Hội thảo do Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu Châu Á, ĐHQGHN tài trợ đã thu hút gần hai trăm sinh viên và các học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, văn học, xã hội học và công nghệ thông tin đến từ CH Pháp và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập nhấn mạnh thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp 4.0” cần phải hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là “kinh tế 4.0” hay “kinh tế thông minh” với hai đặc điểm quan trọng Tính siêu công nghệ và Tính tích hợp.
Hội thảo gồm 2 phiên với nội dung phong phú và sâu sắc. Tại phiên thứ nhất, các diễn giả tập trung đề cập đến những vấn đề cấp bách về công nghệ, văn hóa – xã hội trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trước thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Giới thiệu về công trình “Số hóa Nhà hát lớn Hà Nội” với chuyến tham quan ảo Nhà hát, một sản phẩm nằm trong khuôn khổ Chương trình “Số hóa di sản văn hóa” do Viện Quốc tế Pháp ngữ triển khai từ 2 năm nay, TS. Nguyễn Hồng Quang nhận định, sản phẩm số hóa Nhà hát lớn Hà Nội chính là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và văn hóa. Tính độc đáo của dự án chính là ở nội dung giới thiệu của chuyến tham quan ảo. Đây là một sản phẩm thông minh mở ra hướng đi mới cho việc nghiên cứu và ứng dựng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Pierre Bonnet, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc công ty Orchestra Networks, Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xử lí dữ liệu lớn (Big Data) đã có những phân tích rất thú vị về Trí tuệ nhân tạo và những tác động của nó đối với xã hội hiện đại.
PGS.TS. Trần Đình Bình, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã trình bày tổng kết về việc bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam, thành viên tham gia kí kết Công ước về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO và giới thiệu những kết quả đạt được trong việc bảo tồn di sản văn hóa nhờ chính sách văn hóa của Chính phủ và sự tham gia của các nguồn lực xã hội từ 25 năm nay. Ông cũng nêu ra những thách thức và đề xuất các giải pháp để bảo tồn các di sản văn hóa phù hợp với các cam kết quốc tế.
Sinh viên và khách mời cũng đã được nghe TS. KTS. Trần Minh Tùng đến từ Trường Đại học Xây dựng phân tích cụ thể về những khái niệm thế nào là “di tích” và “di sản”, “di sản mới” ...
Trong phiên thứ hai với chủ đề “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh điều kiện cách mạng 4.0: Một số kinh nghiệm trong nước và quốc tế”, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến và phân tích thú vị về sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa với kinh nghiệm từ Italia, quốc gia có đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới về phục chế và bảo tồn di tích văn hóa; về bảo tồn kiến trúc tháp Champa thế kỉ XI ở Việt Nam và xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu làng cổ Đường Lâm phục vụ phát triển du lịch văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
|