Tham dự buổi làm việc có đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Văn phòng, Ban chức năng, thủ trưởng các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN. Buổi làm việc là dịp quan trọng để ĐHQGHN, một trong những trung tâm dẫn đầu về đào tạo nghiên cứu khoa học, lý luận và chính trị ở Việt Nam cùng nhìn nhận, tổng kết, đánh giá những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Kết luận số 94 của Ban Bí thư, tiếp tục có những chính sách đổi mới phù hợp để khẳng định vị thế, uy tín, có những đóng góp quan trọng tạo dựng nền tảng khoa học lý luận của Đảng một cách vững chắc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc dạy - học các môn lý luận chính trị tại ĐHQGHN luôn gắn với những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng; sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng; gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, mềm dẻo, có thực tiễn và phù hợp với trình độ của bậc đào tạo đại học; tạo được sự hứng thú và có trách nhiệm cho giảng viên và sinh viên. Thực tiễn trong 10 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của ĐHQGHN đã bám sát những định hướng này và thường xuyên có sự cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Trưởng Ban Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Trần Quốc Bình báo cáo tổng hợp kết quả triển khai, thực hiện Kết luận số 94- KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư tại ĐHQGHN Tính đến nay, ĐHQGHN đã có truyền thống khoảng 50 năm liên tục tham gia đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị chuyên sâu, tự khẳng định mình là một trong những trung tâm có uy tín về nghiên cứu và đào tạo nhân lực ngành lý luận chính trị ở Việt Nam. Thế mạnh và đóng góp của ĐHQGHN trong thực tiễn và nghiên cứu về lý luận chính trị ở Việt Nam gắn với thực hiện Kết luận số 94-KL/TW bao gồm: Tổ chức nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, góp ý văn kiện chính trị, góp phần hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các Nhà khoa học của ĐHQGHN tham gia là chủ trì và thành viên của nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ về nghiên cứu lý luận chính trị. ĐHQGHN đóng góp lớn trong phát triển nhân lực đội ngũ nhà quản lý, nhà khoa học về lý luận chính trị. Rất nhiều các nhà khoa học của ĐHQGHN là chuyên gia tư vấn về chiến lược và chính sách của các Bộ/Ban/Ngành và các tổ chức của Chính phủ khác nhau.Trong số này, riêng ở 5 đơn vị gồm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Luật, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Trần Nhân Tông có nguồn nhân lực nghiên cứu trực tiếp về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là 09 giáo sư, 42 phó giáo sư, 53 tiến sỹ, tiến sỹ khoa học. Bên cạnh đó, các chuyên ngành liên quan đến lý luận chính trị luôn được đổi mới. Cùng với việc cập nhật, đổi mới đề cương môn học, từ năm 2019, ĐHQGHN đã từng bước đổi mới việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Bên cạnh việc đào tạo các môn lý luận chính trị, việc đào tạo đội ngũ giảng dạy các môn lý luận chính trị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên ngành có liên quan là một trong những đóng góp của ĐHQGHN.... Đây cũng là những thế mạnh của ĐHQGHN, đã được kiểm chứng và khẳng định uy tín cao ở trong nước và quốc tế với nhiều thành tựu và đóng góp nổi bật. Các đơn vị trong ĐHQGHN cũng tăng cường kết nối mạng lưới gồm nhiều đối tác thường xuyên đến từ các cơ quan uy tín trong và ngoài nước phối hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị. Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Hoàng Anh Tuấn cho biết,Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong hai đơn vị có đầu môn học về Lý luận chính trị cao nhất. Với bậc cử nhân, ĐHQGHN đang đào tạo các ngành Triết học, Chính trị học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với đào tạo sau đại học, ĐHQGHN đang đào tạo các ngành/chuyên ngành Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh học, Kinh tế chính trị ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Đối với giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên và thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phụ trách phụ trách giảng dạy cho toàn ĐHQGHN. Vì vậy, nhà trường ý thức rất cao về công tác giảng dạy Lý luận Chính trị, đặc biệt đối với đội ngũ sinh viên, thanh niên trẻ. GS. Hoàng Anh Tuấn mong muốn thời gian tới, sẽ có những chính sách xây dựng giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ giảng dạy, tập huấn đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cho hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời có những hỗ trợ công tác giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên.
Phó Trưởng Khoa Kinh Tế Chính trị, ĐH Kinh tế, ĐHQGHN Phạm Thị Hồng Điệp chia sẻ về câu chuyện giảng dạy và học tập tại Khoa. PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp đề xuất cần có sự linh hoạt và đổi mới phương pháp giảng dạy để sinh viên tham gia một cách chủ động hơn trong quá trình học tập, cùng với đó cần có quy định, cơ chế đặc thù cho giảng viên giảng dạy các môn Lý luận Chính trị. GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo cần tham mưu để ban Bí thư có những chỉ đạo mới phù hợp, thực sự coi ĐHQGHN như là một trung tâm giảng dạy nghiên cứu hàng đầu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng cần nhìn nhận lại, quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị như một môn khoa học cơ bản, rà soát, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên cơ hữu các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, giáo trình mới. Đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ĐHQGHN trong việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW. Đồng chí Đoàn Văn Báu bày tỏ kỳ vọng, ĐHQGHN cần có những đầu tư xứng tầm cho công tác đào tạo nghiên cứu lý luận chính trị với tính chất là đầu tư cho khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản trực tiếp liên quan đến sự sống còn của chế độ, sự tồn vong và phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời cần tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng tính thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. >>> Các tin bài liên quan: - Nhiều vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW - ĐHQGHN phát huy mọi tiềm lực để tư vấn, tham gia xây dựng chính sách cho Đảng dựa trên các luận cứ khoa học |