TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:06:24 Ngày 25/11/2021 GMT+7
Các chuyên gia thảo luận giải pháp thích nghi mới trong khoa học sư phạm và giáo dục
Sáng ngày 24/11/2021, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) đã phối hợp tổ chức khai mạc Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về Khoa học Sư phạm và Giáo dục (HaFPES 2021).

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom Webinar; và phát trực tuyến trên các kênh truyền thông: Fanpage và Youtube của Trường Đại học Giáo dục với sự tham gia trực tuyến của hơn 1000 các nhà khoa học trong và ngoài nước, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh và hàng ngàn lượt tương tác trên các kênh truyền thông.

HaFPES (Hanoi Forum on Pedagogical and Education Sciences) được tổ chức nhằm mục đích tạo ra một không gian học thuật có sự hội tụ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về các hướng, trường phái và phương pháp nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và sư phạm trên toàn thế giới; tạo ra môi trường học thuật cho người học; HaFPES mang lại cơ hội xuất bản các công trình nghiên cứu có chất lượng theo chuẩn mực quốc tế dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và người học.

HaFPES 2021 là bước khởi đầu trong chuỗi các diễn đàn về khoa học giáo dục và sư phạm dự kiến sẽ được tổ chức trong các năm tiếp theo. HaFPES 2021 hướng tới việc tạo ra một môi trường học thuật để thảo luận, nghiên cứu, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi trong lĩnh vực đào tạo giáo viên và khoa học giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số và việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật) trong giáo dục đang ngày càng phổ biến.

Hiệu trưởng Trường ĐHGD GS.TS. Nguyễn Quý Thanh mong muốn Diễn đàn là nơi thảo luận mở, đa dạng, tôn trọng các quan điểm khác biệt

Phát biểu khai mạc HaFPES 2021, GS.TS Nguyễn Quý Thanh chào mừng sự có mặt của các diễn giả, khách mời, nhà nghiên cứu và người học đến từ các quốc gia trên thế giới. Thông qua diễn đàn, nhà khoa học, các chuyên gia sẽ cùng đặt vấn đề về giáo dục và sư phạm cạnh nhau không phải để đối lập nhau mà để cùng tìm hiểu cặn kẽ hơn và có cách tiếp cận phù hợp hơn. Qua đó, Ban tổ chức mong muốn có những thảo luận mở, đa dạng nhưng tôn trọng các quan điểm khác biệt. Bên cạnh những nghiên cứu thực sự công phu, diễn đàn cũng là nơi chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ khi còn chưa phải là nghiên cứu hoàn chỉnh.

Từ quan điểm của một nhà khoa học, một nhà quản lý GS.TS. Nguyễn Quý Thanh cho rằng Khoa học giáo dục là khoa học liên ngành, liên lĩnh vực bao gồm: triết học, kinh tế học, tâm lý học, xã hội học, lãnh đạo, quản lý, quản trị… Giáo dục không chỉ giới hạn cho hoạt động xã hội, diễn ra trong và ngoài nhà trường, trực tiếp và gián tiếp, chính quy và liên tục. Trong một thời gian khá dài, vấn đề khoa học giáo dục ít được chú ý hoặc chú trọng nhiều hơn đến huấn luyện những kỹ năng nghề dẫn đến nhiều giáo sinh và giáo viên thiếu hiểu biết nền tảng về giáo dục và khoa học giáo dục.

Vì vậy, chính khoa học giáo dục cần phải làm rõ giáo dục sẽ tạo ra sản phẩm là con người như thế nào? Mối quan hệ giữa giáo dục và tự nhiên ra sao? Những vấn đề căn bản, gốc rễ về giáo dục và sư phạm rất cần được các nhà nghiên cứu làm rõ và được đưa ra bản thảo tại diễn đàn HaFPES.

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh cho biết thêm, HaFPES 2021 tập trung vào 3 chủ đề chính: (1) Đổi mới đào tạo giáo viên để đáp ứng những yêu cầu trong sự phát triển của khoa học và công nghệ; (2) Giáo dục và quản lý giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi kĩ thuật số; (3) Khoa học giáo dục với sự đổi mới giáo dục phổ thông.

GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (đơn vị đồng tổ tổ chức HaFPES 2021). GS.TS Lê Anh Vinh đã có phần trình bày về các thành tựu mới trong khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên

Cũng theo thông tin từ Ban tổ chức, đã có 57 trên tổng số 88 bài được phản biện và duyệt đăng trong kỷ yếu HaFPES 2021 bởi các chuyên gia và nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực giáo dục. Các bài báo được được xuất bản bằng tiếng Anh và đáp ứng các tiêu chí của HaFPES 2021.

Ngay sau khai mạc, Diễn đàn HaFPES 2021 được diễn ra với phần trình bày của các diễn giả và các phiên thảo luận của khách mời tham dự.

GS. Augie Grant DH South Carolina Hoa Kỳ đưa ra 5 dự báo về quản lý gáo dục trong kỷ nguyên chuyển đổi số

Sáng cùng ngày các diễn giả chính là GS.TS. Philip Altbach (ĐH Boston, Hoa Kỳ), PGS.TS. Nguyễn Chí Thành (Trường ĐH Giáo dục), GS.TS. Augie Grant (ĐH South Carolina, Hoa Kỳ), TS. Tôn Quang Cường (Trường ĐH Giáo dục) đã  trình bày các chuyên đề: Tương lai của nền giáo dục đại học toàn cầu hậu dịch bệnh COVID-19; Các mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới; Năm dự báo về quản lý giáo dục trong kỷ nguyên chuyển đổi số kỹ thuật; Chuyển đổi số trong lớp học thông minh.

GS.TS. Philip Altbach (ĐH Boston, Hoa Kỳ)

 

Chiều cùng ngày, GS.TS. Martin Hayden (ĐH Southern Cross – Úc), GS.TS. Lê Anh Vinh (VNIES), PGS.TS. Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục trình bày các chuyên đề: Đánh giá hệ thống giáo dục Việt nam từ quan điểm quốc tế; Các thành tựu mới trong khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực Khoa học Giáo dục – Nhận diện vấn đề.

Các chuyên gia khách mời tham dự Diễn đàn đã tham gia bàn thảo về các vấn để liên quan đến khoa học giáo dục và sư phạm thông qua 4 phiên thảo luận.

Phiên 1 với chủ đề: Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ. Trong phiên thảo luận này các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, các nhà quản lý ở các trường sư phạm trao đổi về: các mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới; nhận định về các mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam; nghiên cứu đề xuất phát triển mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam; Nghiên cứu đổi mới đào tạo giáo viên ở Việt Nam.

Phiên 2 với chủ đề: Phương pháp và công nghệ mới trong đào tạo giáo viên. Phiên thảo luận với những trao đổi và chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm thực tế và kết quả nghiên cứu mới nhất của mình về phương pháp và công nghệ mới trong đào tạo giáo viên.

Phiên 3 với chủ đề: Nghiên cứu lý luận Khoa học Giáo dục. Phiên thảo luận với những trao đổi của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục liên quan tới các vấn đề: Xu hướng Nghiên cứu lý luận khoa học giáo dục, các trường phái Nghiên cứu lý luận khoa học giáo dục, các lý thuyết hiện đại trong nghiên cứu khoa học giáo dục.

Phiên 4 với chủ đề: Phương pháp nghiên cứu liên ngành trong Khoa học Giáo dục. Ba vấn đề chính được các khách mời đưa ra thảo luận trong Phiên 4 bao gồm: Xu hướng nghiên cứu liên ngành trong khoa học giáo dục; Phương pháp nghiên cứu liên ngành trong khoa học giáo dục; và Xuất bản quốc tế và các nguồn truy cập mở về khoa học giáo dục.

HaFPES 2021 đã kết thúc, Ban tổ chức chương trình hy vọng Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm lần thứ nhất sẽ được tiếp tục phát triển và xây dựng theo chiều sâu; Tiếp tục mở ra cơ hội giao lưu, trao đổi chuyên môn học thuật và tạo điều kiện công bố quốc tế đến gần hơn với các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

 VNU Media - UED
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ