Đây là dự án duy nhất (trong số 3 dự án) có nội dung triển khai liên quan đến công nghệ, được nhận tài trợ 1 triệu đô la Úc từ Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation giữa Chính phủ Úc và Việt Nam. Dự án này được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu hỗn hợp của Trường Đại học Công nghệ Sydney, Úc và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.
Đại sứ Úc tại Việt Nam bà Robyn Mudie
Phát biểu tại Lễ khởi động Dự án, Đại sứ Úc tại Việt Nam bà Robyn Mudie đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học đã tham gia Chương trình Aus4Innovation - một chương trình đang triển khai với tổng giá trị 11 triệu đô la Úc. Bà Đại sứ cho biết, dự án "Hệ thống nước bền vững áp dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên” sẽ triển khai một mô hình mới nhằm giảm bớt asen trong nước và nâng cao chất lượng nước giúp người dân nuôi trồng thủy sản.
Bà Đại sứ đánh giá cao những chia sẻ các bài học mà Úc đã có được trong lĩnh vực công nghệ để giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Dự án của nhóm hỗn hợp ĐH Công nghệ Sydney và Trường ĐH Công nghệ là một dự án điển hình khi 2 bên đưa ra mô hình Rapido (đội ngũ kỹ sư cầu nối giữa hàn lâm và doanh nghiệp) đã triển khai thành công ở Úc và có cải tiến để phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã chúc mừng sự thành công của các nhà khoa học, chúc sự gắn kết giữa các đại học Việt Nam và Úc ngày càng có thêm những kết quả mới. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn Đại học Công nghệ Sydney, Đại sứ quán Úc, và đặc biệt Bộ KHCN quan tâm ủng hộ và có những hỗ trợ tiếp theo để phát huy hiệu quả của dự án. Về phía ĐHQGHN cũng sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ tương ứng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác giữa ĐH Công nghệ Sydney và ĐHQGHN nói riêng, và giữa hai nước nói chung, trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với việc triển khai dự án này, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho rằng, yếu tố con người nắm vai trò quyết định trong quá trình chuyển giao. Việc xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học, mô hình Rapido tại Việt Nam sẽ là chìa khóa đảm bảo cho sự bền vững của dự án.
Dự án là kết quả hoạt động của Trung tâm hợp tác Nghiên cứu và Đổi mới công nghệ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Công nghệ Sydney, chính thức vận hành từ tháng 3/2017 tại Trường Đại học Công nghệ. Qua quá trình triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học trong những năm vừa qua, nhóm nghiên cứu đề xuất ứng dụng nền tảng IoT, trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn trong hệ thống quản lý nước tại địa phương cũng như những vùng sâu vùng xa nhằm tằng cường khả năng xử lý nước, cải thiện hệ thống giám sát chất lượng nước, giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong nguồn nước và xây dựng hệ thống dễ tiếp cận, được quản lý bởi cộng đồng địa phương.
Đặc biệt, Dự án đã xây dựng mô hình kết nối và tạo cầu nối giữa trường đại học - hàn lâm với công nghiệp, thể hiện thông qua hệ thống Rapido được Đại học Công nghệ Sydney chuyển giao, thử nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp Việt Nam.
Qua dự án, xây dựng một mô hình chuyển giao công nghệ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kết quả nghiên cứu, phát triển với chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động trong dự án còn hướng tới việc hướng dẫn cộng đồng người dân cách tiếp cận dữ liệu về chất lượng nước trực tuyến, cũng như cách sử dụng các dữ liệu đó để vận hành hệ thống này hàng ngày; phát triển các hệ thống lọc nước mới với hiệu suất cao, áp dụng công nghệ và thiết kế mới.
>>>>> Các tin bài liên quan:
- Nhóm nhà khoa học của Trường ĐH Công nghệ tham gia Dự án được Aus4Innovation tài trợ kinh phí triệu đô
- Lễ ký kết “đối tác công nghệ chiến lược” giữa Trường Đại học Công nghệ và Đại học Công nghệ Sydney, Úc
- Nghiên cứu sinh của Trường ĐH Công nghệ với cơ hội học bổng hơn 2,1 tỷ |