Hội thảo thu hút 80 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự trực tuyến qua ứng dụng Zoom và hơn 2.200 người theo dõi trực tuyến qua kênh facebook. Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Minh Triết, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam; các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban chức năng, CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN, Đoàn TNCSHCM ĐHQGHN, … Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hải Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức là nơi để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc trong và ngoài nước chia sẻ, “hiến kế” và hiện thực hóa các nghiên cứu của mình để cống hiến cho một Việt Nam hiện đại và phồn vinh. Theo đồng chí Minh, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đặt ra yêu cầu cần có lực lượng trí thức đông đảo, nhất là trí thức tinh hoa, thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học, trí thức trẻ phải đóng vai trò chính yếu, là mũi nhọn và phải đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Và đối tượng tri thức trẻ, nhà khoa học, … tham gia vào đóng góp, kiến nghị và hỗ trợ chính phủ xây dựng chính sách, tạo nền tảng thúc đẩy các hệ sinh thái trong chuyển đổi số. “Tại diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 4 đã lấy chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” sẽ được tổ chức chính thức từ ngày 23-25/11/2021. Đồng chí Nguyễn Hải Minh đã thay mặt BCH TW Đoàn cảm ơn lãnh đạo ĐHQGHN đã tạo điều kiện hỗ trợ để CLB Nhà Khoa học và Đoàn Thanh niên ĐHQGHN tổ chức hội thảo hướng tới diễn đàn nêu trên. PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, Trưởng ban Điều hành CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN (VSL) cho biết trong thời gian qua, VSL đã tích cực triển khai các hoạt động như: VSL-Talk, VSL-Workshop, VSL-Writing Camp, VSL-Startup…và đã để lại những dấu ấn nhất định đối với cộng đồng khoa học. Hội thảo ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động nằm trong chương trình kết nối các nhà khoa học của ĐHQGHN với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Lê Huy Hàm - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Thực phẩm, Thức ăn chăn nuôi từ cây trồng biến đổi gen; Phó Chủ tịch Hội Đồng An toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, thành viên Ban Điều hành VSL đã chia sẻ về phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam. PGS.TS Phạm Chiến Thắng, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, là một trong 4 phó giáo sư trẻ nhất được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận năm 2020 và là gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020 đã chia sẻ về Hành trình từ một sinh viên đến thành viên nhóm nghiên cứu mạnh - một bài chia sẻ truyền cảm hứng đối với các nhà khoa học trẻ và sinh viên, đặc biệt trong khối khoa học cơ bản. Theo PGS. Thắng, nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục đại học. Rất nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam đã nhận thức được vai trò và chủ động có những chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh. Với vai trò thành viên của nhóm “Hóa học Phức chất và Hóa sinh Vô cơ” – nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, diễn giả chia sẻ những trải nghiệm của bản thân trong việc lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như thuận lợi và khó khăn gặp phải khi xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu. TS. Vũ Thị Thanh Nhã - Trưởng khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, thành viên Ban Điều hành CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN đã trình bày tham luận rất thú vị về Nghiên cứu để đổi mới giảng dạy: Câu chuyện một mũi tên trúng hai đích. Theo đó, TS. Nhã đã phân tích mối quan hệ giữa nghiên cứu và giảng dạy và cách thức để làm nghiên cứu phục vụ đổi mới giảng dạy thông qua việc thực hiện các nghiên cứu khám phá (exploratory practice). Các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài hướng về Việt Nam trong một bài toán chưa có lời giải thấu đáo ở Việt Nam – vấn nạn rác thải. Khái niệm giáo dục tái tuần hoàn rác thải mới được biết đến tại Việt Nam trong thập kỷ trở lại đây, nó gắn liền với khái niệm giáo dục môi trường. Các khái niệm gắn liền với khái niệm giáo dục tái tuần hoàn rác thải bao gồm 3R (reuse, reduce, recycles) 5R, 7R, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, hướng đến thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Nhiều trường ở học ở Việt Nam chưa xây dựng chương trình giáo dục tái tuần hoàn rác thải, chưa hình thành cho học sinh những thói quen về phần loại rác thải tại nguồn. Nền tảng “mạng xã hội tái tuần hoàn rác thải thông minh” một mô hình khởi nghiệp từ rác thải thông qua chương trình STEM+ tái tuần hoàn rác thải được tích hợp vào chương trình giáo dục ở trường học từ Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT là một sản phẩm sáng tạo độc đáo chưa có đối thủ cạnh tranh trên thị trường, hứa hẹn khả năng thu hồi vốn nhanh, lượng vốn góp ít nhưng cổ phần lớn cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, với 4 cuốn sách “Giáo dục STEM+ trong các trường học” cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT (theo định hướng kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác) kết hợp với kênh truyền thông (VTV, Youtube, Fanpage, Tiktok, Istagram) sẽ là một địa chỉ hiệu quả cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và phát triển thương hiệu. Đó cũng là nội dung tham luận của TS. Bùi Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, thành viên Ban Điều hành CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN cùng với 2 học giả đến từ CHLB Đức và Đài Loan (Trung Quốc) gồm: TS. Cao Thế Anh, Chuyên gia môi trường diễn đàn đổi mới sáng tạo và kinh tế Đức Việt (DVIW), Phó chủ tịch phụ trách công nghệ Mạng lưới đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại Châu Âu (VINEU) và TS. Tạ Doãn Thành – Nghiên cứu viên chính, Ban công nghệ sinh học, Tập đoàn Four Pillars, Đài Loan (Trung Quốc). Sau phần chia sẻ của 4 tham luận nêu trên, các đại biểu đã tham gia phần thảo luận sôi nổi, tích cực và cởi mở. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin ĐHQGHN đã phát biểu kết luận Hội thảo, kì vọng sau hội thảo sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành giữa các nhà khoa học trong ĐHQGHN với các nhà khoa học, tri thức trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển nền tảng KHCN với 3 trụ cột: nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp ở ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung. >>>>> Các tin bai liên quan: |