TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:17:50 Ngày 20/10/2023 GMT+7
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng cao
Chiều 19/10/2023, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới thăm và làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Trường ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Xuất bản; Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV qua các thời kỳ.

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - cái nôi đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng cao của cả nước

Khái quát về hoạt động của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với Đoàn công tác, Hiệu trưởng Nhà trường Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trường Đại học KHXH&NV với bề dày lịch sử đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhà trường được Đảng và Nhà nước coi là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) xã hội nhân văn lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn báo cáo về hoạt động của Trường với đoàn công tác.

Báo cáo về hoạt động đào tạo báo chí truyền thông, Phó Hiệu trưởng nhà trường Đặng Thị Thu Hương chia sẻ: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu có bề dày truyền thống và uy tín ở Việt Nam hiện nay. Viện có hệ thống trang thiết bị đa phương tiện hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đủ điều kiện để sinh viên học tập, thực hành. Viện cũng là một trong những cơ sở đào tạo báo chí có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế.

Viện đào tạo các chương trình từ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa. Triết lý giáo dục hướng tới đào tạo các nhà báo, nhà truyền thông tương lai có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức chuyên môn tốt, sự hiểu biết xã hội toàn diện cùng với kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, ứng phó linh hoạt và sáng tạo, giữ được đạo đức nghề nghiệp nhân văn và chính trực.

PGS.TS Đặng Thu Hương kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí truyền thông; Ban hành văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này; Có chỉ đạo sát sao hơn về quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, cũng như định hướng phát triển cho các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông công lập và ngoài công lập; Chủ trì biên soạn một số giáo trình dạy chung trong các cơ sở đào tạo lĩnh vực này; Tạo cơ chế, chính sách để Hội đồng tư vấn chính sách của Trường ĐH KHXH &NV được báo cáo trực tiếp, tham mưu, giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác xây dựng chính trị, tư tưởng, đạo đức, chủ trương quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, truyền thông … Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ sở đào tạo báo chí uy tín xây dựng khung chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo báo chí; Cho phép nhà trường mở một số ngành thí điểm; Đề nghị Bộ quan tâm cho phép các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng được tuyển sinh ThS. báo chí định hướng ứng dụng tại địa phương.

Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách đặc thù trong đào tạo báo chí truyền thông, tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở đào tạo tham gia xây dựng các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực báo chí; Hội Nhà báo, Hội Xuất bản, các hội nghề nghiệp liên quan và các cơ quan báo chí có cơ chế phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cơ sở đào tạo từ việc xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập và làm việc; Tăng cường phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu cho đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên,

PGS.TS Đặng Thu Hương kiến nghị về đào tạo báo chí truyền thông trong bối cảnh mới

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: Không phủ nhận vai trò học thuật trong trường đại học. Ở đây chúng ta cần cải thiện quan hệ cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí. Sinh viên báo chí thực hành càng nhiều càng tốt, tham gia vào hoạt động thông tin báo chí tại tòa soạn càng nhiều càng tốt. Sự phối hợp nhà trường và cơ quan báo chí cần tiến hành từ năm thứ 2 mới hiệu quả. "Bồi dưỡng kỹ năng báo chí cần thiết nhưng không quá khó, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu là điều chúng tôi rất cần" - ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ yêu cầu đào tạo nhà báo đối với thực tế tòa soạn.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ý kiến về chủ trương, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hội nhập trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trả lời thấu đáo về những kiến nghị của nhà trường liên quan đến các vấn đề cấp thẻ cho nhà giáo tham gia đào tạo báo chí, vấn đề khung chương trình, cơ cấu lại nội dung đào tạo, kỹ năng đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao. Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận chất lượng đào tạo của nhà trường “ít” nhưng “tinh”. Nhà trường đã nỗ lực lớn, quan tâm đến phát triển toàn diện hoạt động đào tạo.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Trường ĐH KHXH&NV có nhiều đề án đổi mới thời gian gần đây. Cũng trong thời gian này, ĐHQGHN đã nghị quyết về phân tầng đào tạo, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, có chính sách thu hút sinh viên giỏi. Vừa qua, Trường ĐH KHXH&NV đã cấu trúc lại chương trình, đào tạo các ngành phù hợp với bối cảnh mới, gắn lý thuyết với thực tiễn của ngành nghề đào tạo. Nhà trường đang chuẩn bị khởi công xây dựng trung tâm thực hành số hiện đại tại khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc để các sinh viên, giảng viên, đặc biệt là sinh viên ngành báo chí truyền thông của nhà trường có thể nghiên cứu và thực hành nhiều hơn nhằm gắn với bối cảnh chuyển đổi số.

Mục tiêu đào tạo báo chí truyền thông phải mang tính định hướng và toàn diện cả chiều sâu, chiều rộng

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào trong công tác giáo dục, đào tạo khoa học xã hội và nhân văn nói chung, công tác đào tạo báo chí, truyền thông nói riêng của nhà trường trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, cùng với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông cả nước, nhà trường không ngừng nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, cập nhật, áp dụng những kỹ năng, kiến thức mới, hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng phóng viên báo chí, truyền thông góp phần đáng kể vào sự phát triển, trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí, truyền thông của cả nước.

Báo chí, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, là phương tiện, công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Để thực hiện tốt chức năng, sứ mệnh cách mạng vẻ vang đó, việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói yếu tố có tính quyết định.

Để Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu nhà trường phải ý thức rất rõ vai trò, vị trí một cơ sở đào tạo cán bộ khoa học xã hội nhân văn quan trọng, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông của cả nước. Làm sao để trường thực sự trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, góp phần thiết thực xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại. Khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, truyền thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trên cả nước; với các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, truyền thông. Phải có khung chương trình chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại chúng ta mới có được nguồn nhân lực tốt, ngang tầm nhiệm vụ.  

Ngoài ra trường cũng cần tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại. Cần ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông; truyền thụ được phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mỗi sinh viên làm sao để sinh viên sau khi tốt nghiệp phải là một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

>>> Các tin liên quan:

- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xây dựng và triển khai các nhiệm vụ gắn với chiến lược phát triển chung của ĐHQGHNSuga Yoshihide

- Thêm 7 chương trình đào tạo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn được kiểm định chất lượng

- Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn: phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ là định hướng chiến lược

- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai xây dựng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng

 Thùy Dương, Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ