Nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập Khoa Y Dược – ĐHQGHN (VNU-SMP), Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành – Chủ nhiệm Khoa Y Dược, Giám đốc Bệnh viện E về chặng đường phát triển của Khoa thời gian qua: - Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết đôi điều về lịch sử hình thành phát triển VNU-SMP? VNU-SMP được hình thành và phát triển trong ĐHQGHN - một đại học đa ngành, đa lĩnh vực xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với xu thế chung của các đại học đa ngành tiên tiến trên thế giới và phát huy truyền thống đào tạo Y Dược của Đại học Đông Dương – đơn vị tiền thân của ĐHQGHN. Sứ mệnh ĐHQGHN là phát triển và sáng tạo dựa vào tri thức. Hiện ĐHQGHN có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành uy tín trong nhiều lĩnh vực, đội ngũ các giảng viên tâm huyết. ĐHQGHN sẽ là nơi sinh viên có thể sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu khoa học. ĐHQGHN đã, đang và sẽ đưa trí tuệ, lực lượng tri thức góp phần giải quyết những vấn đề của đất nước. Khi thành lập, Giám đốc ĐHQGHN qui định, về mặt tổ chức, Khoa là một đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHQGHN, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, với chức năng đào tạo đại học, sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực y, dược; nghiên cứu khoa học và công nghệ, phục vụ đào tạo và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng chất lượng cao đạt chuẩn khu vực, trong đó có bộ phận đạt trình độ quốc tế. Với sứ mệnh đã được trao đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, Khoa kiên trì triết lý giáo dục “Y đức – Trí tuệ - Hội nhập”. Tập thể Khoa đã cụ thể hóa thành phương châm hành động là xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, tiên tiến trong đào tạo và nghiên cứu khoa học sức khỏe; gia tăng và khích lệ những giá trị của đạo đức, trách nhiệm xã hội, nghiên cứu sáng tạo và hội nhập quốc tế; vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng đất nước và phát triển khoa học. - Xin Giáo sư chia sẻ thêm về một số kết quả nổi bật của VNU – SMP trong công tác đào tạo? Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập năm 2010, đến tháng 9 năm 2012 Khoa bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên. Kể từ đó đến nay, Khoa liên tục phát triển các ngành đào tạo mới và mở rộng qui mô đào tạo. Từ 2 ngành đào tạo ban đầu đến nay, Khoa Y Dược đang triển khai đào tạo bậc đại học 5 ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe bao gồm: ngành Y khoa; ngành Dược học; ngành Răng Hàm Mặt; ngành Cử nhân kỹ thuật xét nghiệm Y học và ngành Cử nhân kỹ thuật hình ảnh Y học. Tính đến tháng 12/2019, Khoa Y Dược đã đào tạo được 94 bác sĩ đa khoa hệ chính quy, 129 dược sĩ hệ chính quy. Hiện tại, Khoa đang đào tạo 1.108 sinh viên chính quy. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức và Khoa Y Dược, ĐHQGHN khai trương Văn phòng bộ môn Ngoại - Để có sự phát triển mạnh mẽ trong công tác đào tạo thời gian qua, VNU-SMP hẳn phải có một sự kết hợp chặt chẽ với các bệnh viện và các cơ sở thực hành, thực tập, thưa Giáo sư? VNU-SMP hiện có gần 150 cán bộ giảng viên cơ hữu và 350 giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Y học, Dược học, hiện đang công tác tại các cơ sở y tế có uy tín của các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện E, Nhi trung ương, Phụ sản, Huyết học truyền máu, Mắt trung ương, ... và các trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN, các doanh nghiệp, đối tác trên địa bàn Hà Nội. Với định hướng gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa lý thuyết và thực hành, Khoa có 11 Bộ môn đặt văn phòng Bộ môn tại các bệnh viện tuyến trung ương là: Bộ môn Nội, Bệnh học, Ung thư và Y học hạt nhân tại bệnh viện Bạch Mai; Bộ môn Ngoại, Gây mê hồi sức ngoại khoa tại bệnh viện Việt Đức; Bộ môn Nhi tại bệnh viện Nhi trung ương; Bộ môn Mắt tại bệnh viện Mắt trung ương; Bộ môn Sản phụ khoa tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bộ môn kỹ thuật Y học tại bệnh viện E; Bộ môn Huyết học và Truyền máu tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu trung ương,... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo lâm sàng cho sinh viên của khoa. Khoa Y Dược đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với 29 bệnh viện, 07 công ty dược, và 01 trường đại học. Trong đó có các bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện E, bệnh viện Mắt trung ương, bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh viện Tâm thần trung ương, bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, viện Huyết Học truyền máu trung ương, bệnh viện Phổi trung ương, bệnh viện 198, bệnh viện Saint Paul, bệnh viện Thanh Nhàn, ... Đây là các cơ sở thực hành cho sinh viên, học viên của khoa Y Dược. - Thế còn lĩnh vực nghiên cứu khoa học của VNU-SMP hiện nay ra sao, thưa ông? Cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học là một hoạt động không thể tách rời của trường đại học. Đến nay, Khoa Y Dược là một đơn vị mới trực thuộc ĐHQGHN nhưng có thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH, là đầu mối tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ NCKH, triển khai mang tính liên ngành, đa ngành trong khối ngành chăm sóc sức khỏe. Trong hơn 3 năm trở lại đây, tổng số đề tài các cấp của Khoa đã tăng lên rất nhanh với: 4 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài cấp ĐHQGHN và tương đương, 27 đề tài cấp Khoa, 1 đề tài từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) và 1 đề tài của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ Châu Á. Với các đề tài, dự án, các công trình nghiên cứu đã công bố, các nhà khoa học trong Khoa đã góp phần thiết thực cho hoạt động đào tạo sinh viên, nâng cao sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, những hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa cán bộ Khoa Y Dược với cán bộ bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân Y, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Nội tiết Trung Ương, bệnh viện E, viện 108, … tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều nhà khoa học của VNU-SMP đã có những công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế, nhiều sáng chế được công nhận và chuyển giao. Thậm chí có những giảng viên – nhà khoa học trẻ của Khoa liên tục được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận đơn đăng kí hợp lệ. Điều này cho thấy tiềm lực khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo của Khoa còn rộng mở. Hoạt động khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức cũng có nhiều bước phát triển bền vững. Hiện tại Khoa đã có mã số hoạt động khoa học công nghệ riêng, có Hội đồng đánh giá Đạo đức trong nghiên cứu sinh y, có Tạp chí Khoa học Y Dược. Hàng năm cán bộ Khoa đã xuất bản hàng trăm giáo trình, chương sách và bài báo tại các nhà xuất bản, trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Khoa có nhóm nghiên cứu cấp ĐHQGHN với nhiều thành tích đáng ghi nhận và đã được nhận giải thưởng ĐHQGHN về KHCN (năm 2018). Nhóm đã thực hiện thành công nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo ra nguồn học bổng cho sinh viên. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được đẩy mạnh, các khóa đều có nhiều em đạt giải cao tại các hội nghị KHCN Tuổi trẻ các trường Đại học và Cao đẳng Y Dược Việt Nam, các hội thi khác nhau, và giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN. Khoa đã hình thành được hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành với trang thiết bị hiện đại, thu hút được các nhà khoa học quốc tế tới làm việc. Giám đốc Bệnh viện E, Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐHQGHN Lê Ngọc Thành cùng CEO – Chủ tịch Đại học Junshin Gakuen (Nhật Bản) Younosuke Fukuda ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên. - Để hội nhập quốc tế, Khoa đã có những hoạt động gì, thưa Giáo sư? Chúng tôi xác định, để VNU-SMP phát triển bền vững thì phải có sự hội nhập, quốc tế hóa mạnh mẽ. Việc kí kết hợp tác với các đối tác quốc tế là một trong những bước đi trên con đường ấy. Đến nay, Khoa đã ký kết hợp tác với 11 đại học nước ngoài: Trường Dược - Đại học Ewha; Trường Y Khoa Carver, Đại học Iowa; Tổ chức HelVietmed; Đại học Rennes 1; Đại học Mahidol; Công ty Max Integra và I’rom; Đại học Gachon; Đại học Liverpool; Trường Dược - Đại học Quốc gia Seoul; Đại học Dankook; Đại học Y khoa Osaka nhằm tăng cường trao đổi giảng viên, sinh viên, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khoa thường xuyên có các hoạt động trao đổi sinh viên với Đại học Mahidol, Thái Lan, Đại học Kanazawa, Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản. Khoa Y Dược đã tổ chức được nhiều hội thảo Quốc tế: Tiếp cận cá thể hóa trong phát triển nguồn nhân lực và thực hành dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế ngày 13 tháng 11 năm 2019. Hội thảo Heparan &Heparin: từ nghiên cứu đến sản xuất và ứng dụng trong Y học (Liên kết với ĐH Liverpool, 2018), Hội thảo quốc tế về hàm chức năng (2018), Hội thảo Quốc tế Implant nha khoa (tháng 10/2016) thu hút được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước tham dự. - Giáo sư đánh giá thế nào về chặng đường 10 năm phát triển của VNU-SMP thời gian qua? Nhìn lại 10 năm vừa qua, đây là giai đoạn hình thành và phát triển, giai đoạn “Khởi động”. Thời gian như được “cô đặc”. Có nhiều sự kiện, diễn ra với tần suất cao. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN, Khoa đã nhanh chóng đồng hành cùng mọi hoạt động chung của ĐHQGHN, của hệ thống y tế và có những bước phát triển đáng ghi nhận. Từ một đơn vị ban đầu, đã nhanh chóng hình thành hai đơn vị độc lập về hành chính (Khoa Y Dược, Bệnh viện ĐHQGHN (12/2011)). Cả Khoa và Bệnh viện đều đã hình thành các tổ chức chính trị, đoàn thể, bộ máy tổ chức quản lý, hội đồng Cố vấn, hội đồng KH&ĐT, hệ thống các văn bản điều hành, hệ thống nhận diện thương hiệu; tham gia vào các hoạt động đào tạo trong và sau đại học, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, hoạt động hợp tác phát triển, công tác y tế học đường và các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao,… Khoa cũng đã được kếp nạp làm thành viên của Hội động Hiệu trưởng các Trường đại học Y Dược Việt Nam; thành viên Hiệp hội các Trường Đào tạo Kỹ thuật Y học ASEAN. Và một điều nữa, có thể là rất bình thường đối với các trường đại học khác, nhưng lại có ý nghĩa rất đặc biệt đối với thày trò, đó là chúng ta đã có cựu sinh viên, cựu giáo chức. Những tổ chức này là những điểm tựa tinh thần vững chắc cho hoạt động của đơn vị. Đến thời điểm này, Khoa đã hoàn thành đề án và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nâng cấp phát triển thành trường Đại học Y Dược trực thuộc ĐHQGHN. Bệnh viện ĐHQGHN cũng đã hoàn thành các điều kiện để sẵn sàng phát triển thành một bệnh viên đại học với qui mô bước đầu là 100 giường bệnh. Chủ nhiệm Khoa Y Dược, giám đốc Bệnh viện E GS.TS Lê Ngọc Thành và Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 - Một Trường ĐH Y Dược trong lòng ĐHQGHN sẽ thành hiện thực trong nay mai. Giáo sư nói gì về điều này? Mười năm bồi đắp đã tạo ra diện mạo của một trường đại học y dược trong tương lai, và nhiều thứ vẫn còn đang ở phía trước. Con đường còn dài, vẫn còn nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực và quyết tâm của thày trò. Trong giai đoạn “Khởi động” vừa qua, có thể nhận thấy Khoa đã được dẫn dắt và có động lực nhờ hai định hướng tinh thần chính là: “Cùng khởi nghiệp” và “Cùng tạo dựng niềm tin”. Tinh thần khởi nghiệp, giúp định hướng cho tập thể cán bộ Khoa ngay từ giai đoạn đầu xây dựng và cho các em sinh viên sau tốt nghiệp; tinh thần tạo dựng niềm tin, định hướng cho sự phấn đấu của từng cán bộ, mỗi sinh viên tự tin vào bản thân, vào mỗi chủ thể và đặc biệt là xây dựng được niềm tin cho người bệnh và với cộng đồng xã hội. Đây sẽ vẫn là những định hướng chính, những động lực chính, là cái đích cần tiệm cận mà chúng ta sẽ nỗ lực phấn đấu trong giai đoạn “Tăng tốc” tới đây. Trường đại học Y Dược phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Trường đại học Y Dược kết hợp nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong các lĩnh vực liên ngành như khoa học và công nghệ y sinh, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ nanô; các phương pháp chẩn đoán mới, … Tham gia tư vấn các vấn đề chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển khoa học sức khỏe cho các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kết hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ khoa học - công nghệ. Trường đại học Y Dược tạo điều kiện và cơ chế để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học có hiệu quả, phục vụ sản xuất, xã hội, địa phương. Khuyến khích triển khai ứng dụng phát minh, sáng chế vào thực tiễn. Hình thành 04 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN dẫn đầu các trường y dược trong nước và có tầm ảnh hưởng trong khu vực ASEAN. Dự kiến trong 5 năm tới sẽ mở mới một số chuyên ngành đại học, sau đại học, chuyên khoa, nội trú như sau: Về trình độ đại học: mở thêm ngành Điều dưỡng và Y học cổ truyền; Về trình độ thạc sĩ: mở mới ngành Công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc, Dược lý và dược lâm sàng, Dược liệu- Dược học cổ truyền (Đối với lĩnh vực Dược); Nội khoa, Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa, Răng hàm mặt, Mắt (Đối với lĩnh vực Y), và các chương trình sau đại học cho các môn Y học cơ sở và cơ bản như Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh, Miễn dịch học, ... Đối với đào tạo Nội trú, chuyên khoa: mở mới các chuyên ngành Nội trú theo các lĩnh vực có liên quan và theo danh mục của Bộ Y tế. Với điểm tựa là lịch sử và truyền thống của ĐHQGHN, sự ủng hộ của cộng đồng, nỗ lực của cán bộ và sinh viên, với hành trang mười năm tích lũy, sáng tạo, tôi tin Trường ĐH Y Dược – ĐHQGHN trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển xứng với kì vọng của lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên VNU – SMP. Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa Lê Ngọc Thành. >>>>> Các tin bài liên quan - VNU - SMP: Chủ nhiệm Khoa Lê Ngọc Thành và Phó Chủ nhiệm khoa Trần Bình Giang nhận giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực y dược - VNU-SMP: Điều chế cao từ dược liệu điều trị rối loạn lipid máu và đái tháo đường - VNU – SMP: Sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm từ thiên nhiên - VNU – SMP: Sôi nổi Ngày hội Khoa học và Công nghệ 2019 - VNUBotimax: Liên kết 3 nhà, góp phần phát triển Tây Bắc - VNU-SMP: Giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết - Khoa Y Dược hướng tới chuẩn quốc tế - Khoa Y Dược, ĐHQGHN ký kết biên bản hợp tác với Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 - [Video] Khoa Y Dược: thêm 37 giảng viên kiêm nhiệm đến từ Bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương Hà Nội - 81 Tân Dược sĩ, Bác sĩ Khoa Y Dược nhận Bằng tốt nghiệp năm học 2018 - Các gương mặt nhà khoa học nữ tiêu biểu Khoa Y Dược - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kiêm giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược - ĐHQGHN - Gần 100 bác sĩ Bệnh viện E làm giảng viên kiêm nhiệm của Khoa Y Dược - ĐHQGHN và Bệnh viện Bạch Mai: Tiếp tục đồng hành trong đào tạo nhân lực ngành y |