PGS. Nguyễn Thừa Hỷ Những đóng góp xuất sắc cho Hà Nội nghìn năm văn hiến PGS.NGND Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937, giữa “không gian lõi” của “Hà Nội nghìn xưa” (phố Hàng Cót, quận Ba Đình), quê gốc làng Hạ Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân), mẹ người làng La Phù (Hà Tây cũ). Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Trãi - một trong ba trường cấp ba danh giá nhất Hà Nội, ông trở thành sinh viên Khóa I của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng lớp với những tên tuổi nổi danh của ngành Sử sau này, như GS.NGND. Phan Đại Doãn, GS.NGND. Vũ Dương Ninh, PGS.NGND. Lê Mậu Hãn, PGS.NGƯT. Phạm Thị Tâm… Nguyễn Thừa Hỷ vào học khoa Lịch sử, ông luôn nỗ lực phấn đấu và trở thành một trong những sinh viên giỏi nhất của khoa. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công đi dạy môn Lịch sử phổ thông. Ba mươi năm dạy học, công tác ở các Ty (nay là Sở GD&ĐT) Hà Nam, Hà Nội, mãi đến năm 1990, khi đã 53 tuổi, ông mới về làm cán bộ giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại (khoa Lịch sử - trường ĐH KHXH&NV), theo lời mời của Chủ nhiệm bộ môn lúc đó - GS Phan Huy Lê. Với niềm đam mê khoa học, những kiến thức tích lũy được - nhất là từ sách vở viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, ông đã âm thầm viết nhiều về văn hóa Việt Nam truyền thống; văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX; tìm hiểu văn hóa Ấn Độ.... Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông quyết định làm Nghiên cứu sinh (trong nước). Bấy giờ nghiên cứu sinh, nói chung và riêng ngành sử, còn hiếm. Ông chọn Hà Nội - mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, chứng kiến nhiều đổi thay - làm đối tượng nghiên cứu. Đầu năm 1984, luận án Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII – XIX (kinh tế - xã hội của một thành thị trung đại Việt Nam của ông được đưa ra bảo vệ, thuộc số những luận án Tiến sĩ (bấy giờ gọi là Phó Tiến sĩ) đầu tiên của khoa Lịch sử. Công trình trở thành nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn nhiều khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung, về lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Ông cho biết khi thực hiện luận án tiến sĩ sử học về Thăng Long - Hà Nội, thời điểm đầu những năm 1980, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long - Hà Nội thời kỳ trung đại khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ từ thời còn đi học, ông dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa hề được ai khai thác trước đó. Lúc ấy, điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn, nhưng vì đam mê, nên ông theo đuổi đến cùng. Sau khi bảo vệ thành công, đến năm 1993, luận án này được chỉnh lý, bổ sung để in thành sách. Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, ông biên soạn cuốn Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX, xuất bản đúng dịp Đại lễ, và sau đó được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2012. PGS Nguyễn Thừa Hỷ kể lại: Tôi nhớ, hôm bảo vệ luận án (tại 19 Lê Thánh Tông) có rất đông người dự. Trong đó, có sự hiện diện của nhiều gương mặt lớn của ngành sử nước nhà. Và đến năm 1993, công trình khoa học này được xuất bản thành sách và lập tức giành được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, nhất là trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX”. Công trình này cũng là một chuyên khảo có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN. Gần đây, công trình được bổ sung và xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tiếp tục được giới nghiên cứu và bạn đọc đánh giá cao. Trên một ý nghĩa khác, công trình này đã có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học. Tuy công trình tập trung chủ yếu vào giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, nhưng ở hầu hết các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của Thăng Long - Hà Nội đều được khái quát trong toàn bộ tiến trình lịch sử, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về kết cấu kinh tế -xã hội của đô thị này. Trong số hàng trăm chuyên khảo về Thăng Long - Hà Nội đến nay, công trình này có thể coi là một trong các nghiên cứu xuất sắc nhất, đánh dấu một bước tiến về nghiên cứu Hà Nội. Đọc tác phẩm của Nguyễn Thừa Hỷ, người ta thấy rất rõ sự uyên bác của tri thức và sự lịch lãm trong văn chương, nhất là những công trình về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Có lẽ đó là sự kết hợp và thẩm thấu của một văn hóa Thăng Long nghìn xưa với một văn hóa thị dân Hà Nội thuần thục thời cận đại. Dành trọn đời cho tình yêu Hà Nội Sống giữa con phố Huế ồn ã, tấp nập nhất Thủ đô, nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ cứ lặng lẽ, cần mẫn nghiên cứu, học hỏi, nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội trong trái tim mình. Rồi một cách tự nhiên và dung dị, tình yêu ấy lan tỏa đến bạn đọc nhiều thế hệ qua những trang sách vừa mang tính học thuật nghiêm cẩn, lại vừa nhiệt huyết, chứa chan tình cảm. Ở tuổi 83, tuy sức khỏe yếu nhưng ông vẫn minh mẫn lạ thường. Ông kể rằng sau cơn bạo bệnh, sách và internet trở thành phương tiện để ông tiếp tục hành trình nghiên cứu khoa học. Giờ trong nhà, ông giữ khoảng 1.000 cuốn sách giấy, và 15.000 cuốn sách điện tử, đủ các thể loại. "Bạn bè và học trò cũ vẫn thường tới thăm nom, trò chuyện. Tôi cũng nhận hướng dẫn một số nghiên cứu sinh làm luận án trong khả năng của mình. Dù tuổi cao, khi nào mọi người cần đến tôi, tôi không bao giờ từ chối cả, vì điều đó có nghĩa mình vẫn có ích. Đó là cách tôi giữ tâm hồn mình lạc quan, yêu đời"- nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ tâm sự. Căn bệnh viêm đa khớp khiến PGS.NGND Nguyễn Thừa Hỷ không thể đi lại thoải mái được. Nhưng với trí tuệ minh mẫn và tình yêu Hà Nội, những cuốn sách mới của ông vẫn cứ nối tiếp nhau ra đời, trong đó mới nhất là cuốn Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018). Trong tác phẩm này, ông nhấn mạnh chữ “người Hà Nội” ở tên cuốn sách, vì không đồng tình với quan niệm, cách phân chia từng phổ biến một thời về người Hà Nội gốc và người tứ xứ nhập cư. Tôi chỉ quan tâm đến câu hỏi, một người sống ở Thủ đô thì có yêu thương, có hiểu biết, thấu cảm và đóng góp gì cho thành phố này hay không? Ở phần cuối: Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh, tôi dồn nén nhiều tâm tư của mình về chất lượng thị dân Thăng Long - Hà Nội. Những con người Hà Nội đích thực, sau khi tìm hiểu về những quãng đời chìm nổi của đô thị này, làm sao lại không tự hào về một truyền thống lâu đời của lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù khéo léo, nếp sống hào hoa, thanh lịch, trọng chữ tín? Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói bạo lực mất nhân tính, thói vô cảm đáng báo động…Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng. “Người làm lịch sử như tôi giống như công nhân cần mẫn đào tìm quặng vậy. Từ giờ đến cuối năm, tôi sẽ có thêm một cuốn về Hà Nội thời Lê Trung hưng, tập 2 của Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây. Tôi cũng đang hoàn thành bản thảo Lịch sử Việt Nam tập 10 - Đàng Ngoài 1593-1771 (thuộc Đề án khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”).” |