TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Chân dung 00:00:00 Ngày 13/02/2014 GMT+7
Nơi tôi gửi gắm những ước mơ
GS. Nguyễn Quang Riệu - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và Đài Thiên văn Paris - là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật lí thiên văn. Hơn nửa thế kỉ xa quê hương, nhưng ông luôn đau đáu với sự phát triển khoa học công nghệ và giáo dục nước nhà. ĐHQGHN là nơi ông gửi gắm ước mơ đó. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, ĐHQGHN đã trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho GS. Nguyễn Quang Riệu.
Giáo sư có cảm nghĩ gì nhân dịp ĐHQGHN kỉ niệm 20 năm xây dựng và phát triển ?
Cách đây 20 năm nước ta đã mở rộng cửa cho sự hợp tác trong đó có lĩnh vực khoa học với nhiều nước trên thế giới. Nhân dịp này các nhà khoa học chúng tôi ở hải ngoại đã tổ chức các hội thảo trong nước để tham gia phổ biến khoa học. Vốn là một nhà vật lý thiên văn, tôi huy động các đồng nghiệp nước ngoài làm công việc giảng dạy và nghiên cứu tại Đài Thiên văn Paris và Đại học Paris 6 về nước để phổ biến ngành khoa học vũ trụ và môi trường. Trong những thập niên gần đây, khoa học đã có những bước tiến bộ lớn nhờ có ngành công nghệ ngày càng tiên tiến. ĐHQGHN là đại học lớn cuả Việt Nam nên chúng tôi đã chọn là một đối tác để mở đầu sự hợp tác khoa học.
Cơ duyên nào đã gắn kết Giáo sư với ĐHQGHN ?
Nhân có hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra trên bầu trời Việt Nam ngày 24 tháng 10 năm 1995, tôi có ý kiến vận động Bộ Ngoại giao Pháp để có kinh phí lắp ráp những thiết bị thiên văn dành riêng cho công việc quan sát hiện tượng hiếm có này tại Việt Nam. Những thiết bị gồm có một chiếc kính thiên văn vô tuyến và một chiếc kính quang học mà chúng tôi dùng để hướng dẫn người dân trong nước quan sát hiện tượng nhật thực. Thiết bị được chuyển tới Phan Thiết vì nơi đây có nhật thực toàn phần và có những điều kiện quan sát tối ưu.
Tôi đã đề nghị là sau buổi quan sát toàn bộ các thiết bị được chở ra Hà Nội để trao tặng ĐHQGHN dành cho sinh viên ngành vật lý thực tập. Trong dịp này chúng tôi đã được GS. Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc ĐHQGHN tiếp đón. Một văn bản hợp tác giữa ĐHQGHN và Đài Thiên văn Paris và Đại học Paris 6 đã được ký kết. Chúng tôi tiếp tục duy trì sự hợp tác chặt chẽ với những Ban Giám đốc kế tiếp trong nhiều năm sau. Chúng tôi cũng vận động để một số sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN được học bổng của Chính phủ Pháp và sang Đài Thiên văn Paris theo học môn vật lý thiên văn. Họ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Paris và trở về nước.
GS. Nguyễn Quang Riệu chụp ảnh lưu niệm với các học viên một khóa học về Vật lý thiên văn tại ĐHQGHN
Đâu là kỉ niệm đáng nhớ nhất cuả Giáo sư với ĐHQGHN?
Trong quá trình cộng tác với ĐHQGHN, tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi rất thích thú mỗi khi được sử dụng tiếng Việt để giảng bài nhằm duy trì tiếng Việt trong khoa học và phổ biến những từ chuyên môn mới mẻ mà đôi khi tôi phải tạo ra. Điều đặc biệt đáng ghi nhớ là khi tôi được trao bằng Tiến sĩ Danh dự của ĐHQGHN cùng với GS. Pierre Encrenaz, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp, một đồng nghiệp tôi đã mời cùng tham gia từ 20 năm nay để giảng dạy và phổ biến ngành vật lý thiên văn tại Việt Nam.
Giáo sư có kì vọng gì vào sự phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới ?
Ngoài những khoá học chuyên về vật lý thiên văn, chúng tôi cũng đã mời chuyên gia có uy tín nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường về nước giảng dạy. Tôi nhận thấy là từ 3 năm nay ĐHQGHN cũng đã có chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Biến đổi khí hậu. Đây là một sáng kiến rất bổ ích bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng nên cần phải cảnh giác đối với hiện tượng biến đổi khí hậu. Kì vọng của tôi là trong tương lai ĐHQGHN cũng sẽ có những khoá học vật lý thiên văn. Những môn vật lý cơ bản như thiên văn học cũng cần được giảng dạy cùng với những môn khoa học thực nghiệm.
Giáo sư có lời chúc gì nhân sự kiện 20 năm thành lập ĐHQGHN ?
ĐHQGHN là đại học tiêu biểu của Việt Nam. Tôi xin được chúc ĐHQGHN tiếp tục có nhiều tiến bộ trong công trình đào tạo những đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm sánh vai với các nhà khoa học của các đại học trên thế giới.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp khoa học của mình, GS. Nguyễn Quang Riệu đã giữ những cương vị quan trọng như: Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và Đài thiên văn Paris, Hội viên của Hội Thiên văn Quốc tế (IAU), thành viên của Ủy ban Quốc tế thực hiện đề án của Cơ quan Vũ trụ châu Âu(ESA) về phóng vệ tinh hồng ngoại (Infrared Space Observatory - ISO) vào vũ trụ.
Năm 1973, với phát hiện thiên văn mang tính khám phá của mình về vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (được đặt tên là Cygnus X3), ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng giải thưởng danh giá A. Janssen trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
Ngày 1/11/2010, ĐHQGHN đã tổ chức buổi lễ trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho ông.
Với những đóng góp ý nghĩa cho nền khoa học tại quê nhà, ông đã được trao tặng Giải thưởng Vinh danh nước Việt (2004) và Kỷ niệm chương của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2006).
GS. Nguyễn Quang Riệu và tác giả
 Nguyễn Đức Phường - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQGHN số 272 - 273
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ