Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Đông Phương học, một thập niên nhìn lại và hướng tới
Nhân dịp Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS.TS Mai Ngọc Chừ - Chủ nhiệm Khoa Đông phương học.

 PV: Thưa ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN được không?

PGS.TS Mai Ngọc Chừ: Đông phương học là ngành khoa học nghiên cứu về khu vực học. Đối tượng nghiên cứu của Đông phương học là toàn bộ châu Á và phần Đông Bắc của châu Phi, nghĩa là một nửa thế giới (nếu phân chia thế giới thành phương Đông và phương Tây). Đông phương học hiện đại nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện tất cả các lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, tư tưởng triết học, thể chế chính trị, nhà nước, pháp luật, ngôn ngữ, tôn giáo, kinh tế, địa lí, văn học, v.v. của các quốc gia (như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc) và các tiểu khu vực (như Đông Nam Á, Tây Á, Bắc Phi) của phương Đông.

Đông phương học không giống như các khoa ngoại ngữ của các trường đại học ngoại ngữ. Mặc dù số giờ ngoại ngữ khá nhiều (80/ 210 đơn vị học trình) song ngoại ngữ không trở thành đối tượng nghiên cứu như các trường mà được xác định là chìa khoá để mở ra cánh cửa khu vực học với khối kiến thức mang tính đa ngành và liên ngành.

 Hiện nay, Khoa Đông phương học có năm chuyên ngành: Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học (Hàn Quốc học), Ấn Độ học và Đông Nam Á học. Hi vọng trong thời gian tới, khi có điều kiện, chúng tôi sẽ mở thêm chuyên ngành Tây Á - Bắc Phi.

Sinh viên vào Khoa Đông Phương học được học 1 trong 6 ngoại ngữ chuyên ngành, đó là tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Thái Lan, tiếng Malay (ngôn ngữ quốc gia của Malaixia, Inđônêxia, Brunây và Xingapo) và tiếng Anh.

Những năm qua, sau khi tốt nghiệp, những cử nhân Đông phương học đã đảm nhiệm rất tốt công việc ở các cơ quan lớn như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các vụ Hợp tác Quốc tế của các bộ, các trường đại học và viện nghiên cứu, các công ty Du lịch trong và ngoài nước, các công ty nước ngoài, các tổ chức quốc tế, v.v.

 PV: Nhìn lại chặng đường vừa qua, bên cạnh những mặt còn hạn chế, Khoa Đông phương học đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Với cương vị là người đứng đầu Khoa, ông có thể giới thiệu đôi nét về những thành tựu ấy?

PGS. TS Mai Ngọc Chừ: Về câu hỏi này, tôi có thể đề cập đến 4 khía cạnh chủ yếu như sau.

Về công tác tổ chức và cán bộ: Khác với một số khoa lâu năm trong Trường ĐHKHXH&NV, ngoài một số rất ít các thầy giáo cao niên, toàn bộ số cán bộ còn lại của Khoa đều rất trẻ cả về tuối đời lẫn tuổi nghề. Vì vậy công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của khoa Đông phương học. Hiện nay, Khoa có 29 cán bộ, trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ và 19 thạc sĩ. Do đặc điểm của các ngành đào tạo trong Khoa đều là khu vực học cho nên ngoài việc đào tạo ở trong nước, chúng tôi cũng đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ đi làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài (như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ...), nhờ vậy, mặc dù là một Khoa mới song chúng tôi đã có được một đội ngũ đông đảo cán bộ có trình độ trên đại học.

Một điểm mạnh của đội ngũ cán bộ trong Khoa là ngoài tiếng Anh, mọi người đều thông thạo một ngoại ngữ chuyên ngành. Đây là một lợi thế mà không phải đơn vị nào cũng có thể có được. Nhờ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn của cán bộ được nâng cao rõ rệt.

Về công tác đào tạo: Đến nay Khoa chúng tôi đã cung cấp cho xã hội hơn 800 cử nhân Đông phương học, trong đó hơn 65% tốt nghiệp loại khá và giỏi. Điều đáng mừng là hầu hết các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Trong các kì thi tuyển cán bộ, công chức của các bộ, ngành trong nước cũng như của các tổ chức, công ty nước ngoài, nhiều sinh viên của Khoa đã vượt qua với điểm số cao tạo được uy tín về chất lượng đào tạo. Và mặc dù không phải là đơn vị chuyên ngoại ngữ như các trường đại học ngoại ngữ song qua nhiều kì thi ngoại ngữ chuyên ngành do các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội tổ chức, nhiều sinh viên của chúng tôi đã đạt giải cao, trong đó có cả giải nhất. Qua các kì thi như vậy, một số sinh viên đã được cấp học bổng đi học tập, thực tập ở nước ngoài. Những năm qua, các đoàn sinh viên đi thực tập tại Thái Lan, Lào và Nhật Bản đã thu được kết quả rất tốt đẹp.

Đồng thời với việc mời giáo viên trong nước, nhiều giáo viên nước ngoài cũng đã được Khoa mời đến giảng dạy ngoại ngữ và các chuyên đề chuyên ngành. Trung bình hàng năm Khoa luôn có từ 5 đến 8 giáo viên nước ngoài giảng dạy cho các bộ môn Korea học, Nhật Bản học, Đông Nam Á học và Trung Quốc học. Kinh phí cho việc mời các giáo viên đều do các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế như KOICA, JICA, ... tài trợ.

Đổi mới phương pháp đào tạo là một yêu cầu luôn được đặt ra cho các cán bộ giảng dạy của Khoa. Ngoài những biện pháp được áp dụng chung cho tất cả các cán bộ giảng dạy trong trường, do tính đặc thù của mình, Khoa Đông phương học còn có những biện pháp riêng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trước hết, ở một số bộ môn, sinh viên các năm cuối được nghe giảng chuyên đề trực tiếp bằng ngoại ngữ chuyên ngành. Công việc này vừa do giảng viên nước ngoài vừa do giảng viên trong Khoa thực hiện.

Ở một số bộ môn như Trung Quốc, Đông Nam Á, một số sinh viên đã viết khoá luận và bảo vệ khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng chuyên ngành. Tuy số lượng khoá luận làm theo cách này chưa nhiều nhưng bước đầu đã khẳng định được năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của sinh viên.

Một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là xây dựng các phòng học chuyên dụng cho các chuyên ngành. Với sự tài trợ của các đại sứ quán, các công ty, các tổ chức quốc tế, đến nay Khoa đã có 5 phòng học chuyên dụng với các thiết bị hiện đại, đó là phòng Trung Quốc, phòng Nhật Bản, phòng Thái Lan, phòng Iran, phòng đọc Hàn Quốc. Các phòng học này cùng với hàng nghìn cuốn sách bằng tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Malay, tiếng Thái Lan, tiếng Anh,... do phía nước ngoài cung cấp đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa.

 Về đào tạo sau đại học, từ năm 2000, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa Đông phương học chính thức mở lớp đào tạo Thạc sĩ Đông phương học. Đến nay khoa đã có 3 khoá học viên tốt nghiệp. Tổng số học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ là 19. Và hiện tại có 65 học viên đang theo học chương trình cao học.

Về công tác nghiên cứu khoa học:  Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của Khoa. Tính đến nay, trong toàn Khoa, số bài nghiên cứu đăng ở các tạp chí khoa học là 132, số báo cáo khoa học đăng trong các Kỷ yếu hội thảo là 90. Các cán bộ trong Khoa đã hoàn thành và đang triển khai 35 đề tài cấp trường và 12 đề tài cấp ĐHQG.

Một thành tích đáng được ghi nhận nữa là nhiều công trình khoa học, chuyên luận, giáo trình của các cán bộ trong Khoa đã được in thành sách. Theo con số thống kê ban đầu, các cán bộ trong Khoa đã công bố 50 đầu sách. Đây quả là một con số không nhỏ đối với một đơn vị mới đi qua chặng đường 10 năm tuổi.

Hội thảo khoa học là diễn đàn không thể thiếu trong trường đại học. Trong thời gian qua Khoa đã tổ chức được 5 hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Các hội thảo này đã thu hút hàng trăm nhà khoa học về Đông phương học ở trong nước và nước ngoài do vậy đều gây được tiếng vang lớn.

Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được Khoa đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện. Hội nghị khoa học sinh viên được tổ chức thường niên tại các bộ môn và toàn Khoa. Nhiều sinh viên của Khoa được giải nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Một số báo cáo khoa học của sinh viên đã được đăng trong các tạp chí khoa học chuyên ngành.

Về quan hệ quốc tế: Là một Khoa thuộc khu vực học, đẩy mạnh quan hệ quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển. Trong quan hệ quốc tế, các hình thức mà Khoa đã thực hiện khá đa dạng và linh hoạt. Có thể kể tên một số việc đã làm được như:

- Trao đổi sinh viên với các trường đại học trong khu vực.

- Đưa sinh viên đi thực tập tại nước ngoài bằng nguồn tài trợ của nước ngoài (như đi Thái Lan, Nhật Bản). Ngoài ra, gần đây, Khoa còn tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại nước ngoài bằng ngân sách có hạn của Nhà trường.   

- Lập các dự án xin giảng viên nước ngoài đến giảng dạy cho Khoa. Các dự án này được thực hiện từ nhiều năm nay và rất có hiệu quả. Hơn 30 giáo viên từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã đến giảng dạy tại khoa từ 1 đến 3 năm.

- Tổ chức các Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế với sự tài trợ của nước ngoài.

- Xin kinh phí của nước ngoài cho việc dịch, viết và xuất bản sách, kể cả giáo trình lẫn tài liệu tham khảo. Đặc biệt dự án xuất bản sách về Hàn Quốc học với ĐHQG Seoul không chỉ cung cấp tài liệu cho riêng sinh viên ngành Hàn Quốc của Khoa Đông phương học mà còn cho sinh viên Hàn Quốc học ở 7 trường đại học khác trong cả nước.

- Trao đổi tài liệu, sách vở với các trường đại học khu vực và xin tài liệu, sách vở từ các nguồn khác nhau của nước ngoài.    

- Nhờ sự giúp đỡ của các đại sứ quán, các tổ chức và công ty nước ngoài, ... xây dựng các phòng học chuyên dụng với các thiết bị kĩ thuật hiện đại. Cho đến nay, như trên đã nói, Khoa đã có 5 phòng học chuyên dụng.  

- Tạo điều kiện cho tất cả các cán bộ trong Khoa được đi nước ngoài theo nhiều hình thức khác nhau, từ dài hạn như làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ đến ngắn hạn như thỉnh giảng, dự hội thảo khoa học quốc tế,…

PV: Thưa ông, những khó khăn mà Khoa đã, đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới là gì?

PGS, TS Mai Ngọc Chừ: Chúng tôi có quá nhiều chuyên ngành. Nếu như ở một số khoa, 100 sinh viên có thể tổ chức học một lớp thì với Khoa chúng tôi phải chia thành 5 lớp. Điều đó có nghĩa là không phải 1 thầy dạy, 1 giảng đường mà cần 5 thầy dạy, 5 giảng đường. Trong khi đó thì kinh phí đào tạo cho từng khoa lại căn cứ vào số lượng sinh viên. Chính vì thế mà chúng tôi gặp khó khăn rất lớn về kinh phí đào tạo. Nhà trường có hỗ trợ thêm một phần nhưng vẫn nan giải. Đó là khó khăn lớn nhất của chúng tôi.

Cho dù đã có lịch sử 10 năm nhưng so với các khoa “đàn anh”, Đông phương học vẫn là một Khoa mới, do đó các giáo trình bằng tiếng Việt cho sinh viên chưa đủ. Nhiều môn chúng tôi mới chỉ dừng lại ở bài giảng. Trong thời gian tới chúng tôi phải tập trung vào việc nâng bài giảng lên thành giáo trình để có thể xuất bản thành sách.

PV: Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập cũng là dịp để thầy và trò của Khoa Đông phương học nhìn lại chặng đường đã qua và hoạch định phương hướng phát triển trong những năm tới đây. Là Chủ nhiệm Khoa, ông có thể nói gì về Khoa Đông phương học trong tương lai?

PGS, TS Mai Ngọc Chừ: Dang rộng cánh tay vươn ra khu vực. Theo tôi nghĩ, cần phải có tầm nhìn rộng hơn, tầm nhìn khu vực cho ngành học này Tôi không muốn nói tới việc sánh vai với các trường đại học nổi tiếng trên thế giới ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh quốc... mà là so với các trường ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia.

Chúng ta có cơ sở để biến điều đó thành hiện thực. Tôi đã đi thăm và làm việc với một số trường đại học ở khu vực Đông Nam Á và nhận thấy rằng ở họ, việc đào tạo một số chuyên ngành như Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Nhật Bản học, Đông Nam Á học cũng không cao hơn chúng ta. Riêng ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam, tuy ra đời muộn nhưng tốc độ phát triển và chất lượng đào tạo đã hơn nhiều trường đại học ở Đông Nam Á.

Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đang chuẩn bị điều kiện để mở chuyên ngành Tây Á - Bắc Phi, trong đó đặc biệt chú trọng đến thế giới Ả rập, ở đó có “thế giới” Hồi giáo.

Để trở thành một trung tâm đào tạo bậc cao về Đông Phương học, chúng tôi đang làm các thủ tục xin phép ĐHQGHN cho mở lớp đào tạo nghiên cứu sinh các chuyên ngành Nhật Bản học, Trung Quốc học, Ấn Độ học, Đông Nam Á học và Korea học. Đó cũng là một hướng phát triển của Khoa trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông.

 V.H (ghi)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   |