năng.

Hệ thống trắc nghiệm tâm lý tự động do PGS.TS. Trần Thành Nam và nhóm nghiên cứu thực hiện là sản phẩm khoa học ứng dụng dựa trên định hướng đánh giá 8 năng lực cốt lõi của trí thông minh. Hệ thống đã được đưa vào đánh giá trên diện rộng và liên tục nâng cấp, hoàn thiện  hệ thống.

Tại hội nghị, TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục đã trình bày bài báo cáo về Chuyển đổi số, AI và các công nghệ hội tụ trong giáo dục và đào tạo tài năng. Báo cáo nêu rõ về khung chuyển đổi số giáo dục phổ thông, mong muốn với sự trợ giúp của công nghệ, giáo dục thông minh cần phải tạo được một phương thức giáo dục mới hoàn toàn về chất.

 

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ