TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Câu lạc bộ nhà khoa học 11:04:33 Ngày 28/09/2020 GMT+7
VNU-VSL: Kết nối cộng đồng nhà khoa học vì sự phát triển của ĐHQGHN
Trong giai đoạn 2015-2020, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) liên tục tăng bậc trên các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới. Gần đây nhất, ĐHQGHN đã lọt vào top 150 trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới theo bảng xếp hạng của QS và là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam đứng trong nhóm 801-1000 bảng xếp hạng đại học thế giới 2021 của Times Higher Education (THE).

Đó một phần là kết quả của việc các cấp ủy đảng, chính quyền ĐHQGHN đã sớm có tầm nhìn và triển khai những chính sách đặc thù trong phát triển cán bộ khoa học; trong đó, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành. Việc thành lập Câu lạc bộ nhà khoa học ĐHQGHN (tên tiếng Anh: VNU - Scientist Links, viết tắt: VSL) được xem là một trong những sáng kiến nhằm phát hiện các nhân tài KHCN và hỗ trợ, thúc đẩy công bố khoa học, phát minh sáng chế, đổi mới giảng dạy; đồng thời góp phần phát huy tài năng, trí tuệ của các nhà khoa học trong các chương trình, nhiệm vụ lớn của ĐHQGHN, trong đó có việc xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN.

VSL được thành lập theo quyết định số 463/QĐ-TCCB ngày 07/02/2013 của Giám đốc ĐHQGHN, là tổ chức thuộc ĐHQGHN hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và phi lợi nhuận nhằm kết nối các nhà khoa học trong ĐHQGHN. Được sự quan tâm của Ban Giám đốc cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị, các ban chức năng và với sự hưởng ứng, tham gia của các nhà khoa học của ĐHQGHN, sau hơn 7 năm hoạt động, VSL đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, qua đó góp phần khẳng định vị trí của VSL trong ĐHQGHN, tạo hiệu ứng lan toả cho thương hiệu, uy tín và đã có những đóng góp vào sự phát triển chung của ĐHQGHN.

Trong thời gian qua, VSL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà khoa học giao lưu với nhau, tiếp xúc với các đối tác trong và ngoài nước; kết nối tri thức, thiết lập và phát triển môi trường học thuật để phát huy tối đa năng lực cá nhân, nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm học thuật, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tham gia vào các nhiệm vụ, đơn đặt hàng nghiên cứu từ bên ngoài. VSL đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng, đối thoại, trao đổi và giải quyết các nhiệm vụ chung của ĐHQGHN. Đồng thời. VSL cũng góp phần trong việc định hướng, quy hoạch các nhà khoa học trẻ ĐHQGHN vào nhiệm vụ trọng điểm của ĐHQGHN trong từng giai đoạn phát triển và tạo nguồn quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ tài năng, nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo để tham gia giải quyết các nhiệm vụ, các vấn đề đặt ra của ĐHQGHN. Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN giữ vai trò Chủ tịch VSL, cho thấy sự quan tâm của Ban Giám đốc đối với hoạt động của các nhà khoa học. Ở mỗi giai đoạn, VSL đã có những điều chỉnh nội dung và cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình phát triển của ĐHQGHN.

Trong giai đoạn mới thành lập, VSL tập trung hỗ trợ các nhà khoa học trẻ có công bố quốc tế. ĐHQGHN là đơn vị tiên phong thực hiện chính sách đặc biệt nhằm động viên, khen thưởng tập trung vào các nhà khoa học trẻ, qua đó tiếp thêm động lực cho nhà khoa học trẻ tăng cường công bố quốc tế. Để khuyến khích các nhà khoa học, trong giai đoạn năm 2013 đến 2016, chương trình hỗ trợ công bố quốc tế (thuộc hệ thống ISI và SCOPUS hoặc có chỉ số IF cao) do VSL chủ trì triển khai với tổng số tiền 2.288.000.000 đồng đã được trao cho 164 bài báo và 128 tác giả. Bên cạnh đó, chuỗi hội thảo, chương trình cafe với đa dạng các chủ đề về Hỗ trợ công bố, hợp tác quốc tế, xúc tiến các hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, các chương trình trường hè khoa học… được tổ chức thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học trong toàn ĐHQGHN.

Mặt khác, thành viên VSL được tham gia các đề tài, đề án trọng điểm như: tham gia hỗ trợ Văn phòng Chương trình Tây Bắc, chủ nhiệm các đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc trong quá trình triển khai hợp đồng nghiên cứu; tham gia hỗ trợ Ban Quản lý Trường Đại học Việt Nhật (VJU) chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện các chương trình đào tạo thạc sĩ của VJU; tham gia nghiên cứu, đề xuất chính sách thí điểm trọng dụng, đãi ngộ đối với cán bộ khoa học trình độ cao ở ĐHQGHN; tham gia nhóm xây dựng chiến lược phát triển ĐHQGHN giai đoạn 2015-2020… qua đó học hỏi kinh nghiệm và phát huy năng lực quản lý, triển khai các đề tài, dự án trọng điểm.

Gắn với các hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa ĐHQGHN với các đối tác trong và ngoài nước, VSL đã triển khai rất tích cực bằng nhiều phương thức khác nhau. Với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Bắc, các đề xuất nhiệm vụ KH&CN từ các thành viên VSL được định hướng tập trung vào các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh giai đoạn 2015-2020; các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bảo tồn tài nguyên du lịch và phát triển bền vững. Nhiều đề xuất từ các thành viên của VSL đã được lãnh đạo các tỉnh Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An,... quan tâm, đánh giá cao và hiện thực hóa trong các văn bản ký kết (MOU) giữa hai bên.

Bên cạnh đó, VSL cũng là đầu mối chuyên môn triển khai các đề xuất hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KH&CN với các đối tác trong và ngoài nước, cụ thể như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Đại học Rice (Hoa Kỳ); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo (IPP),...

Tháng 9/2019, VSL đã kiện toàn chức vụ Chủ tịch và Ban điều hành gồm 13 thành viên, đại diện cho các nhà khoa học ở hầu hết các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN, ban hành quyết định về quy định tổ chức và hoạt động của VSL nhằm phù hợp với tình hình mới. Hiện nay, VSL đã trở thành một điểm kết nối quen thuộc, uy tín của các nhà khoa học trong toàn ĐHQGHN với các thức tiếp cận rất đặc biệt, đó là sự kết nối phi hành chính.

Đúng với kỳ vọng và chủ trương của Ban Giám đốc ĐHHQGHN, VSL mở ra những diễn đàn, không gian đối thoại, chia sẻ trong đó các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN được gặp gỡ, đối thoại một cách cởi mở và trên tinh thần tự nguyện; mọi các cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên,… của ĐHHQGHN nếu quan tâm đều có thể tham gia và có thể trao đổi, thảo luận cũng như đề đạt trực tiếp những ý tưởng, nguyện vọng tới Ban điều hành CLB và đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN - những người thường xuyên theo sát và tham dự các sự kiện của VSL một cách tích cực, thường xuyên. Các sự kiện khoa học do VSL tổ chức đề cao tính liên ngành, góp phần bổ sung cho các hoạt động khoa học mang tính chuyên sâu của các đơn vị thành viên ĐHQGHN, góp phần tạo ra những cuộc gặp gỡ, kết nối có ý nghĩa tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, như khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, khoa học xã hội nhân văn,… từ đó giúp nâng cao tinh thần và sức mạnh OneVNU trong cộng đồng khoa học ĐHQGHN. VSL thông qua các sự kiện khoa học đem lại cho người tham dự những kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực đa dạng.

Có thể kể đến một số sự kiện tiêu biểu thuộc chuỗi VSL-TALK và VSL-Workshop mà VSL đã tổ chức  trong thời gian gần đây như: Hội thảo Tăng cường ảnh hưởng của công bố khoa học quốc tế: cách tiếp cận mới để bài báo được chấp nhận và trích dẫn (diễn giả: TS. Wong Woei Fuh, Giám đốc Công ty IES thuộc tập đoàn IGroup (Asia Pacific), Tọa đàm Kinh nghiệm và phương pháp xây dựng chiến lược KHCN - Định hướng chiến lược cho các nhà khoa học trẻ (diễn giả là PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam), Tọa đàm Thúc đẩy quyền năng phụ nữ trong khoa học (diễn giả: PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Trường ĐH Kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Hà - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, TS. Trịnh Lê Anh - Trường ĐH KHXH&NV, TS. Đoàn Thu Trang - Khoa Quốc tế), Workshop về viết hồ sơ sở hữu trí tuệ (diễn giả: TS. Phạm Ngọc Pha - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ KH&CN; TS. Nguyễn Trần Thuật - Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; PGS.TS. Trần Xuân Tú - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh, Trường ĐH Công nghệ); Tọa đàm Quản lý hiệu quả trong khu vực công (diễn giả: PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế); Tọa đàm Quản trị đại học trước xu thế tự chủ và hội nhập (diễn giả: TS Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Trực tuyến FUNiX, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN; TS. Phạm Hùng Hiệp - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia)…

VSL cũng tích cực thực hiện vai trò tư vấn về chiến lược phát triển ĐHQGHN, thông qua việc thành viên Ban điều hành và các nhà khoa học của VSL cũng tích cực tham gia vào nhóm xây dựng chiến lược, tổ chức Tọa đàm “Góp ý xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

VSL là điểm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN, trong và ngoài nước thông qua việc thường xuyên mời các diễn giả, các chuyên gia đến từ ngoài ĐHQGHN (trong đó có các chuyên gia nước ngoài) tới thuyết trình, chia sẻ các thông tin khoa học hữu ích. Có thể kể đến những sự kiện của VSL như tọa đàm Tăng cường ảnh hưởng của công bố khoa học với diễn giả là TS. Woei Fuh Wong – người có kinh nghiệm 10 năm là chuyên gia cao cấp của Thomson Reuters, Giám đốc Innovation Education Services, iGroup (Asia Pacific), Tọa đàm về Những kỹ năng tương lai trong Cách mạng công nghiệp 4.0 do chuyên gia Jean Y. Foo đến từ Luxcer Future Skills Academy – Singapore trình bày, tọa đàm về đổi mới sáng tạo trong trường đại học với sự tham gia của các chuyên gia từ Arizona State University,… Trong các sự kiện của mình, VSL luôn chào mừng các nhà khoa học ngoài ĐHQGHN tham gia, đóng góp.  Sự giao lưu rộng mở này góp phần giúp cho các nhà khoa học ĐHQGHN cập nhật được các xu hướng, các thông tin mới mẻ, đồng thời cũng giúp các nhà khoa học ĐHQGHN lan tỏa tri thức, kinh nghiệm của mình tới cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Không chỉ tổ chức các hoạt động trực tiếp tại các địa điểm trong ĐHQGHN, VSL còn chú trọng các hoạt động thúc đẩy cộng đồng khoa học ĐHQGHN thông qua nền tảng số, tận dụng những ưu thế của công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. VSL duy trì hoạt động fanpage và facebook group CLB Nhà khoa học ĐHQGHN một cách thường xuyên, với việc chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời về các hoạt động của CLB, các thông tin khoa học từ ĐHQGHN và các đơn vị thành viên. Fanpage của VSL đã trở thành một địa chỉ tin cậy chia sẻ thông tin về các tài trợ nghiên cứu, các học bổng, các hội thảo, các webinar,… thuộc nhiều lĩnh vực. VSL đã phối hợp cùng các đơn vị hay hỗ trợ truyền thông trong nhiều sự kiện khoa học, tiêu biểu như các hội thảo “Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến hành vi chi tiêu – tiết kiệm – đầu tư ở Việt Nam”, “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại số”,… do các đơn vị ĐH Kinh tế, Viện Quốc tế Pháp ngữ tổ chức. Các thông tin khoa học đến từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ĐHQG được Ban điều hành VSL chọn lọc và chia sẻ một cách thường xuyên, chủ động trên fanpage và group của CLB, với mục đích đem lại nhiều nhất những thông tin hữu ích cho các nhà khoa học ĐHQGHN.

Với uy tín ngày một nâng cao, nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước đã lựa chọn VSL là đối tác tin cậy để hợp tác, kết nối về khoa học. VSL vinh dự là đại diện giới thiệu các nhà khoa học ĐHQGHN tham gia các sự kiện khoa học uy tín, như Rapido UTS Technology Transfer Workshop của University of Technology Sydney, Lower Mekong Initiative - Young Scientist Program - Yangon, Myanmar 12-13/11/2019 do Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar và Arizona State University tổ chức, ASEAN Scientist Leaders Program 2019, Global Young Vietnamese Scholars 2019,…

Với những kết quả đạt được, VSL mong muốn sẽ ngày càng phát triển, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN, trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ĐHQGHN nói riêng, của Việt Nam và thế giới nói chung. Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN hy vọng sẽ là địa chỉ đồng hành tin cậy của các nhà khoa học ĐHQGHN, hỗ trợ hiệu quả nhất cho sự thành công của các nhà khoa học trong quá trình học tập, công tác tại ĐHQGHN.

>>>>> Các thông tin liên quan:

- VNU – VSL: Nhịp cầu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

- VNU – VSL: Tọa đàm số 3 về chủ đề “Thúc đẩy quyền năng phụ nữ trong khoa học”

- VISL: cầu nối của tri thức, gia tăng các giá trị khoa học

 Kim Dung
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ