Hào khí, khát vọng dân tộc là tình cảm, nhưng cũng là niềm tin duy lý, khi được khơi dậy và phát huy sẽ trở thành lý tưởng và ý chí của toàn dân (Tác phẩm: "Ý Bác lòng dân" của họa sĩ Trần Nguyên Đán, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) _Ảnh: Tư liệu Nhớ lại 75 năm trước, ngay trong tháng 9-1945, trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên khi nước nhà vừa giành lại quyền độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1). Tròn 20 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nhìn lại thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam dũng cảm và thông minh, đã làm được những điều tưởng chừng như không thể làm được, đã làm cho hiện thực lịch sử trở thành huyền thoại. Bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, dân tộc ta với hoài bão lớn và trí tuệ sáng tạo, sẽ có những ước mơ tưởng như huyền thoại và quyết biến những ước mơ ấy trở thành hiện thực lịch sử”(2). Trong một bài phát biểu gần đây, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3). Có thể nói, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta ngày nay là thành tựu trực tiếp của công cuộc đổi mới đất nước gần 35 năm qua, nhưng cũng chính là thành tựu chung đúc của quá trình đấu tranh không mệt mỏi để hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để dân tộc ta vươn lên tầm cao ý chí và khát vọng trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ, toàn cầu hóa và phát triển bền vững. Cơ đồ đất nước và khát vọng dân tộc trong lịch sử Có thể thấy, xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn chứng tỏ là một dân tộc có tính cố kết cộng đồng rất cao, có sức sống kiên cường và có khát vọng vô cùng mạnh mẽ. Nội dung của khát vọng dân tộc được thể hiện ra và trao truyền từ thế hệ trước tới các thế hệ sau dưới những hình thức khác nhau và với những nội dung cụ thể khác nhau - do các điều kiện lịch sử cụ thể quy định, song, bao trùm là các nội dung: độc lập, tự do, văn hiến và hùng cường. Những chứng cứ khảo cổ học đã cho thấy, từ thời sơ khai của lịch sử dân tộc - thời đại của các nhà nước sơ kỳ Văn Lang và Âu Lạc, tổ tiên người Việt Nam đã biết tổ chức một xã hội khá chặt chẽ, quy củ, dựa trên sự phát triển rực rỡ của nền văn minh sông Hồng. Những hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và nhiều loại trống đồng khác đều cùng tái hiện một cách sinh động các lễ hội của cư dân nông nghiệp - sông nước, phản ánh một xã hội đã có độ quần cư khá cao và sự tổ chức - phân vai khá rõ ràng, chặt chẽ. Sự hiện hữu của nhiều loại lưỡi cày bằng đồng là bằng chứng cho thấy, một nền nông nghiệp trồng lúa nước đã khá quy củ và phát triển. Bên cạnh đó, việc tìm thấy nhiều loại vũ khí khác nhau, từ những vũ khí thô sơ vốn là công cụ lao động, cho tới những vũ khí chỉ dành cho các chiến binh chuyên nghiệp, như mũi tên đồng ba cạnh, dao găm, lưỡi qua, mũi giáo,... đã chứng tỏ rằng vùng đất mà các cộng đồng người Việt cổ cư trú là nơi trù phú, và xã hội của những cộng đồng dân cư hẳn là khá thịnh vượng. Và có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến các vùng đất này luôn bị các thế lực ngoại xâm tìm cách xâm chiếm. Trong điều kiện lịch sử như vậy, tổ tiên người Việt Nam khi đó đã biểu đạt và gửi gắm những khát vọng của mình bằng các truyền thuyết, mà nếu bóc lớp vỏ bọc huyền ảo đi thì ở đó sẽ lộ ra những thông điệp nhân văn rất rõ ràng, chân thực. Đó là ý thức cùng chung nguồn cội, cố kết cộng đồng (truyện “Đẻ đất, đẻ nước”; “Lạc Long Quân - Âu Cơ”), khát vọng chinh phục và làm chủ thiên nhiên (truyện “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, truyện “Mai An Tiêm”), đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm (truyện “Thánh Gióng”, truyện “Cao Lỗ”, truyện “Nỏ thần”...). Tiếp đó, trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam vẫn không ngừng nuôi dưỡng khát vọng và nung nấu ý chí độc lập, tự do. Càng trong những điều kiện bị áp bức ngặt nghèo nhất thì lại chính là những lúc sức sống quật cường và khát vọng dân tộc càng được bộc lộ mạnh mẽ nhất. Đó là mùa xuân năm 40, khi Hai Bà Trưng “đầu voi phất ngọn cờ đào” khởi nghĩa, ngay tức khắc thủ lĩnh và nhân dân các châu, quận đều nhất tề hưởng ứng, chỉ trong thời gian ngắn đã đuổi được Thái thú Tô Định, đánh sập toàn bộ ách thống trị của nhà Hán. Hơn 200 năm sau, năm 248, noi gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu lại phất cờ khởi nghĩa. Sử sách không ghi, nhưng dân gian từ bao đời nay vẫn lưu truyền rộng rãi lời nói và khí phách của Bà Triệu: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở Bể Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”(4). Khát vọng ấy, ý chí và hùng khí ấy của Bà Triệu và nhân dân Giao Châu thuở đó đã làm át vía giặc phương Bắc, khiến cho tướng giặc là Lục Dận phải than rằng: “Hoành qua đương hổ dị / Đối diện Bà vương nan” (Cầm ngang ngọn qua mà đánh nhau với hổ thì dễ / Nhưng đương đầu với vua Bà thì thực khó thay)(5). Đến năm 540, Lý Bí đã lãnh đạo nhân dân Giao Châu vùng lên, một lần nữa lật nhào được ách thống trị phương Bắc, giành lại được quyền tự chủ. Ông lập ra vương triều mới, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Việc Lý Bí xưng đế và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân đã cho thấy rõ khí phách và khát vọng độc lập, trường tồn, sánh ngang phương Bắc của cha ông ta thuở đó. Thế kỷ X, sau chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng năm 938, xiềng xích Bắc thuộc hoàn toàn bị đập tan. Vị anh hùng tiêu biểu cho ý chí và khát vọng của dân tộc đã lãnh đạo nhân dân ta lập nên võ công hiển hách đó chính là Ngô Quyền - người được sử sách ghi nhận là “mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua”(6). Ông cũng là người đặt nền tảng cho sự phục hưng của đất nước sau thời kỳ Bắc thuộc. Trải qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, nền độc lập, tự chủ và thống nhất của đất nước ta ngày càng được củng cố thêm, đặc biệt là từ sau khi triều Lý được thành lập và quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La (năm 1010), mở ra vận thế mới cho nước Đại Việt - vận thế “rồng bay lên” đúng như tên gọi mới của Kinh đô Thăng Long. Cơ đồ và vận thế đất nước ngày càng vững bền là cơ sở để dân tộc Việt Nam bảo vệ nền độc lập, tự chủ của mình trên một tầm cao mới. Năm 1075, khi nhận được tin nhà Tống tập trung binh lực ở châu Khâm và châu Liêm giáp với biên giới, ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, vua tôi nhà Lý đã đủ bản lĩnh để thực hiện kế sách “tiên phát chế nhân” nhằm kiềm chế và đập tan mưu đồ xâm lược của nhà Tống. Năm sau, 1076, khi nhà Tống phát đại binh xâm lăng Đại Việt, giữa lúc cuộc chiến đang vào hồi quyết liệt thì bài “thơ thần” đã vang lên, thổi bùng khát vọng tự do, độc lập, hùng cường, sánh ngang Nam - Bắc của quân dân Đại Việt: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư, / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”(7). Bài thơ khuyết danh đó đã được lưu truyền trong sử sách như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Trải qua các triều đại Lý, Trần, thế nước ngày càng thêm bền vững, nền văn hiến Đại Việt ngày càng thịnh đạt, võ công hiển hách - với ba lần kháng chiến, đánh tan quân Mông - Nguyên xâm lược. “Non sông ngàn thuở vững âu vàng”(8). Đến đầu thế kỷ XV, sau sự thất bại của cuộc kháng chiến do cha con Hồ Quý Ly lãnh đạo, một lần nữa đất nước ta lại rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc phương Bắc. Vua nhà Minh đích thân ra lệnh cho Trương Phụ và những kẻ chỉ huy đội quân “Thiên triều” khi tiến vào xâm lăng Đại Việt: gặp bia phải phá bia, gặp sách phải tịch thu mang về Trung Quốc hoặc đốt bỏ, lùng bắt nhân tài đem sang phương Bắc. Mục đích của chính sách này không gì khác hơn là làm cho dân tộc Việt Nam quên đi nguồn cội, trừ bỏ tận gốc tảng nền văn hiến, để qua đó mà triệt tiêu khát vọng, thủ tiêu ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các bậc hào kiệt của nước Việt, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, kiên quyết vùng lên chiến đấu đã quét sạch được quân Minh ra khỏi bờ cõi. Trải qua thử thách khốc liệt đó, hào khí non sông và khát vọng dân tộc lại một lần nữa thăng hoa, trở thành động lực tinh thần vô cùng to lớn: “Xét như nước Đại Việt ta, / Thực là một nước văn hiến. / Cõi bờ sông núi đã riêng, / Phong tục Bắc - Nam cũng khác. / Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước, / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương. / Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt không bao giờ thiếu”(9). Non sông đất nước lại được tự do, dân tộc Việt Nam lại khôi phục được quyền tự chủ, bản sắc văn hóa được bảo tồn. Từ sau thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, cơ đồ, vị thế của Đại Việt ngày càng được củng cố và phát triển. Nền văn hiến dân tộc thăng hoa rực rỡ trên tảng nền của một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước được tổ chức quy củ; bờ cõi ngày càng được mở rộng về phía Nam, kéo theo các cộng đồng dân cư khác hội nhập bền vững và hòa bình vào cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngay cả khi đất nước rơi vào cảnh bị chia cắt, phân tranh, hết Lê - Mạc rồi lại Trịnh - Nguyễn, nhưng nội lực dân tộc vẫn không ngừng được bồi tụ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, Việt Nam đã thực sự là một cường quốc ở khu vực Đông Nam Á. Việc nhà Tây Sơn tuy còn non trẻ nhưng đã đủ sức nhanh chóng đập tan hai cuộc xâm lăng của quân Xiêm ở phía Nam (năm 1785) và của quân Thanh ở phía Bắc (năm 1789) đã cho thấy vị thế, sức mạnh và ý chí của dân tộc Việt Nam ở thời điểm đó. Lời “hịch” tương truyền được Hoàng đế Quang Trung phát đi trong lễ xuất quân trước Tết Kỷ Dậu (năm 1789) đã cho thấy khát vọng độc lập, tự do của dân tộc được bộc lộ ra dưới hình thức của một tuyên ngôn văn hóa chính trị: “Đánh cho để dài tóc! / Đánh cho để đen răng! / Đánh cho nó chích luân bất phản! / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn! / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”(10).
Lễ hội Đống Đa tưởng nhớ công lao to lớn của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ _Ảnh: Tư liệu Đến nửa sau thế kỷ XIX, do nhiều nguyên nhân đất nước rơi vào vòng nô dịch của thực dân Pháp. Lớp lớp người Việt Nam đã kiên cường vùng lên, với ý chí “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, quyết giành lại độc lập, tự do. Và lại một lần nữa, chính trong cuộc đấu tranh máu lửa đó, khát vọng dân tộc lại bừng sáng. Trong bối cảnh lịch sử mới, bên cạnh khát vọng cháy bỏng là quyết khôi phục lại quyền độc lập và tự do, dân tộc Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn khát vọng về một nước Việt Nam mới dân chủ, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu trong một thế giới cạnh tranh gay gắt “ưu thắng, bại liệt”. Đây là nội dung mới, là tầm cao mới của tầm nhìn và khát vọng dân tộc Việt Nam, trở thành ngọn cờ tư tưởng của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX do các nhà Nho cấp tiến lãnh đạo, với hai vị thủ lĩnh kiệt xuất nhất là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Tiếp nhận những ảnh hưởng của chủ nghĩa dân chủ tư sản phương Tây, tắm mình trong “mưa Âu gió Á”, thế hệ các nhà Nho cấp tiến đã nỗ lực “giải thoát” phong trào yêu nước Việt Nam khỏi những hạn chế cố hữu của khuôn khổ truyền thống, đặt cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh của thời đại, kêu gọi sĩ dân thức tỉnh, chủ động tiếp nhận những tinh hoa của văn minh phương Tây, nhất là nền giáo dục theo nguyên tắc “thực học” để xúc tiến “thực nghiệp”, tiến tới “tự cường”, tức là phải duy tân đất nước, phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tuy phong trào có lúc phân chia thành những xu hướng khác nhau (“bạo động” hay “duy tân”, “minh xã” hay “ám xã”) và bộc lộ ra dưới các hình thức khác nhau, như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục hay vận động cắt tóc, đổi trang phục,... nhưng ngọn cờ tư tưởng là thống nhất với hai mục tiêu tối hậu là độc lập dân tộc và duy tân đất nước. Người khởi thảo tác phẩm có thể được coi như cương lĩnh của toàn bộ phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX chính là Phan Bội Châu với cuốn “Tân Việt Nam” (năm 1907). Trong tác phẩm này, Phan Bội Châu đã dụng tâm, dụng trí làm rõ những vấn đề sau: Tại sao cần duy tân đất nước? Sự nghiệp duy tân đất nước cần đạt được những mục tiêu gì? Duy tân đất nước bằng những phương hướng và giải pháp nào? Thông qua việc làm rõ những vấn đề trên, đồng bào nước ta sẽ có được hình dung cơ bản về “Nước Việt Nam mới” sau khi duy tân thành công, thấy rõ được tiền đồ tươi sáng của đất nước và giống nòi, nhờ đó mà dũng cảm, nhiệt tình và cả quyết tham gia vào cuộc vận động Duy tân - Cứu quốc. Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì đây là bản cương lĩnh thể hiện rõ nhất khát vọng của dân tộc Việt Nam thời cận đại. Theo Phan Bội Châu, mục tiêu quan trọng nhất của công cuộc duy tân chính là xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, có đầy đủ chủ quyền quốc gia và là một nước Việt Nam cường thịnh. “Sau khi đã duy tân rồi, thì dân trí sẽ mở mang, dân khí sẽ lớn mạnh, dân quyền sẽ phát đạt; vận mệnh đất nước ta do dân ta nắm giữ (...) Chúng ta vinh thịnh đến thế, sướng biết chừng nào!”(11). Nước Việt Nam mới sẽ là một nước dân chủ và là một nước Việt Nam tự do. Đó chính là nền tảng chính trị, văn hóa, tinh thần, mở lối để Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế tầm vóc toàn cầu. Khát vọng là điều người ta mơ ước cháy bỏng, là cách người ta hình dung về tương lai, và trong bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX thì những điều Phan Bội Châu kỳ vọng hẳn không khỏi có chỗ lãng mạn, nhưng không phải là hoang tưởng chính trị. Tấm gương Nhật Bản và nhiều nước khác ở phương Tây vốn cũng là những nước kém phát triển nhưng nhờ duy tân mà đã trở thành cường quốc là minh chứng thuyết phục cho ước vọng hùng cường. Nền tảng của cơ đồ đất nước và khát vọng dân tộc nhìn từ lịch sử Nhìn lại có thể thấy, khát vọng thường trực, cháy bỏng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do, văn hiến và cường thịnh. Đó chính là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống, là yếu tố quy tụ khối đoàn kết và hội tụ sức mạnh toàn dân tộc, tạo nên tảng nền văn hóa chính trị cho cơ đồ đất nước. Cội nguồn của khát vọng đó, không trừu tượng, không ở nơi nào đó xa xăm trong các học thuyết chính trị, giáo lý tôn giáo hay là ý chí chủ quan của bất kỳ triều đại hay bậc “minh quân, thánh chúa” nào, mà nằm ở ngay trong những mong ước giản dị thường nhật của người dân đất Việt. Nhưng để toàn dân có được cuộc sống yên bình, no đủ, hòa thuận và vui vẻ thì không chỉ có “ơn trời mưa nắng phải thì” mà đất nước còn phải tránh được các tai họa ngoại xâm, nội loạn, tức là toàn dân tộc phải độc lập, tự do, và hơn nữa, người dân phải được bảo đảm những điều kiện cần thiết để lao động sản xuất, có được cuộc sống yên bình trong một xã hội thuận hòa, nhân ái. Kinh nghiệm lịch sử rút ra từ sự hưng vong của các triều đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX cho thấy, để đáp ứng được những ước muốn bình dị nói trên của người dân, để củng cố vững bền cơ đồ dân tộc và làm cho khát vọng dân tộc được thăng hoa, trở thành hào khí non sông hay không, thì nhất định phải có “chúa thánh, tôi hiền”. “Dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời) - ý thức được điều này, các vị “minh quân, thánh chúa” và các “hiền thần, lương tướng” đều ra sức chăm lo đến việc bảo đảm các điều kiện của nền nông nghiệp lúa nước. Để mùa màng bội thu, đích thân nhà vua và triều thần phải cử hành những nghi lễ quan trọng bậc nhất, như lễ tế đàn Xã Tắc, lễ cày ruộng Tịch điền; nhà vua cũng phải cắt đặt các vị triều thần giỏi giang trông coi việc đê điều (Đê hà chánh sứ), đốc thúc các quan lại địa phương chăm lo việc thủy lợi; tổ chức khai hoang, kiểm soát kỳ hào lý dịch, không để cho họ lộng quyền ức hiếp dân làng, hà lạm, nhũng nhiễu. Chẳng may khi gặp thiên tai, nhà vua có khi phải tổ chức cầu đảo, có khi phải sám hối để “vãn hồi lòng trời” cầu phúc cho dân... người dân tin rằng, khi nhà vua làm tốt được những công việc đó - thường là các vua đầu triều, thì thần dân no ấm, đất nước thanh bình, vang tiếng hoan ca. Trái lại, trong những khoảng thời gian lịch sử nào đó, khi mà vua, quan không chú tâm chăm lo đến đời sống của muôn dân, thậm chí còn gây ra những thói tệ đẩy dân vào cảnh đói rét, cơ hàn, phải xiêu tán, tha hương cầu thực, thì đó là lúc lòng dân ly tán, thiên hạ đại loạn. Trong điều kiện đó, nếu phải đương đầu với ngoại xâm hay nội phản thì xã tắc lâm nguy, vận nước không thể vãn hồi. Như thế, làm nên cốt lõi của khát vọng, tầm nhìn, ý chí dân tộc trong lịch sử Việt Nam không chỉ là triết lý an dân, vì dân, mà quan trọng hơn là tính tiên phong, dẫn đạo, mở đường cho dân tộc, cho Tổ quốc tiến đến một tương lai tươi sáng.
Thành phố Hồ Chí Minh sau gần 35 năm đổi mới _Ảnh: Tư liệu Khát vọng, tầm nhìn và ý chí dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh Sau khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, năm 1925 Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với hạt nhân là Cộng sản đoàn, bắt tay vào việc chuẩn bị về lý luận và tổ chức để tiến tới thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Thời gian từ năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc tập trung vào công tác đào tạo và huấn luyện những lớp cán bộ đầu tiên, giúp những thanh niên - trí thức Tây học trẻ tuổi phát triển tầm nhìn, tri thức lý luận, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và đặc biệt là rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng. Thông qua đó mà đưa lại cho họ niềm tin mới, tầm nhìn mới và khát vọng mới. Khảo sát kinh nghiệm cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đi tới kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. (...) Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(12). “Công nông là gốc cách mệnh”, phải làm cách mệnh “đến nơi” để dân chúng “được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật” - đó chính là nguyên tắc cốt lõi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và cũng là nền tảng triết lý chính trị của Đảng ta. Đó cũng là khát vọng của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh sinh tử để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Từ cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2-1930) với các mục tiêu: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập” gắn liền với việc: “Dân chúng được tự do tổ chức. Nam nữ bình quyền v.v...; Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”(13) đã cho thấy rõ khát vọng cháy bỏng của dân tộc được cụ thể hóa và nâng lên tầm cao mới trong đường lối của Đảng. Theo ngọn cờ tư tưởng đó của Đảng, dân tộc Việt Nam đã ngày càng đoàn kết chặt chẽ hơn, vượt qua các thử thách khốc liệt để “đem sức ta giải phóng cho ta”, khôi phục nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa Thu năm 1945. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các cấp chính quyền cách mạng. Người căn dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(14). Người còn đặt ra nguyên tắc chính trị cho chính quyền cách mạng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(15). Có thể thấy rất rõ rằng khát vọng dân tộc và ý chí chính trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa liên tục khát vọng và ý chí của lớp lớp thế hệ người Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Khát vọng và ý chí ấy đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết, góp phần tạo nên niềm tin sắt đá của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong suốt hai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt từ năm 1945 đến năm 1975. Trước lúc đi xa, lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp thêm cho đất nước, cho Đảng và nhân dân ý chí và khát vọng cháy bỏng, lớn lao: “Còn non, còn nước, còn người / Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”(16). Người còn tha thiết căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(17). Người cũng tiên lượng cả những khó khăn chồng chất của sự nghiệp xây dựng lại đất nước trong thời kỳ hậu chiến, và đưa ra lời chỉ dẫn đặc biệt: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(18). “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(19). Mục đích của việc chỉnh đốn lại Đảng là làm cho Đảng vững mạnh hơn, tương xứng với nhiệm vụ, vai trò là đảng cầm quyền, tiêu biểu cho ý chí và khát vọng của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(20). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nếu làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn đến mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng và nhân dân ta đã nỗ lực thực hiện những chỉ dẫn và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ đó mà cơ đồ đất nước ta ngày nay có thể nói là to lớn và vững chắc hơn bao giờ hết, vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế được khẳng định chắc chắn và không ngừng được cải thiện. Nhìn lại chặng đường đó, nhất là hành trình của đất nước từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay, có thể nhận ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Một là, bài học “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Đây là việc Đảng ta đã làm rất tốt trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền và trong các cuộc chiến tranh cách mạng. Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách, dân tộc Việt Nam đã lập được những kỳ công hiển hách trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong thời kỳ hậu chiến, không phải lúc nào bài học quy tụ sức dân, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được quán triệt và thực hiện có hiệu quả. Những sai lầm chủ quan trong thời gian 1975 - 1986 đã có lúc khiến cho lòng tin của nhân dân “bị xói mòn nghiêm trọng”. Nhận thức rõ khuyết điểm này, nên khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng đã nêu khẩu hiệu “Lấy dân làm gốc” và triển khai ba chương trình kinh tế lớn (lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu), thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ vậy, nước ta đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội với những khó khăn chồng chất của những năm đầu thời kỳ đổi mới. Ngay trong thời kỳ đổi mới, lại cũng có lúc, có nơi mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, giữa chính quyền với nhân dân và giữa cán bộ với nhân dân chưa tốt, thậm chí có cả những vi phạm nghiêm trọng. Khi đó là lúc xuất hiện những tình huống bất ổn, những “điểm nóng”, như ở Thái Bình những năm 1996 - 1997; ở Tây Nguyên, Tây Bắc và gần đây là ở Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), ở Đồng Tâm (Hà Nội)... Việc để xảy ra hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, thậm chí ở ngay trong các lực lượng vũ trang, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sa vào lối sống không lành mạnh, tham ô, tham nhũng,... đều góp phần tác động tiêu cực đến lòng tin của nhân dân vào chế độ, vào tiền đồ của đất nước. Trước tình hình đó, trong từng thời kỳ và đối với từng loại vấn đề, Đảng ta đã có những quyết sách phù hợp, đúng đắn. Những chính sách kinh tế đột phá, kịp thời và đúng đắn, như chính sách khoán trong nông nghiệp, các chính sách chống lạm phát, từ chủ trương phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần đến phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, mở cửa, phát triển năng lực cạnh tranh,... đã không chỉ đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng đói nghèo mà còn trở thành một nước đang phát triển đầy năng động với những nỗ lực thu hẹp khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với những chính sách đổi mới ngày càng đồng bộ và sâu rộng trên các lĩnh vực, cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, đấu tranh kiên quyết và rất hiệu quả chống tệ tham nhũng, lãng phí và các tội phạm kinh tế khác đã làm cho lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng ngày càng thêm vững mạnh. Gần đây nhất, những nỗ lực và thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 càng cho thấy khi Đảng và Nhà nước tin cậy dựa vào sức dân, biết cách tổ chức, vận động và nhân lên sức mạnh của nhân dân, thì toàn dân tộc ta lại “chúng chí thành thành”. Sự đoàn kết vững bền luôn là điểm tựa vững chắc để toàn dân tộc vượt qua thách thức, dù thách thức đó to lớn đến đâu. Hai là, vai trò tiên phong của Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(21). Là đảng cầm quyền, là hạt nhân lãnh đạo của công cuộc đổi mới, vai trò tiên phong của Đảng là yếu tố quyết định nhất đối với sự tồn vong của chế độ, sự hưng vong của quốc gia. Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới là lúc Đảng và nhân dân ta cùng phải tìm ra con đường đi riêng hoàn toàn chưa có tiền lệ, nhất là trong thế bị bao vây, cấm vận, trong khi Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ nhanh chóng do sai lầm của công cuộc cải tổ. Trong điều kiện đó, tính sáng tạo, tiên phong của Đảng đã thể hiện rõ trong các quyết sách đột phá và trong cách lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp, táo bạo nhưng không chủ quan, khẩn trương nhưng không nóng vội, kiên quyết nhưng kiên trì. Nhờ đó, tiềm lực và cơ đồ đất nước ngày càng được củng cố. Từ sau năm 1995, tính tiên phong, mở đường của Đảng lại thể hiện rõ trong những quyết sách chiến lược để Việt Nam tranh thủ thời cơ mở cửa, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, giữ vững sự ổn định, không ngừng phát triển, củng cố vững chắc hơn, toàn diện hơn cơ đồ đất nước. Ba là, nêu gương sáng của những người lãnh đạo đất nước. Trong bất kỳ thời đại nào, từ thời kỳ các vua Hùng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trương Định, Phan Bội Châu,... cho tới Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, những người nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo đất nước luôn luôn phải là những người có trách nhiệm cao nhất với cơ đồ đất nước và tiêu biểu cho ý chí, khát vọng của dân tộc. Họ không chỉ là những người yêu nước, thương dân, sẵn sàng xả thân vì quốc gia - dân tộc, mà họ còn phải là người gần dân, hiểu biết sâu sắc nguyện vọng, khát khao của người dân, biết làm cho dân tin cậy và mến phục. Hơn nữa, họ còn phải là những người biết chung đúc và nâng cao tầm vóc khát vọng của dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại. Chỉ có như vậy, người cầm quyền - người lãnh đạo mới thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, tầm nhìn và khát vọng của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (tháng 2-2018) _Nguồn: laodong.vn Đúng như Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã nhận định, rằng đất nước ta “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt không bao giờ thiếu”, song ngày nay, trong thời đại văn minh trí tuệ và cách mạng công nghiệp mới, chúng ta không thể thụ động ngồi chờ cho nhân tài, hào kiệt tự xuất hiện, mà phải chủ động phát hiện và bồi dưỡng, đào tạo. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(23). Bốn là, khơi dậy và phát huy cao độ hào khí dân tộc. Lịch sử đã cho thấy, trước những khúc quanh, trong những thời khắc quyết định, nếu hào khí dân tộc được phát huy, ý chí và khát vọng dân tộc được nung nấu, thì nhất định dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách và lập được những kỳ công hiển hách. Những trang sử vàng của dân tộc đã từng ghi đậm nét những thời khắc như vậy: Đó là lúc bài thơ “Nam quốc sơn hà” vang lên khi cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075 đến hồi quyết liệt; đó là khi các bô lão cùng thét vang một từ “đánh” tại Hội nghị Diên Hồng năm 1284 để đáp lại lời vua Trần Nhân Tông hỏi về việc ứng phó với giặc Mông Nguyên; đó cũng là lúc toàn dân ta đồng loạt vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mùa Thu năm 1945. Trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hào khí và khát vọng hùng cường của dân tộc càng cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực đưa đất nước phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia./. ------------------------------- (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 35 (2) Tạp chí Xưa & Nay, số 1-2000, tr. 3 (3) Nguyễn Phú Trọng: “Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 18-5-2020 (https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/dien-van-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-458617). Trước đó, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Xem: https://baoquocte.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-108832.html; http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ky-niem-trong-the-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-547821.html (4) Lời nói này của Bà Triệu được chép trong sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của Vương Duy Trinh vào thế kỷ XIX, sau đó được lưu truyền trong dân gian (5) Dẫn lại theo: Phan Huy Lê (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, Lương Ninh, Trần Quốc Vượng, Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr. 407 (6), (7) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, t. 1, tr. 204, 279 (8) Lời thơ của Hoàng đế Trần Nhân Tông, in trong: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 62 (9) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. 2, tr. 282 (10) Minh đô sử, bản chép tay lưu tại Viện Sử học, ký hiệu HV.285, quyển 44. Dẫn lại theo: Phan Huy Lê (Chủ biên), Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Hải Kế, Vũ Văn Quân, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2016, t. 2, tr. 602 (11) Phan Bội Châu: Toàn tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, t. 2, tr. 255 – 256 (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 304 (13) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr. 1 (14), (15) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 4, tr. 64, 65 (16), (17), (18), (19), (20) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 15, tr. 623, 612, 617, 616, 611 – 612 (21) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 289 |