TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 05/11/2020 GMT+7
Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong bối cảnh công nghệ 4.0
Cách mạng công nghệ 4.0 đang biến hệ sinh thái truyền thông truyền thống của thời đại công nghiệp sang một hệ sinh thái mới của truyền thông thời đại số - thời đại của văn minh trí tuệ. Công nghệ hiện đại mang đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm báo, và cả những người đào tạo báo chí.

Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tại Hội Báo Xuân

Công nghệ 4.0 và những tác động đến người làm báo

Bốn trăm năm trước, nhà triết học người Anh F. Bacon đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh”, “Ai làm chủ được thông tin, người đó sẽ làm chủ thế giới”. Trong tác phẩm “The Coming of Post Industrial Society” (Sự ra đời của xã hội hậu công nghiệp), Daniel Bell cho rằng: “Xã hội công nghiệp dựa trên nền công nghệ cơ khí, xã hội hậu công nghiệp dựa vào công nghệ trí tuệ. Nếu như tư bản và lao động là hai đặc trưng của xã hội công nghiệp, thì thông tin và tri thức là hai đặc trưng thay thế chúng trong xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp còn được gọi là xã hội thông tin”.

Thông tin đã trở thành một trong năm yếu tố quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh: nhân lực, nguyên liệu, kỹ thuật và vốn. Số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia, và phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển và đang được sử dụng để thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí, giúp ích rất nhiều cho các nhà báo và mang lại cho các độc giả những trải nghiệm mới mẻ hơn..

Tờ báo The New York Times sử dụng trí tuệ nhân tạo để khám phá nội dung, quản lý bình luận của độc giả theo cách, các nhà báo sử dụng các tag (thẻ) làm nổi bật các cụm từ, tiêu đề, hoặc điểm chính trong bài báo, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ nhận ra các phần nổi bật này, và giúp người đọc tiếp cận các thông tin liên quan đến bài báo nhanh chóng hơn. Từ năm 2012, hãng thông tấn BBC đã sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo có tên Juicer để khai thác thông tin từ hơn 850 nguồn tin tức trên toàn cầu, sau đó, tổng hợp và gán các thẻ tag cho những bài viết rồi sắp xếp chúng theo 4 chuyên mục: tổ chức, địa điểm, con người và đồ đạc, nhằm giúp phóng viên dễ dàng tìm kiếm thông tin liên quan.

Tờ Washington Post thì sử dụng trí tuệ nhân tạo, với tên gọi Heliograf để viết báo và lọc bình luận trong khi AP sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích nội dung và viết báo.

Bloomberg sử dụng Cyborg để sản xuất nội dung và quản lý. Hãng tin The Canadian Press phát triển một hệ thống để tăng tốc độ dịch dựa trên AI. Hãng tin AFP cũng dùng AI để phát hiện ảnh đã bị chỉnh sửa. Nhiều tòa soạn báo sử dụng AI để viết các văn bản pháp lý, thông cáo báo chí, báo cáo tổng hợp và tin tức.

Ngày 8/11/2018, Tân Hoa Xã khiến cộng đồng khán giả xôn xao khi giới thiệu bản tin thời sự với ‘người dẫn chương trình ảo’, có giọng nói, cử chỉ khuôn mặt phát triển trên nền trí tuệ nhân tạo. Ở Việt Nam, báo điện tử Dân trí là cơ quan báo chí tiên phong tích hợp thêm phiên bản báo nói, cho phép các độc giả có thể nghe nội dung của các bài viết thay vì phải đọc chữ như trước đây. Để phù hợp với sở thích và vùng miền mình đang sinh sống, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc, giúp nghe rõ và chính xác hơn về nội dung của bài báo.

Xét về tổng thể, sự phát triển của báo chí luôn gắn kết với sự phát triển của công nghệ. Công nghệ là yếu tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tin tức, giúp đưa tin tức gần như ngay tức thì khi sự kiện xảy ra. Trí tuệ nhân tạo có thể làm nhiều việc, thay thế một phần nào đó trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Tuy nhiên, liệu AI có thể thay thế nhà báo, và hoạt động đào tạo báo chí trong tương lai sẽ ra sao?

 Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông với đơn vị tiền thân là Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập.

Báo chí kết nối giá trị nhân văn

Báo chí có sức mạnh đặc biệt. Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống, vì lợi ích của đại bộ phận người lao động trong xã hội, nên luôn phải hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ đích thực. Trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức nghề báo cần được đề cao và thực thi một cách hiệu quả hơn bao giờ hết. Và vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của việc đào tạo báo chí truyền thông là phải trang bị kiến thức nền tảng vững chắc để người làm báo có bản lĩnh nhận diện thấu đáo vấn đề và truyền tải thông tin đến công chúng một cách nhân văn nhất.

Cách đây vừa tròn 30 năm, khoa Báo chí (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện, lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một ngôi trường đại học hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội), để sinh viên được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về văn hóa, triết học, lịch sử, chính trị học, xã hội học, tâm lý học,… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Từ mái trường này, hơn 10.000 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ báo chí đã tỏa về mọi miền đất nước, tác nghiệp, cống hiến những dòng tin hối hả, tạo nên dòng chảy liền mạch trong xã hội. Nhiều cựu sinh viên là các nhà báo luôn ở tuyến đầu trong những thời khắc cam go của bão tố, lũ lụt, thiên tai, nhiều nhà báo là cây bút hàng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, hàng trăm cựu sinh viên đã được nhận giải thưởng Báo chí quốc gia, và giải báo chí toàn quốc của các ngành, các cấp,… Nhiều cựu sinh viên đã và đang nắm giữ các vị trí then chốt trong hệ thống báo chí truyền thông nước nhà.

Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, giảng dạy về truyền thông mới, truyền thông hội tụ và đa phương tiện, truyền thông xã hội, về sự phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường truyền thông mới,… đang là nội dung quan trọng được giảng dạy tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông với nhiều học phần mới như Báo chí trên điện thoại di động, Báo chí Dữ liệu, Tổ chức nội dung và sáng tạo siêu tác phẩm báo chí, Đưa tin trong tình huống khẩn cấp,… và các lĩnh vực báo chí chuyên biệt khác.

Sau Đổi mới, báo chí Việt Nam là mô hình truyền thông kết hợp giữa nguyên tắc bất di bất dịch - ‘báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước’ - với những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Từ nền báo chí ‘đơn chức năng’ một chiều, báo chí Việt Nam đã trở thành nền báo chí ‘đa chức năng’, không chỉ tập trung tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, mà còn là cầu nối, là kênh phản biện xã hội, tạo ra dòng chảy liền mạch trong xã hội, tạo nên mối kết dính chặt chẽ gắn bó về thông tin giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế truyền thông, gắn kết giữa doanh nghiệp với công chúng. Chính vì vậy, đào tạo báo chí tại Việt Nam không chỉ cần chú trọng kỹ năng tác nghiệp mà phải đào tạo toàn diện, đặc biệt về chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên sâu về văn hóa xã hội, và phải chỉ ra cho người làm báo giá trị cốt lõi, định hướng phát triển báo chí truyền thông của Việt Nam trong tương lai.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội là một trong hai cơ sở đào tạo duy nhất ở Việt Nam đào tạo các chương trình từ cử nhân đến tiến sĩ ngành Báo chí. Ngoài chương trình hệ chuẩn, Viện đào tạo chương trình cử nhân Báo chí chất lượng cao và cử nhân ngành Quan hệ công chúng. Bên cạnh chương trình Thạc sỹ Báo chí định hướng nghiên cứu, Viện đã xây dựng các chương  trình Thạc sĩ Báo chí định hướng ứng dụng, và đặc biệt là chương trình Thạc sĩ Quản trị báo chí truyền thông (tuyển sinh từ năm 2020).

>>>>> Các tin bài liên quan:

- Đào tạo báo chí thời công nghệ số: Nghề báo là sứ mệnh, đưa tin có trách nhiệm

- VNU – USSH: Thành lập Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

- Viện Đào tạo Báo chí - Truyền thông ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về đào tạo báo chí

- Hội Báo toàn quốc 2019: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhận giải A gian trưng bày ấn tượng, đặc sắc

 Đỗ Tuấn Anh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ