TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Thông báo   Sau đại học 15:50:52 Ngày 29/03/2024 GMT+7
Thông báo bảo vệ LATS của NCS Nguyễn Thị Ngọc Trang
Tên đề tài: The conceptual metaphor of the Vietnam War in American press (Ẩn dụ ý niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam trong báo chí Mỹ)

Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học Quốc gia cho NCS Nguyễn Thị Ngọc Trang.

Đề tài: The conceptual metaphor of the Vietnam War in American press (Ẩn dụ ý niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam trong báo chí Mỹ).     

Chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh                                       Mã số: 9220201.01

Thời gian: 08h30 thứ Hai, ngày 15 tháng 04 năm 2024

Địa điểm: Hội đồng Tầng 2 – Tòa nhà ULIS Sunwah, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội)

Một số thông tin cơ bản LATS của NCS như sau:

*/ Các kết quả mới của luận án:

Luận án tích hợp khung Ẩn dụ đa tầng (MLV– Kövecses, 2017) vào khung Phân tích ẩn dụ phê phán (CMA– Charteris-Black, 2004) để khám phá cách ý niệm hóa ẩn dụ mang tính phê phán và năng động về chiến tranh Việt Nam thông qua phân tích các ẩn dụ ý niệm trong các bài viết của phóng viên chiến trường Mỹ khi cuộc chiến diễn ra. Một số kết quả mới đạt được như sau:

Nghiên cứu đã diễn giải những ý niệm đa dạng về chiến tranh Việt Nam, trong đó hơn một nửa của 25 ẩn dụ kiến tạo về chiến tranh tìm thấy trong dữ liệu chưa được đề cập trong các nghiên cứu trước đây. Tám ẩn dụ chủ đạo khắc hoạ cuộc chiến bao gồm CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH/ CÔNG VIỆC KINH DOANH/ MỘT SỰ VẬT/ MỘT HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN/ ĐỊA HÌNH/ CUỘC CẠNH TRANH/ NGHỆ THUẬT/ SỰ CHUYỂN ĐỘNG. Phân tích dữ liệu cho thấy hầu hết các hệ tư tưởng phía sau ẩn dụ đều gần với quan điểm phản chiến. Chiến tranh được ý niệm hóa như một sự kiện nguy hiểm, thảm khốc, không thể kiểm soát được với những hậu quả đau thương kéo dài. Cả hai bên đều là nạn nhân, đứng trước khả năng mất tất cả trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành lấy chiến thắng cuối cùng. Bên cạnh thái độ cảnh báo, chỉ trích đối với cuộc chiến, thông điệp cần giữ bình tĩnh, có thái độ mở trước chiến tranh luôn có nhiều biến động, thận trọng, lên kế hoạch kỹ càng, có trách nhiệm khi tham chiến đều được ngầm truyền tải.

Khung khái niệm được đề xuất của CMA-MLV đã lấp đầy khoảng trống về sự thiếu hụt một khung nghiên cứu tận dụng sự cân bằng tối ưu giữa các khía cạnh ngữ dụng (CMA) và tri nhận (MLV). Một mặt, khung nghiên cứu này chỉ ra các hệ tư tưởng thúc đẩy sự lựa chọn ẩn dụ bằng cách kết hợp các đánh giá ở khía cạnh tri nhận với các yếu tố ngữ cảnh (CMA). Mặt khác, nó làm sáng tỏ tính năng động của sự ý niệm hoá thông qua bốn cấp độ, từ tri nhận nghiệm thân đến ý nghĩa ẩn dụ trong diễn ngôn (MLV). Điều thú vị là, khung nghiên cứu gợi ý rằng các hệ tư tưởng đều xuất hiện ở bốn cấp độ ý niệm và được chi tiết hoá dần từ lược đồ hình ảnh đến miền, khung và không gian tinh thần.

Khung phân tích CMA-MLV trong nghiên cứu với các giai đoạn rõ ràng, ví dụ phù hợp và ghi chú cẩn thận về các trường hợp đặc biệt là một công cụ hữu hiệu để các nhà nghiên cứu phân tích ẩn dụ một cách nhất quán và đáng tin cậy. Đặc biệt, khung này đưa ra ba nguyên tắc khả thi để kiến tạo miền nguồn – một thách thức lớn trong nghiên cứu ẩn dụ và một quy trình dễ thực hiện để xây dựng bốn cấp độ ý niệm trong khung MLV mới được giới thiệu gần đây.

*/ Khả năng ứng dụng thực tiễn:

Thứ nhất, trong bối cảnh nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm nói riêng và ngôn ngữ học tri nhận nói chung ở Việt Nam, nghiên cứu này là một tài liệu tham khảo có giá trị kịp thời. Ở thời điểm hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm ở Việt Nam đều được thực hiện trên khung lý thuyết ban đầu của ẩn dụ ý niệm (CMT) của Lakoff & Johnson (1980) vốn thường xuyên bị chỉ trích về vấn đề phương pháp luận. Nghiên cứu này giúp các nhà nghiên cứu, người dạy và người học bắt kịp những bước phát triển mới của nghiên cứu ẩn dụ ý niệm.

Thứ hai, nghiên cứu cũng có thể được sử dụng như một tài liệu hướng dẫn để xác định, diễn giải và giải thích ẩn dụ ý niệm bằng cách sử dụng khung tích hợp CMA-MLV nhằm hiểu rõ hơn cả về hệ tư tưởng phía sau ẩn dụ và cấu trúc đa tầng của ẩn dụ.

Thứ ba, những phát hiện về các ý niệm ẩn dụ trong nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các hệ tư tưởng chủ đạo đều có xu hướng phản chiến, điều này có thể góp phần nâng cao sự đồng cảm cho các nạn nhân từ cả hai phía trong cuộc chiến.

*/ Các hướng nghiên cứu tiếp theo:

Trong nghiên cứu tiếp theo, CMA-MLV có thể được áp dụng với các loại dữ liệu khác để tìm hiểu ý niệm của người Việt Nam hoặc bên thứ ba về chiến tranh Việt Nam. Các khía cạnh khác nhau của nghiên cứu ẩn dụ như ẩn dụ một ánh xạ, ẩn dụ trực tiếp, ẩn dụ hỗn hợp, ẩn dụ và không gian hòa trộn có thể được tiếp tục nghiên cứu để hiểu sâu hơn về ẩn dụ ý niệm với vai trò là một cơ chế tri nhận.

 VNU Media - VNU - ULIS
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ