Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Một số ghi nhận về sự giúp đỡ to lớn của triết học Xô Viết đối với Việt Nam
Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại không những đã làm rung chuyển thế giới, không chỉ là một trang mới trong lịch sử nhân loại, mà còn giúp cho các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc nô dịch, áp bức suốt hàng thế kỷ đứng lên tự giải phóng mình.

Một trong vô số những sự giúp đỡ hết sức quan trọng đó là sự giúp đỡ về việc đào tạo cán bộ trình độ cao thuộc mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, quân sự, quản lý xã hội; là sự trang bị lý luận tiên tiến cho biết bao chiến sỹ cách mạng, trong đó có rất nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam.

Như chúng ta đều biết, chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh có được thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng và trên cơ sở đó Người đã tìm ra con đường cứu nước kiểu mới khác hẳn với con đường mà các nhà cách mạng tiền bối của Người chủ trương và tin tưởng. Tư tưởng của V.I.Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh giải đáp những vướng mắc, những suy tư, những trăn trở, những dằn vặt về cách thức cứu nước, về con đường giải phóng cho dân tộc sau nhiều năm bôn ba khắp thế giới. Gặp được tư tưởng ấy giống như nắng hạn gặp được mưa rào. Người đã từng viết như sau sau khi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (1)

Lịch sử cũng đã ghi nhận rằng, tiếp theo Nguyễn Ái Quốc, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các nhà cách mạng tiền bối khác của Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, và triết học Mác - Lênin nói riêng, qua nhiều con đường, như qua con đường Pháp, con đường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiếp thu chủ nghĩa Mác được thực hiện một phần rất quan trọng chính là qua con đường Liên Xô, trong đó trước hết phải kể đến việc một số nhà cách mạng đã được trực tiếp học tập ở Trường Đại học Đông Phương, Mátxcơva (như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu và rất nhiều chiến sỹ cộng sản khác). Bên cạnh đó, có nhiều người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin gián tiếp qua sự truyền đạt của những người mà trước đó đã được học nay tổ chức dạy lại cho lớp sau trong các nhà tù vô cùng tàn khốc và khắc nghiệt của thực dân Pháp tại Việt Nam (2)

Từ sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, nhất là từ những năm 50 đến nay, đã có rất nhiều người thuộc các lứa tuổi khác nhau của chúng ta đã được học tập, được đào tạo thành tài tại quê hương cách mạng Tháng Mười. Đặc biệt, đã có rất nhiều người được các nhà giáo Xô viết bồi dưỡng về triết học, nhất là triết học mácxít, theo các trình độ và thời gian khác nhau cả ở Việt Nam lẫn ở Liên Xô trước đây và ở nước Nga hiện nay. Vì vậy, có thể nói, công lao và ảnh hưởng của giới triết học Xô Viết đối với Việt Nam là hết sức to lớn và sâu đậm. Công lao và ảnh hưởng đó biểu hiện trên nhiều mặt.

Đó là ảnh hưởng về nội dung các tư tưởng, các quan điểm mà cần có sự phân tích công phu và chi tiết nhưng trong phạm vi bài này chúng tôi chưa có điều kiện để làm. Tuy nhiên, một cách khái quát có thể thấy điều này từ các cuốn sách giáo khoa, các giáo trình, các tài liệu tham khảo, các sách tra cứu về triết học; từ phương pháp giảng dạy và cách thức nghiên cứu đến quy trình đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao, v.v..Trong nhiều năm, các giáo trình triết học của Liên Xô được chúng ta dịch ra hoặc biên soạn lại trên cơ sở các giáo trình đó đã được dùng để giảng dạy cả trong hệ thống trường Đảng các cấp lẫn trong hệ thống đại học.

Đó còn là ảnh hưởng từ chính những người thầy uyên bác và vô cùng tận tụy đối với các lớp học trò chưa biết gì về triết học.

Các chuyên gia đầu tiên sang Việt Nam vào cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ XX để giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, và triết học Mác - Lênin nói riêng, tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung Ương (nay là Học Viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và Viện Triết học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) là những Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ triết học. Đó là các nhà khoa học mà trong nhiều năm sau vẫn tiếp tục có những hoạt động khoa học gắn bó với Việt Nam và giúp đỡ nhiều cho các cán bộ khoa học Việt Nam như Alêchxanđrốp, Bôgôutđinốp, Cudơmin, Ratrơcốp, Tsépsencô, đặc biệt là A.P.Septulin, v.v.. Chính các chuyên gia này là những người có công trong việc thiết lập chiếc cầu để chuyển tải một cách có hệ thống và cơ bản triết học mácxít thông qua các bài giảng về Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử, về các tác phẩm kinh điển của triết học Mác-Lênin, qua các giáo trình đạo đức học, mỹ học, lôgic học, lịch sử triết học đến đông đảo các cán bộ chủ chốt, xuất thân từ nhiều nguồn song lại chưa có sự hiểu biết sâu về triết học (3) Phần lớn số cán bộ này một thời gian sau đã trở thành các cán bộ lý luận, cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý ở các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.

Bên cạnh việc mời các chuyên gia sang giảng dạy tại Việt Nam, Nhà nước đã tuyển chọn hàng chục sinh viên và cán bộ sang học đại học và làm nghiên cứu sinh tại các trường đại học, tại Viện Hàn lâm khoa học và Trường Đảng cao cấp của Liên Xô. Có thể nói, khoá sinh viên đầu tiên và cũng là khoá đông nhất đã có may mắn được học tại Khoa Triết học của Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxôp bắt đầu từ năm 1960. Các năm sau đó, một số khá đông sinh viên tiếp tục được gửi sang học tập tại đây. Đáng tiếc là công việc này bị gián đoạn mất mươi năm kể từ năm 1965.

Số người được đào tạo triết học từ trình độ đại học đến bậc tiến sỹ khoa học, cũng như được bồi dưỡng theo hình thức thực tập sinh khoa học hay bổ túc ngắn ngày tại các trường đại học và Trường Đảng Cao cấp Liên Xô và các nước cộng hoà trong Liên bang trong khoảng hơn 40 năm qua, dù chưa có con số thống kê chính xác chính thức được công bố nhưng chắc chắn là rất đáng kể. Dĩ nhiên, trong quá trình học tập và nghiên cứu, mỗi người có nhận thức và khả năng lĩnh hội các vấn đề không giống nhau, sự tiếp thu về mặt phương pháp cũng khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung có thể rút ra được nhiều điểm có thể coi là thế mạnh của triết học Xô viết có ảnh hưởng sâu sắc đến những người được đào tạo tại Liên Xô trước đây và tại nước Nga sau này.

Trước hết, nền triết học Liên Xô đã từng có một đội ngũ các nhà giáo - nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Chính họ là những người đã nối tiếp truyền thống của nền triết học Nga, của các nhà tư tưởng tiến bộ Nga. Trong số những người đã từng được đào tạo hoặc trực tiếp giảng dạy tại trường Đại học nổi tiếng thế giới do chính Lômônôxốp xây dựng nên có thể kể đến V.X.Xôlôviốp, P.A.Phlorenxki, V.G.Biêlinxki, X.N.và E.N.Trubexkôi, X.N.Bungakôp, N.A.Becđiaep, V.I.Vernatxki, v.v.. Nhiều thế hệ các nhà triết học rất nổi tiếng sau cách mạng tháng Mười Nga như A.Ph.Lôxep, V.Ph.Axmut, P.X.Pôpốp, V.X.Molôtxốp, T.I.Ôidecman, M.N.Alecxêep, A.X.Bôgômôlôp, L.P.Buêva, E.K.Vôisơvilô, Đ.P.Gorxki, A.V.Gulưga, A.Đ.Koxitrốp, V.I.Cudơnexốp, V.I.Manxép, M.K.Mamarđasơvili, V.X.Chukhơchin, R.X.Cacpinxkaia, P.X.Côpnin, I.T.Phrolốp, V.I.Trerơkexôp, Đ.I.Trexnacốp, A.M.Corsunốp, I.X.Narơxki, D.M.Ôrútgiep, Iu.K.Pletnicôp, V.V.Xôcôlốp, V.X.Xchiôpin, v.v.. cũng đã được đào tạo hoặc trực tiếp giảng dạy tại Đại học danh tiếng này. Nhiều người trong số đó là những người thầy của lớp sinh viên triết học đầu tiên và của nhiều lớp sau nữa tại Đại học Tổng hợp Mátxcơva (MGU) và cả khi nhiều người trong lớp đầu tiên đó có dịp trở lại làm luận án tiến sỹ và tiến sỹ khoa học cũng tại đây hoặc tại Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và nước Nga sau này.

Gần 50 năm sau nhìn lại, kiểm lại càng thấy rằng, lớp những người thầy của chúng tôi đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong thế hệ chúng tôi như thế nào. Phong cách giảng dạy dõng dạc, chặt chẽ, sâu sắc và thuyết phục cao của các giáo sư V.Ph.Axmut, T.I.Ôidecman, A.X.Bôgômôlôp, I.X.Narơxki, E.K.Vôisơvilô, A.M.Corsunốp, Đ.I.Trexnacốp, v.v. có sức cuốn hút vô cùng mạnh mẽ. Cách thức hỏi thi của giáo sư Lôgic học E.K.Vôisơvilô và các giáo sư Lịch sử triết học V.V.Xôcôlốp, V.I.Cudơnexốp nghiêm túc, tỉ mỉ và đòi hỏi độ chuẩn xác cao, kể cả ngày sinh tháng đẻ của các nhà triết học nổi tiếng vì chúng gắn với thời đại sáng tạo của họ, đã làm cho không ít sinh viên bị rơi rụng và nhiều người phát sợ, kể cả sinh viên Nga được học bằng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, chính sự đòi hỏi nghiêm túc ấy buộc mọi người không phải chỉ cố gắng học đều toàn bộ chương trình, phải nắm chắc niên đại, mà còn phải đọc những tài liệu tham khảo bắt buộc. Yêu cầu cao của các thầy đã giúp chúng tôi dần hình thành thói quen học hành chăm chỉ, nhờ vậy mà sau này nhiều người trong chúng tôi đã trưởng thành.

Đối với những ai đã từng học chuyên về triết học tại MGU thì điều khích lệ rất mạnh của những người thầy đáng kính chính là các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ra đời đều đặn trong khi vẫn liên tục giảng dạy, đặc biệt là các công trình lịch sử triết học. Chiều sâu tư tưởng, sự thông tuệ ngôn ngữ cổ và tiếng nước ngoài, tính chính xác và đầy đủ của các nguồn tư liệu trích dẫn trong các công trình nghiên cứu của các nhà triết học Xô viết nổi tiếng như V.Ph.Axmut, T.I.Ôidecman, A.X.Bôgômôlôp, I.T.Phrolốp, V.I.Cudơnexốp, I.X.Narơxki, A.V.Gulưga, V.V.Xôcôlốp, v.v. là điều mà ai cũng có thể thấy. Nhiều công trình trong số đó được viết từ những năm 20-30 thế kỷ XX đến nay vẫn có giá trị khoa học cao. Chẳng hạn, các công trình của V.Ph.Axmut như “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và lôgic học” (1924), “Phép biện chứng của I.Cantơ” (1929), “Phác thảo về lịch sử phép biện chứng trong triết học cận đại” (1930) và nhất là công trình “Mác và chủ nghĩa lịch sử tư sản” (1933) trong đó học thuyết của Mác được coi như là sự tổng kết, sự kế thừa và sự khắc phục truyền thống triết học lịch sử trước đó ở Bêcơn, Hécđe, Cantơ, Phichtơ, Sêlinh và Hêghen.

Tính trung thực khoa học, tầm nhìn xa và sự táo bạo trong các công trình của các Giáo sư, V.Ph.Axmut, A.A.Dinôviép, Đ.I.Trexnacốp, của các viện sỹ B.M.Kêđrốp, I.T.Phrolốp, v.v. là rất đáng trân trọng và là tấm gương về lòng dũng cảm để người làm khoa học noi theo. Vì bảo vệ quan điểm khoa học của mình mà các giáo sư V.Ph.Axmut, A.A.Dinôviép, đã không bao giờ được bầu là viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô nhưng đều là viện sỹ của nhiều Viện Hàn lâm khoa học các nước khác.

Cùng với đội ngũ các giáo sư triết học ở Mátxcơva còn có hàng trăm giáo sư ở các nước cộng hoà, các trung tâm triết học lớn như Lêningrat (Xanh Pêtecbua), Kiep, Minxcơ, Rôxtốp-na-Đôn, Tbilixi, Anma Ata, v.v.. cũng đã có công rất lớn trong việc đào tạo cán bộ triết học cho chúng ta. Tên tuổi của các giáo sư như V.E.Đaviđôvich, Gi.M.Apđinđin, N.P.Đêpentrúc, và của rất nhiều người khác đã quá quen thuộc với những ai đã từng là sinh viên, thực tập sinh hay nghiên cứu sinh tại Liên Xô.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng sâu đậm từ những người thầy triết học Xô viết còn đọng lại ở người học Việt Nam không chỉ là ở phong cách tư duy, ở các công trình nghiên cứu sâu sắc, những tư tưởng mới mẻ được gợi mở để cho các nghiên cứu sinh Việt Nam làm luận án và tập nghiên cứu mà còn ở sự đôn hậu, sự chăm sóc hết lòng đối với sinh viên Việt Nam. Lứa sinh viên khoá đầu tiên học tại khoa Triết học MGU không thể nào quên được hình ảnh Giáo sư A.X.Bôgômôlôp đến tận ký túc xá Xtrômưnka vào ngày nghỉ để bày cách đọc tài liệu và cách ghi chép để sử dụng lâu dài về sau, hoặc thầy giáo Kirêep tận tình hướng dẫn ôn tập môn lôgic khi vốn tiếng Nga còn khó khăn để chúng tôi trả thi cho thầy E.K.Vôisơvilô và A.A.Xtartrencô. Đặc biệt, chúng tôi, những người may mắn, không sao quên được sự nhiệt tình, sự sâu sắc của giáo sư V.Ph.Axmut qua những bài giảng về lịch sử triết học, người mà chính viện sỹ T.I.Ôidecman đã thừa nhận rằng, “tất cả chúng tôi, những nhà lịch sử triết học người Nga, đều trực tiếp hay gián tiếp đều là học trò của giáo sư Axmut” (4) Không sao quên được lời khuyên nhẹ hàng nhưng thấm thía của giáo sư V.Ph.Axmut về việc ai muốn nghiên cứu triết học nước nào thì phải cố gắng học thứ tiếng nước đó. Ngày nay ngồi ngẫm lại thấy lời khuyên của thầy sao quá đúng chỉ tiếc là mình đã già rồi!

Còn lâu những người học trò triết học mới đạt được trình độ của những người thầy giáo đã dạy mình. Song, có thể tự hào mà nói rằng, những người thầy giáo thời Xô viết đã rèn dũa nhiều lớp thanh niên chúng ta thành người, thành những nhà khoa học tận tụy với đất nước, với dân tộc và nhiều người trong số đó đã từng nắm giữ nhưng cương vị quan trọng trong các trường đại học và cơ quan khoa học cũng như trong các cơ quan nhà nước. Các thế hệ người học khác nhau và học trong những điều kiện khác nhau nhưng lượng kiến thức, chiều sâu của tư tưởng, tính trung thực, lòng dũng cảm trong khoa học, sự đôn hậu và nhiệt thành trong cuộc sống của những người thầy giáo Xô viết thật sự sâu đậm trong những ai đã từng sống và học tập ở Liên bang Xô viết. Công lao to lớn và ảnh hưởng sâu đậm của những người thầy giáo, của nền triết học Xô viết sẽ còn mãi trong chúng ta ngay cả khi Liên bang Xô viết không còn tồn tại./.



(1) Hồ Chí Minh. Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin. Toàn tập, xuất bản lần thứ 2. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr. 127.

(2) Xem: Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu. Nxb. Giáo dục, 1996, tr.19-29.

(3) Xem: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia. Viện Triết học - 40 năm xây dựng và phát triển. Viện Triết học xuất bản, Hà Nội, 2002; Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Triết học với đổi mới và đối mới nghiên cứu, giảng dạy triết học. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

(4) Вспоминая В. Ф. Асмуса. Изд Прогресс -Традиция. Москва, 2001, c. 24.

 GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn
Viện Triết học - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   |