Tượng Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư Ý nghĩa sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt và vai trò của Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc Trong phần lớn các bộ thông sử cũng như sách chuyên khảo từ trước tới nay, nhân vật Đinh Bộ Lĩnh thường được gắn với chiến công “dẹp loạn 12 sứ quân” và thống nhất đất nước. Nhà nước Đại Cồ Việt hình thành là thành quả tất yếu của sự nghiệp nói trên[1]. Nhận định như vậy về cơ bản là đúng, nhưng nếu nghiên cứu sâu thêm bối cảnh lịch sử trước và sau thời kỳ lịch sử đó thì cách nhìn nhận này dường như chưa đủ. Từ một cách tiếp cận khác và dựa vào một số công trình nghiên cứu gần đây, tác giả bài viết thử đưa ra một cách nhìn mới với hy vọng góp phần nâng cao thêm một bước nhận thức về vai trò của Đinh Bộ Lĩnh và vị trí của nhà nước Đại Cồ Việt Trong lịch sử dân tộc. 1. Kết thúc Bắc thuộc là một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ và phức tạp Hơn 1000 năm dưới ách cai trị hà khắc với chính sách đồng hóa ráo riết của phong kiến phương Bắc là một thử thách hiểm nghèo của nhân dân Âu Lạc. Sau chừng ấy thời gian mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và giành lại độc lập là hiện tượng hy hữu đến mức có thể coi là duy nhất trong lịch sử thế giới. Kết thúc thời kỳ Bắc thuộc không thể chỉ là một sự kiện mà phải coi là sự tích lũy của cả một quá trình. Trước hết phải kể đến các cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ thể hiện tinh thần bất khuất từ khởi Hai Bà trưng, Bà Triệu đến Lý Bí Mai, Thúc Loan…Thành quả của những phong trào mang tính phản kháng trực diện này đã khiến các chính quyền đô hộ phải chùn tay, cân nhắc trước khi định áp dụng những chính sách đồng hóa thô bạo. Nhưng quan trọng và thường xuyên hơn là bản lĩnh và ý thức của dân chúng ở các làng quê quyết tâm bằng mọi cách giữ gìn lối sống riêng của mình. Ở đây đã diễn ra cuộc đấu tranh dường như không cân sức giữa một bên là một nền văn minh Hoa Hạ rực rỡ, được hậu thuẫn bởi chính quyền đô hộ với một bên là nền văn minh lúa nước chỉ được “bao bọc bởi các lũy tre làng”. Lịch sử thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đã chỉ ra rằng những giá trị của văn minh ngũ cốc vùng lưu vực sông Hoàng Hà (nông nghiệp khô) đã không thắng được văn minh nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ sông Hồng. Trong hơn 10 thế kỷ, chính quyền đô hộ đã không thể kiểm soát được làng xã. Chưa thấy bất cứ tư liệu lịch sử nào (của Trung Quốc) nói về việc chính quyền cai trị phương Bắc tiến hành đo đạc hoặc nắm được số liệu ruộng dất ở các làng xã [2]. Đấy cũng chính là quan điểm của nhiều nhà sử học khi cho rằng trong thời Bắc thuộc “người Việt mất nước nhưng không mất làng” [3]. Một chuyển biến quan trọng trong những “bầu trời riêng” ấy là sự hình thành các tầng lớp hào trưởng. Họ là những người có thế lực ở các địa phương đã lãnh đạo nhân dân chống lại chính quyền đô hộ. Tầng lớp hào trưởng thực sự có vai trò quan trọng trong việc đưa sự nghiệp giành lại độc lập cho người Việt sang một giai đoạn mới [4]. Vào đầu thế kỷ X, một trong số đó là Khúc Thừa Dụ. Nhân sự rối ren ở Trung Nguyên, ông đã đem quân bản bộ chiếm lấy phủ thành Tống Bình, nhưng khôn khéo tự xưng là Tiết độ sứ - chức quan đứng đầu Tĩnh Hải quân, một đơn vị hành chính phía nam của nhà Đường, để từng bước thi hành các chính sách khôi phục quyền tự chủ. Sau ba đời họ Khúc rồi đến họ Dương, các thủ lĩnh Việt đã phải thực hiện kế sách trên danh nghĩa chính thức là quan trấn trị địa phương trong hệ thống chính quyền của phong kiến Trung Hoa trong suốt hơn 30 năm. Đây là một sách lược khôn khéo nhằm tránh đối đầu trực diện với phương Bắc, nhưng cũng cho thấy sự nghiệp giành lại độc lập thực sự không hề đơn giản. Thực lực của các hào trưởng có xu hướng ly khai cũng chưa đủ mạnh để làm điều đó. Hơn nữa, trong nội bộ tầng lớp này vẫn tồn tại trình trạng ly tán xuất phát từ tâm lý tranh giành quyền lợi cục bộ mà điển hình là trường hợp Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ vào năm 937. Dù đây chỉ là trường hợp cá biệt nhưng đã có tác động tiêu cực không nhỏ đến tiến trình khẳng định nền tự chủ. Đã vậy, vì quyền lợi cá nhân, Kiều Công Tiễn còn đi cầu cứu Nam Hán để Lưu Cung có cớ sai Hoằng Tháo đem quân vào can thiệp. Trước nguy cơ nền tự chủ mong manh mới được gây dựng có thể một lần nữa lại bị mất vào tay chính quyền phương Bắc, Ngô Quyền - một bộ tướng của Dương Đình Nghệ đã tập hợp lực lượng của các hào trưởng tiến hành một kháng chiến và giành thắng lợi oanh liệt trên sông Bạch Đằng vào năm 938. Chiến thắng Bạch Đằng là trận chung kết toàn thắng của người Việt trong cuộc đấu tranh vô cùng bền bỉ và anh dũng. Từ đây, ý đồ muốn tái lập lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc bị đè bẹp, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ được. Nhận định về sự kiện này, nhà sử học Lê Văn Hưu viết: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được…” [5]. Công lao lớn của Ngô vương Quyền là diệt trừ được mối họa chia rẽ nội bộ, hướng lực lượng của các hào trưởng vào công cuộc chống quân Nam Hán. Chiến thắng Bạch Đằng là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, và hơn thế, còn có ý nghĩa khẳng định ý chí và khả năng bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Nhưng đáng tiếc vị anh hùng dân tộc đã qua đời khi mới vừa 47 tuổi. Trong thời gian vô cùng ngắn ngủi, trên đỉnh cao của chiến thắng, ông mới chỉ kịp xưng Vương vào năm 939, khẳng định vị thế của một chính quyền hoàn toàn độc lập và cho dời thủ phủ từ Tống Bình về Cổ Loa, thể hiện ý chí nối lại truyền thống mà nhân dân Âu Lạc đã xây dựng dưới thời An Dương vương. Sau hơn mười thế kỷ bị chia cắt, tách nhập vào các thực thể hành chính khác nhau của Trung Hoa. Lúc đầu bị sáp nhập trở thành quận, huyện của nước Nam Việt dưới quyền cai trị của họ Triệu, sau đó trở thành một bộ phận của Giao châu thuộc Hán và các triều đại tiếp theo (bao gồm cả một phần đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam ngày nay). Đến năm 679 nhà Đường lập ra An Nam đô hộ phủ. Đất Âu Lạc xưa nằm trong đó. Đến đời Ý tông (859-873) vua Đường cho đổi thành Tĩnh Hải quân, bao gồm 12 châu gồm có Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn, Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An, trong đó địa phận 4 châu Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An chủ yếu nằm trên đất Trung Quốc hiện nay [6]. Dưới thời trị vì của Ngô vương Quyền và những năm sau đó không thấy có tài liệu nào nói về việc nhà vua đặt quốc hiệu, thiết lập hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả việc xác định cương thổ, biên giới [7]. Trong suốt thời gian từ năm 939 đến năm 968 niên hiệu Trung Quốc vẫn được sử dụng. Có thể nói sau chiến thắng Bạch Đằng, một chính quyền độc lập đã được thành lập, nhưng một quốc gia hoàn chỉnh vẫn chưa hình thành. Không phải vô tình mà các bộ biên niên sử thời phong kiến đều chép thời nhà Ngô vào phần Ngoại kỷ (Đại Việt sử ký toàn thư quyển 5), hoặc Tiền biên (Việt sử thông giám cương mục quyển 5). 2. Thực chất của “loạn 12 sứ quân” Sứ quân là danh xưng được các sử gia thời phong kiến dùng để chỉ các hào trưởng “nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ” [8] trước khi triều Đinh thành lập. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do sự rạn nứt trong chính quyền sau sự kiện Dương Tam Kha tiếm ngôi vương, nhưng quan trọng hơn là vì trước đó chính quyền Cổ Loa được tạo dựng chủ yếu dựa vào uy tín và mưu lược của Ngô Quyền. Những người kế tục sự nghiệp của ông không có đủ tài năng và đức độ để các hào trưởng tuân phục. Nhiều người trong số họ từng phò giúp Dương Đình Nghệ và chiến đấu dưới cờ ông đã lần lượt bỏ về làm thủ lĩnh địa phương, “không ai chịu thống thuộc vào ai” [9] tạo nên cục diện 12 sứ quân. Điều cần bàn ở đây là liệu có thỏa đáng khi gọi cục diện này là “loạn” và đương nhiên những người đứng đầu các sứ quân là những “kẻ phản loạn”? Theo tôi là không nên vì những lý do sau đây: Thứ nhất, đây là quan niệm của các sử gia phong kiến dưới lăng kính của thời kỳ Nho giáo độc tôn. Ngô Sỹ Liên đã ví cục diện này giống như thời Ngũ đại ở Bắc triều [10]. Quan niệm này tiếp tục được các nhà nghiên cứu sau này sử dụng như một sự thừa nhận mặc nhiên. Thậm chí có tác giả còn gia cố thêm tính chất “loạn lạc” để đề cao công lao “dẹp loạn” của Đinh Bộ Lĩnh [11]. Cách nhìn nhận này thực ra chưa phản ánh hết tầm vóc của sự nghiệp tạo dựng nền tảng thống nhất cho một quốc gia, cái mà trước đó chưa có. Nếu như tính chất “hùng cứ” của các hào trưởng được hình thành trên nền kinh tế tự cấp, tự túc của các làng xã từng là sức mạnh giúp người Việt đề kháng thành công trước các chính sách đồng hóa ráo riết của chính quyền đô hộ thì sau khi giành được độc lập lại trở thành trở lực cho việc xây dựng một quốc gia thống nhất. Cục diện sứ quân chính là biểu hiện của xu thế đó. Thứ hai và là điều hết sức quan trọng, đó là quan niệm này dường như không thật đúng với thực tế lịch sử lúc đó. Trước khi các hào trưởng hưởng ứng lời kêu gọi của Ngô Quyền góp sức cùng đánh quân Nam Hán, họ đã là những người có ảnh hưởng rất lớn ở các địa phương (chứ không phải là các thế lực cát cứ làm một đất nước thống nhất bị tan rã thành nhiều phần như mô tả của nhiều tác giả sau này). Khi nền tảng thống nhất quốc gia chưa được tạo dựng, những người nắm chính quyền lại không đủ uy đức để thu phục thì các thủ lĩnh trở về hùng cứ ở địa phương mình là điều khó tránh khỏi như một lẽ tự nhiên. Mặt khác, hầu như có rất ít sử liệu mô tả những trận chiến giữa các sứ quân gây nên cảnh loạn lạc. Vì vậy cách gọi là “loạn 12 sứ quân”, theo tôi là không phù hợp. Thứ ba, căn cứ và các thần tích, thần phả, hầu hết các sứ quân đều là những nhân vật được nhân dân địa phương tôn kính, trân trọng như những anh hùng. Họ được dân tôn làm làm thành hoàng, phúc thần và lập đền miếu thờ phụng [12]. Vì vậy việc coi các sứ quân như những người cầm đầu các cuộc nổi loạn dễ động chạm đến tâm tư, tình cảm của nhân dân các vùng tôn thờ họ. Với ý nghĩa đó, tôi thiết nghĩ chúng ta nên bỏ cách dùng “loạn 12 sứ” để thay vào đó là cụm từ cục diện 12 sứ quân. Cách diễn đạt này vừa phản ánh sát hơn với lịch sử, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân các vùng từng là địa bàn hoạt động của sứ quân. 3. Cần phải đánh giá thế nào về vai trò của Đinh Bộ Lĩnh và vị trị của nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Tài quân sự thao lược của Đinh Bộ Lĩnh là điều không cần phải bàn cãi. Sử gia Lê Văn Hưu đã có lời bình rất xác đáng về ông : “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết[13]”. Là con trai của Đinh Công Trứ, một bộ tướng của Tiết Độ sứ Dương Đình Nghệ, lúc sinh thời từng giữ chức Thứ sử châu Hoan. Có một thời gian sống ở quê nhà sau khi người cha qua đời, Đinh Bộ Lĩnh vừa kế thừa được truyền thống của gia đình, vừa có điều kiện gần gũi với cuộc sống bình dân. Vốn là một hào kiệt có nhãn quan chính trị sáng suốt, Đinh Bộ Lĩnh sớm nhận ra sự yếu kém của những người kế tục sự nghiệp của Ngô Quyền ở Cổ Loa nên đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải khẩu (vùng Thái Bình ngày nay) để phát triển lực lượng. Trước thanh thế của ông, một trong những sứ quân hùng mạnh nhất khi ấy là Phạm Phòng Át ở Đằng Châu (vùng Hải Dương ngày nay), người đã từng chiếm giữ cả một vùng đông bắc rộng lớn, đã dẫn quân về Hoa Lư hợp sức và được Đinh Bộ Lĩnh phong là thân vệ Đại tướng quân. Đối với hầu hết các sứ quân khác, Đinh Bộ Lĩnh chủ yếu tìm cách thu phục. Trừ một số sứ quân kiên quyết đương đầu như Kiều Công Hãn ở Phong Châu (vùng Phú Thọ ngày nay) và Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang (vùng Thanh Oai, Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), ba anh em họ Nguyễn [14], các sứ quân còn lại đều lần lượt theo về Hoa Lư. Sự nghiệp thống nhất mà Đinh Bộ Lĩnh đã tạo ra không đơn thuần là kết cục của một cuộc chiến phe phái trong đó người mạnh nhất giành chiến thắng mà là thắng lợi của một xu thế. Công cuộc tái lập quốc và bảo vệ nền độc lập non trẻ sau khi chính quyền độc lập sau một thời kỳ đấu tranh bền bỉ mới giành lại được, cần một nền tảng thống nhất vững chắc. Đinh Bộ Lĩnh đã làm được điều đó. Hơn thế, chấm dứt tình trạng các sứ quân hùng cứ một phương còn đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo dân chúng nên đã được ủng hộ rộng rãi. Sự kiện có ý nghĩa đầu tiên sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất là việc định đô chính thức đặt tên nước và xưng đế. Sử cũ chép: “Mậu Thìn, năm thứ 1 [968]. Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt [15], dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”[16]. Để khẳng định ngôi vị hoàng đế, một danh xưng thể hiện tinh thần bình đẳng với các hoàng đế Trung Hoa[17], năm sau (969) ông phong con trưởng Đinh Liễn làm Nam Việt vương. Một góc phong cảnh Cố đô Hoa Lư ngày nay Trên cương vị đứng đầu một nhà nước chính thức có Quốc hiệu, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình thay thế cho niên nhà Tống và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền thống nhất từ trung ương tới các địa phương. Ở Trung ương bắt đầu quy định rõ triều đình tổ chức theo Lưỡng ban (Văn và Võ). Nguyễn Bặc được phong Định Quốc công, được giao quyền đứng đầu hàng quan văn. Bên cạnh ông là Lê Hoàn với chức Thập đạo tướng quân được giao trông coi toàn bộ quân đội. Cùng với hai ban, còn có chức Đô hộ phủ sĩ sư, thực chất là quan đứng đầu đội ngũ coi việc luật pháp, hình ngục. Mặt khác, trong bối cảnh khi ấy, nhà Đinh hầu như không dựa vào các giáo lý của đạo Nho để xây dựng chính quyền, mà chủ yếu trông cậy vào các trí thức Phật giáo, trong số đó phải kể đến các chức đứng đầu hàng tăng quan như Tăng thống do Ngô Chân Lưu đảm trách. Do có vị trí quan trọng ông còn được ban hiệu là Khuông Việt đại sư (Đại sư phò giúp nước Việt). Giúp cho Tăng thống còn có chức Tăng lục được giao cho sư Trương Ma Ni[18]. Ngoài ra còn có cả chức Sùng chân uy nghi cho người đứng đầu Đạo giáo. Như vậy là chính quyền mới được xây dựng của nhà nước Đại Cồ Việt đã là một hệ thống tổ chức phức hợp, gồm các bộ phận quan văn, quan võ, quan pháp và các tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo) đã được sắp xếp khá quy củ. Đây là một bộ máy trung ương tập quyền vững mạnh. Để duy trì quyền lực trung ương, nhà Đinh và sau đó cả nhà Tiền Lê đã áp dụng những điều luật và hình phạt rất khắc nghiệt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm” [19]. Chính quyền trung ương tập quyền còn dựa trên một lực lượng quân sự hùng mạnh. Khi ấy cả nước chia làm 10 Đạo và quân đội cũng theo đó để chia ra trấn giữ. Người đứng đầu lực lượng vũ trang ấy thường được coi là có vị trí thứ hai sau Hoàng đế (Phó vương). Trong hoàn cảnh một đất nước hàng năm phải gánh chịu hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra, lại thường xuyên bị ngoại xâm đe dọa, xây dựng một chính quyền vững mạnh theo hướng Trung ương tập quyền phù hợp, đáp ứng với đòi hỏi khách quan. Nhà nước Đại Cồ Việt được xây dựng theo xu thế đó và đã tạo ra phương hướng phát triển của hình thức chính quyền này cho thời kỳ tiếp sau. Các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn có những cải biến về hình thức và điều chỉnh ít nhiều trong bệ đỡ tư tưởng, nhưng về đại thể, đều là những chính thể Trung ương tập quyền mạnh. Ở đây có thể thấy đóng góp không nhỏ của những người xây dựng nên nhà nước Đại Cồ Việt. Cùng với những cố gắng trên phương diện xây dựng bộ máy nhà nước, Đinh Tiên Hoàng đã có những đóng góp lớn lao trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Trước hết phải kể đến việc nhà Đinh cho đúc và phát hành đồng tiền Thái Bình hưng bảo [20]. Đây có thể là đồng tiền cổ nhất của nước ta. Việc phát hành tiền riêng, không phụ thuộc vào tiền Trung Quốc không chỉ thể hiện ý chí độc lập tự cường mà còn là một chính sách có tầm chiến lược về một nền tài chính độc lập, góp phần to lớn vào sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Cùng với những chính sách đối nội, nhà Đinh đã dành sự chú tâm đặc biệt cho công việc đối ngoại, đặc biệt là với phương Bắc. Năm 971, ngay sau khi triều Tống đánh bại Lưu Xưởng, diệt Nam Hán, Đinh Tiên Hoàng đã cử ngay sứ đoàn sang Trung Quốc để giao hảo. Từ đó cho đến trước khi qua đời vào năm 979, Đinh Tiên Hoàng đã liên tục cử các sứ đoàn với mức độ khác nhau nhằm tăng cường xây dựng quan hệ hòa hiếu với nhà Tống. Lúc này các sứ đoàn nhà Tống cũng thường qua lại Đại Cồ Việt và các sư tăng đã đóng vai trò hết sức quan trong sứ mệnh ngoại giao. * * * Đền Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời thực sự là một dấu mộc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất thông suốt từ trên xuống giới, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ… Đại Cồ Việt là một quốc gia độc lập với đầy đủ các tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Sự nghiệp tái lập quốc của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn. Đinh Bộ Lĩnh là người có công đầu và là công lớn nhất trong sự nghiệp vĩ đại này. Chính ông là người đã tạo ra nền tảng thống nhất cho một quốc gia, điều mà trước đây chưa có. Sự nhất nhất ý chí của các hào trưởng địa phương chống lại chính quyền phương Bắc chưa đạt tới mức độ làm nền tảng thống nhất cho một quốc gia. Chính vì vậy nó phục thuộc rất nhiều vào uy tín của cá nhân thủ lĩnh. Chính vì vậy mà sau cái chết của Ngô vương Quyền, cục diện 12 sứ quân liền xuất hiện. Tầm nhìn, tài năng và bản lĩnh của ông còn thể hiện ở việc xưng làm Hoàng Đế và sau đó đề xuất nhà Tống phong Vương cho con trai Đinh Liễn. Đó là sự thể hiện hiên ngang quyền ngang hàng với hoàng đế của nhà Tống. Từ đây trở về sau các vua Việt nam đều xưng là hoàng đế. Nhưng để tránh đối đầu đế chế Tống hùng mạnh, Đinh Tiên Hoàng luôn thực thi chính sách ngoại giao mềm dẻo. Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đủ thời gian chuẩn bị để đến 12 năm sau đủ sức đánh cho quân Tống đại bại trên song Bạch Đằng vào năm 981. Thiết chế Trung ương tập quyền được dựng đặt bởi Đinh Tiên Hoàng không đơn giản chỉ là một kiểu tổ chức nhà nước mà là kết tinh trí tuệ của một vị hoàng đế sáng suốt đã tìm phương thức chính quyền phù hợp với hoàn cảnh Việt nam. Chính vì vậy mà sự kiện thành lập triều Đinh và Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đến năm 968 cần được xem như một dấu mốc mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Sử gia các triều đại trước đây đã rất rất sáng suốt khi đặt vương triều Đinh vào chương mở đầu cho phần Bản kỷ (Đại Việt sử ký toàn thư) hoặc phần Chính biên (Việt sử thông giám cương mục) với ý nghĩa triều đại mở đầu cho kỷ nguyên độc lập của dân tộc. GS. Vũ Minh Giang (thứ 2 từ phải sang) tại Hội thảo khoa học quốc gia "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam" được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, ngày 12/4/2018 Chú thích: [1] Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn 1963: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I. NXB Giáo dục, Nguyễn Danh Phiệt 1990: Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước. NXB KHXH, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991): Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Đại học và THCN, Trần Thị Vinh (Chủ biên), 2013: Lịch sử Việt Nam, tập 2, NXB KHXH … [2] Vũ Minh Giang, 1988: Sự phát triển của chế độ sở hữu ruộng đất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tạp chí Khoa học, số 3/1988. [3] Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, 1983: Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Ðại Học và THCN, tr. 373. [4] Phạm Lê Huy, 2017: Tầng lớp thủ lĩnh Giao châu – An nam thời đô hộ Tùy Đường (Luận án tiến sĩ sử học) [5] Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 (bản dịch), 1993, NXB KHXH, tr. 204. [6] Đào Duy Anh, 2005: Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Văn hóa thông tin, tr 102-103 [7] Nguyễn Khắc Thuần trong sách Thế thứ các triều vua Việt Nam (NXB Giáo dục, 2008, tr.41) cho rằng Ngô Quyền đã bàn giao 4 châu này cho Nam Hán "để tiện việc phòng thủ", nhưng không thấy dẫn theo tài liệu nào. [8] Đại Việt sử ký toàn thư , đã dẫn, tr. 208. [9] Đại Việt sử ký toàn thư , đã dẫn, tr. 209. [10] Đại Việt sử ký toàn thư , đã dẫn, tr. 209. [11] Nguyễn Danh Phiệt 1990: Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước. NXB KHXH. [12] Sứ quân Phạm Bạch Hổ được nhân dân nhiều nơi thuộc Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình lập đền thờ như: Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình,... tôn thờ. Hầu hết các nơi thờ này thuộc khu vực đạo Hải Đông xưa, tức vùng Đông Bắc Việt Nam ngày nay vốn gắn bó nhiều với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Sứ quân Nguyễn Khoan được thờ ở nhiều đình miếu và có đền thờ riêng ở Gia Loan, Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Đền thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia... Ông được dân tôn làm thành hoàng làng. [13] Đại Việt sử ký toàn thư, đã dẫn, tr. 211. [14] Theo thần tích thì tổ tiên ba anh em họ Nguyễn (Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu) vốn quên ở Phúc Kiến sang Tĩnh Hải quân, lấy vợ Việt vào đầu thế kỷ X. Sau này ba anh em đều là những người giàu có, thế lực mạnh và trở thành thủ lĩnh địa phương đã từng phò giúp Ngô Quyền. Khi Ngô vương qua đời họ bất tuân chính quyền Cổ Loa trở thành ba sứ quân liên kết với nhau. Tham khảo Nguyễn Danh Phiệt, "Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước", NXB KHXH, 1990. tr 29, 30, 33) [15] Về ý nghĩa Quốc hiệu Đại Cồ Việt hiện còn có những ý kiến khác nhau, nhưng đa số đều nghiêng theo cách giải thích cho rằng Đại Cồ có nghĩa là to lớn. Ở đây chữ Cồ là một từ cổ đồng nghĩa với chữ Đại, một từ Hán Việt. Nhiều khả năng Đại Cồ là một từ láy nghĩa thường gặp trong tiếng Việt như Xe cộ, Thuyền bè…. [16] Đại Việt sử ký toàn thư, đã dẫn, tr. 211. [17] Trong quan niệm chính trị Trung Hoa thì những lịch sử của nước này bắt đầu từ một thời kỳ mang đậm tính huyền thoại là Tam Hoàng Ngũ Đế. Đến năm 221 người đứng đầu nước Tần sau khi thông nhất Trung Hoa, kết thúc thời Chiến quốc đã chính thức xưng là Hoàng Đế và coi mình là Hoàng Đế đầu tiên (Tần Thủy Hoàng Đế). Từ đó trở đi danh xưng này chỉ dành riêng cho những người đứng đầu đế chế Trung Hoa. Các vị quân vương ngoài Trung nguyên đều là chư hầu với các tước hiệu Vương (nếu thần phục Trung Hoa và được sắc phong của Hoàng đế) hoặc Bá (những người chưa nhận sắc phong). Người đầu tiên xưng Đế và đặt quốc hiệu ở Việt Nam là Lý Bí (Lý Nam Đế, niên hiệu Thiên Đức). Nhưng ở ngôi chí được 4 năm. [18] Có ý kiến cho rằng Ma Ni không phải là tên người mà là một phái của Phật giáo. [19] Đại Việt sử ký toàn thư, đã dẫn, tr. 211. [20] Theo Bernard J.Permar (The coins collection of Annam, 968 - 1955.Sài Gòn 1963) và Phạm Quốc Quân (Ghi chú về tiền “Thái Bình hưng bảo”, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2008) thì đồng tiền này nhiều khả năng là Đại Bình hưng bảo (大平興寶), chứ không phải là Thái Bình hưng bảo (太平興寶) như quan điểm phổ biến hiện nay.Tác giả bài viết này còn đề cập đến việc đã thấy đồng tiền Đại Việt thông bảo có rất nhiều tính chất giống tiền thời Đinh và đưa ra giả thuyết về đồng tiền thứ hai của triều đình này. |