TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 11:40:28 Ngày 28/10/2020 GMT+7
Hội thảo quốc tế VietAME 2020: Xu hướng mới trong đánh giá và đảm bảo chất lượng giáo dục
Là chủ đề hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về Đánh giá và Đo lường trong giáo dục -VietAME 2020 do Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN tổ chức trên nền tảng Zoom webinar vào ngày 25/10/2020 vừa qua.

Nhờ nền tảng kỹ thuật số, hội thảo có thể gắn kết các nhà nghiên cứu, chuyên gia và học viên, nghiên cứu sinh, sinh viên ở nhiều trường đại học từ các lĩnh vực và chuyên ngành khác nhau từ 7 quốc gia và 27 trường đại học tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của 03 diễn giả chính đến từ 03 trường đại học danh tiếng trên thế giới, 42 bài trình bày và hơn 195 đại biểu tham dự với sự hỗ trợ và tài trợ từ 03 đơn vị gồm: Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN, Quỹ Nafosted và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQGHN.

Đây là hội thảo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam về Đánh giá và đo lường trong giáo dục nhằm mục đích mở ra một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trao đổi ý kiến, đề xuất các cách tiếp cận mới trong đánh giá và đo lường. Hội nghị là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng cộng đồng đo lường và đánh giá tại Việt Nam. Tất cả những người tham dự cũng đều có chung mối quan tâm là phát triển cộng đồng nghiên cứu về đo lường và đánh giá trong giáo dục.

Chủ đề của hội thảo năm nay là “Xu hướng mới trong đánh giá và đảm bảo chất lượng giáo dục” với 3 nội dung chính: Đánh giá giáo dục; đảm bảo chất lượng giáo dục và các xu hướng giáo dục hiện nay. Trong bài phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS. TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nhấn mạnh vai trò của đánh giá và kiểm định chất lượng vì đánh giá và đo lường giáo dục là nền tảng cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục mới hiện nay. Trong số nhiều yếu tố của giáo dục, đo lường và đánh giá là cơ sở vững chắc để giảng viên, cán bộ quản lý và lãnh đạo đưa ra các quyết định nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, hoạt động của cơ sở giáo dục và thậm chí của một quốc gia hoặc khu vực. Sự đa dạng của các hướng nghiên cứu như đánh giá giáo dục, ứng dụng CNTT-TT, AI trong giáo dục, CAT ... đã khẳng định vai trò của nhánh này trong giáo dục 4.0.

Chủ đề này còn đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa ban hành Thông tư Số: 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo.

Trình bày ở phiên toàn thể, diễn giả chính Giáo sư Martin Hayden từ Trường Đại học Southern Cross, Australia với nghiên cứu có nội dung “Student Assessment Practices in Australia” đã đi sâu về các phương pháp tiếp cận khác nhau để đánh giá học sinh ở Úc và xác định một số xu hướng quan trọng trong đánh giá hiện nay. Bài trình bày cung cấp một phác thảo ngắn gọn về các đặc điểm chính của hệ thống giáo dục Úc có liên quan đến ngữ cảnh để người nghe có thể hiểu được cách đánh giá học sinh ở Úc ra sao. Sau đó, các cách tiếp cận khác nhau được triển khai để đánh giá học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (VET), và giáo dục đại học sẽ được giải thích một cách xúc tích. Ba xu hướng đáng chú ý trong thực hành đánh giá học sinh ở Úc cũng được thảo luận. Bài trình bày gợi mở những kinh nghiệm đáng lưu ý cho các nhà nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh đánh giá quá trình ngày càng được quan tâm hơn.

Ngoài ra, Tiến sĩ Everard van Kemenade từ Trường Đại học Ứng dụng khoa học Fontys, Hà Lan với bài trình bày về “Các mô hình mới nổi trong giáo dục đại học và trong hệ thống đánh giá giáo dục đại học hiện nay”. Bài phát biểu dựa trên những đánh giá tài liệu gần đây và nhấn mạnh bốn mô hình mới nổi, nhu cầu đào tạo đánh giá viên bên ngoài và nội bộ trong hệ thống kiểm định và tầm quan trọng của mô hình mới nổi đối với Việt Nam.

Một diễn giả khác là Giáo sư Timothy Teo từ Trường Đại học Murdoch, Australia có chia sẻ với người nghe về kinh nghiệm viết và đăng bài nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Bài trình bày nhằm mục đích giới thiệu những gì mà các biên tập viên và phản biện thường xem xét đối với các bản thảo được gửi đến các tạp chí uy tín. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân với tư cách là Tổng biên tập của hai tạp chí quốc tế, là tác giả của gần 200 bài báo trên tạp chí uy tín và phản biện của nhiều tạp chí, Giáo sư Teo đã chia sẻ về những vấn đề chung và những khía cạnh cụ thể của quy trình đăng bài được hầu hết các tạp chí hàng đầu áp dụng. Ngoài công việc giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản cũng là một nhiệm vụ quan trọng với các học giả, bởi vậy, bài trình bày nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người tham dự.

Sau phiên toàn thể, hơn 130 người tham dự đã tham gia 9 phiên thảo luận về các chủ đề liên quan tới đo lường và đánh giá trong giáo dục.

Các bài phát biểu (video) của keynote speakers sẽ được đăng trên website hội thảo vào ngày 15/11/2020.

Hội thảo sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần. Các thông tin về hội thảo sẽ được cập nhật trên website hội thảo:  http://vietame.education.vnu.edu.vn/  và kênh fanpage của Khoa Quản trị Chất lượng – Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN tại địa chỉ:  https://www.facebook.com/FACULTYOFQUALITYMANAGEMENT.

Hội thảo đã nhận được sự đánh giá cao về tính chuyên môn và sự lan tỏa trong công đồng học thuật.

Hiệu trưởng GS.TS Nguyễn Quý Thanh trao Chứng nhận cho BTC Hội thảo - TS. Lê Thái Hưng

 

 

 Vũ Anh Thái
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ