Đây là chương trình phi lợi nhuận của Tập đoàn Vingroup, nhằm mục tiêu thay đổi môi trường nghiên cứu và góp phần tạo bệ phóng đưa khoa học Việt vươn tầm quốc tế. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân dự và phát biểu tại buổi lễ. Chương trình tài trợ các dự án khoa học – công nghệ VinIF được triển khai từ năm 2019 nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học phát huy khả năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, từ đó, xây dựng những công trình khoa học và giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Đến nay, VinIF đã tài trợ cho 83 dự án khoa học, tổng kinh phí trên 445 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều dự án đã cho ra kết quả thực tiễn, với 163 sản phẩm dạng hệ thống, thiết bị; 159 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu; cũng như xuất bản 143 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 và hội thảo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, với sự đồng hành của VinIF, 34 nghiên cứu đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế. Ông Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học quỹ VinIF và VinBigData, Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh: “Đích đến cuối cùng của nghiên cứu khoa học phải là tạo ra được những nhà khoa học có tư duy lành mạnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp, những sản phẩm ứng dụng có ý nghĩa thực tế, giúp nâng cao tầm hiểu biết và chất lượng cuộc sống của người Việt và khẳng định tầm vóc trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Muốn làm được như vậy, nhà khoa học không thể đứng độc lập một mình mà cần sự chung tay của cả cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực dài hạn của VinIF trong việc hỗ trợ nguồn lực phát triển dự án khoa học - công nghệ là nhằm mục tiêu đó”. Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao việc ra đời Quỹ VinIF với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. Ông cho biết, ĐHQGHN và Tập đoàn Vingroup đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả và ĐHQGHN là một trong các tổ chức nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ Quỹ VinIF với 10 dự án với tổng kinh phí là gần 60 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua. Giám đốc Lê Quân chia sẻ, ĐHQGHN ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, góp phần củng cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng; ưu tiên đào tạo giảng viên đại học, nhà khoa học cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Vừa qua, ĐHQGHN đã ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sỹ ở ĐHQGHN với mức hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sỹ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Ngoài ra, với mục đích ươm tạo, xây dựng đội ngũ nhà khoa học kế cận tài năng, chất lượng cao, ĐHQGHN cũng triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh bậc trung học phổ thông. 20 dự án nổi bật nhất năm 2021 trong số hơn 200 dự án đề xuất đã được xét duyệt tài trợ với tổng giá trị lên tới 92 tỷ đồng. Các dự án trên đến từ nhiều lĩnh vực từ Y sinh - Y dược - Vật lý - Vật liệu đến Toán học - Công nghệ thông tin - Khoa học máy tính… Điểm chung của các dự án là nghiên cứu khoa học mũi nhọn hoặc có định hướng ứng dụng, cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại, cũng như mang tầm ảnh hưởng quốc tế. 02 dự án của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và 01 dự án của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN nhận tài trợ của Quỹ VinIF năm 2021 với tổng giá trị 14,5 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực tài chính, VinIF sẽ đồng hành cùng đội ngũ thực hiện dự án tiếp cận các nguồn lực khoa học, kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn. Kết quả nghiên cứu cũng sẽ được VinIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai ứng dụng vào các sản phẩm, giải pháp thực tiễn. Đây là cách làm được các nhà khoa học đánh giá là toàn diện, hiệu quả và bền vững. Tài trợ của Tập đoàn Vingroup trong giai đoạn 2019 - 2021 cho ĐHQGHN: 1. Về chương trình học bổng: - Năm 2017 và 2018: trao 50 suất cho sinh viên/năm, mỗi suất 10 triệu đồng. Tổng cộng: 1 tỷ đồng - Năm 2019: trao 8 suất học bổng cho NCS (150 triệu/năm), 16 suất cho HVCH (120 triệu/năm), 50 suất cho sinh viên (10 triệu/năm). Tổng cộng: 3,62 tỷ đồng - Năm 2020: trao 19 suất cho nghiên cứu sinh, 34 suất cho học viên cao học, 50 suất cho sinh viên. Tổng cộng: 7,325 tỷ đồng - Năm 2021: trao 22 suất cho nghiên cứu sinh, 19 suất cho học viên cao học và 06 suất cho thực tập sinh sau tiến sĩ. Tổng cộng: 9,9 tỷ đồng Ngoài ra có 04 suất học bổng toàn phần đào tạo sau đại học ở nước ngoài (thông qua VinUNI) cho 04 sinh viên của Trường ĐHKHTN gồm: 01 thạc sĩ ở Pháp, 01 thạc sĩ ở Singapore, 01 tiến sĩ ở Úc, 01 tiến sĩ ở Anh. Tổng kinh phí: 20 tỷ đồng 2. Về tài trợ đào tạo: - Tài trợ cho chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu của Trường ĐH KHTN: 02 tỷ đồng/năm x 03 năm. Tổng cộng: 06 tỷ 3. Về tài trợ cho các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ: tổng cộng 59,5 tỷ đồng Năm 2019: 04 dự án, số tiền 31,5 tỷ Nghiên cứu và phát triển nền tảng tự động phân tích và hiểu khách hàng ứng dụng trong bán lẻ, thương mại điện tử, và quảng cáo trực tuyến. PGS.TS. Phan Xuân Hiếu, Trường ĐH Công nghệ. Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt ứng dụng trong an ninh quốc phòng và dân dụng. PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. AI-Cardio: Hệ thống trí tuệ nhân tạo chẩn đoán và tiên lượng bệnh nhồi máu cơ tim dựa trên siêu âm tim. TS. Trần Quốc Long, Trường ĐH Công nghệ. Nghiên cứu chế tạo Than hoạt tính hiệu năng cao từ cây Guột ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm. ThS. Mai Thị Nga, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Năm 2020: 03 dự án, số tiền 13,5 tỷ Hệ thống giao tiếp tiếng Việt dựa trên AI sử dụng tín hiệu mắt và tín hiệu điện não cho người tổn thương chức năng vận động. PGS.TS. Lê Thanh Hà, Trường ĐH Công nghệ Nghiên cứu xây dựng hệ thống trợ giúp phát hiện tin tức giả mạo trên mạng xã hội. TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Thiết bị và vật liệu tiên tiến cho khảo sát quy mô lớn dữ liệu về nước. GS. TS. Hoàng Nam Nhật, Trường ĐH Công nghệ Năm 2021: 03 dự án, số tiền 14,5 tỷ Thiết bị và phần mềm thông minh thu nhận, xử lý và cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ IoT. PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng, Trường ĐH Công nghệ Development of Novel Anticancer Agents containing Heterocyclic Pharmacophores. TS. Đặng Thanh Tuấn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Phát triển công nghệ làm lành vết thương ngoài da sử dụng súng phun tế bào gốc và màng nano sinh học. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên 4. Các hoạt động khác: - Năm 2019 và 2020: tài trợ cho 2 câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp của Trường ĐHKHTN và Trường ĐHCN, tổng cộng 680 triệu đồng - Tài trợ cho Dự án dịch thuật các tác phẩm kinh điển Phương Đông (cam kết tài trợ 10 năm và số tiền cụ thể từng năm theo đề nghị của chủ nhiệm dự án và do Chủ tịch phê duyệt) năm 2021 và 2022 ước tính 40 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng các nguồn lực Vingroup hỗ trợ là 128,025 tỷ đồng trong 3 năm 2019-2021 (kinh phí được chuyển cho các đơn vị, các cá nhân). | Các tin liên quan: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới Học bổng hỗ trợ cho nghiên cứu sinh và các thực tập sau tiến sỹ - bước đột phá tiên phong của ĐHQGHN Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup hợp tác tài trợ chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên VinGroup trao học bổng tổng trị giá 500 triệu cho sinh viên ĐHQGHN -Chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước của Vingroup -Lễ trao học bổng Vingroup năm học 2019-2020
|